Nhà thơ Mai Liễu: Mây trắng về cuối trời quê

Chủ nhật - 08/11/2020 03:14
Nhà thơ Mai Liễu đã hóa thành mây trắng nơi cuối trời Tuyên Quang. Nhưng tôi sẽ luôn nhớ về ông, nhớ những tình cảm ấm áp mà ông dành cho đứa cháu phương xa. Và hình ảnh nụ cười đôn hậu của ông sẽ không bao giờ tắt.

Nhà thơ Mai Liễu đã hóa thành mây trắng nơi cuối trời Tuyên Quang. Nhưng tôi sẽ luôn nhớ về ông, nhớ những tình cảm ấm áp mà ông dành cho đứa cháu phương xa. Và hình ảnh nụ cười đôn hậu của ông sẽ không bao giờ tắt.

 

 

Nhà thơ Mai Liễu

1. Mười mấy năm trước, ngày nọ tôi nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Người gọi tự giới thiệu là nhà thơ Mai Liễu, đang công tác tại Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam. Liên hiệp hội vừa tổ chức trại sáng tác tại thành phố biển và có chuyện kém vui khi kết thúc trại, xuất phát từ bài viết “tưng tửng” của một trại viên. Nghe giọng của nhà thơ, tôi biết ông phiền lòng về bài viết này, bởi ông vẫn luôn mong muốn trại sáng tác là nơi “tiếp lửa” cho văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm. Sau cuộc gọi đó, hai chú cháu thi thoảng nhắn tin. Nhà thơ Mai Liễu hỏi thăm về đời sống văn nghệ ở Phú Yên. Tôi quý ông bởi trái tim đôn hậu, ấm áp.

 

Qua báo chí, tôi được biết nhà thơ Mai Liễu làm thơ từ rất sớm và là người Tuyên Quang đầu tiên trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được kết nạp vào năm 1996. Người con của núi rừng Tuyên Quang đã xuất bản hàng chục tập thơ, đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam. Theo cảm nhận của người trong nghề, những bài thơ hay của nhà thơ Mai Liễu đều ra đời sau khi ông chuyển công tác về Hà Nội. Tôi hình dung trong những đêm thanh vắng, nhà thơ người Tày đối diện với nỗi nhớ quê hương. Và những bài thơ mang tâm hồn, cốt cách, lối biểu cảm sinh động của một người con miền núi nối tiếp nhau ra đời, cho thấy vị trí của ông trên thi đàn muôn màu muôn vẻ. Tôi rất thích bài thơ Tháng ba hoa bưởi của ông:

 

Cây bưởi mẹ trồng sắp thành cổ thụ

Tháng ba nở hoa thơm ngát khoảnh vườn

Nhớ cữ rét nàng Bân heo heo mái lá

Mẹ lên đồi kiếm củi chăm cây

Đã mấy tháng ba vườn đồi vắng mẹ

Cây cọ trổ buồng vàng óng giọt mưa xuân

Tán cọ khuất bóng người từ năm ấy

Dáng tảo tần thấp thoáng mãi đâu đây…

 

2. Nhà thơ Mai Liễu đến Phú Yên khi chưa có đường bay Tuy Hòa - Hà Nội. “Chú phải đi xe taxi từ Cam Ranh ra Tuy Hòa đó. Qua đèo giáp ranh Khánh Hòa - Phú Yên cũng thấy khá nguy hiểm. Bù lại đi đường thấy đồng ruộng Phú Yên rất đẹp, rất nhiều cò, thú vị ghê!”, ông chia sẻ. Nhà thơ Mai Liễu gửi cho tôi bài thơ Tháp Nhạn:

 

Tháp Nhạn! Màu của đất nung, của cát sỏi, của đá núi

Màu của máu và mồ hôi người xưa tụ lại

Những người thợ tài hoa dựng tháp

không ai biết tuổi biết tên

Mấy trăm năm độc sáng

Tâm hồn Chăm

Sáng lên cùng nắng mưa và giông bão...

Tháp Nhạn!

Ngọn nến của thần linh

tỏa sáng một Tuy Hòa

Tỏa sáng một vùng đất Việt...

 

Sau khi có tài khoản cá nhân trên facebook, nhà thơ Mai Liễu thường nhắn tin hỏi thăm, trò chuyện. Đó là sự quan tâm của một bậc cha chú đối với con cháu ở xa. Tháng 5 năm ngoái, biết tin tôi bị tai nạn giao thông, ông thường xuyên “cập nhật tình hình” và động viên. Cuối tháng 7, ông có ổ áp xe dưới da, phải vào bệnh viện phẫu thuật. Ông chia sẻ với tôi bài Thơ viết ngày Ngâu:

 

“Tiết tháng bảy ngâu về/ Mưa dầm dề ngõ phố/ Bệnh viện vẫn đông người/ Cộng ta vào số đó... / Có việc còn dang dở/ Có hẹn vẫn chưa làm/ Bệnh đến đành gác lại/ Một tuần thành hai, ba.../ Nhớ thời ta còn bé/ Khổ nhất ngày chăn trâu/ Gặp mưa rừng, lũ suối.

 

Tìm trâu khắp lũng sâu.../ Những năm đi đánh giặc/ Lệnh hành quân trong mưa/ Vượt đèo cao thác lũ/ Chớp bom lẫn chớp trời.../ Khi đời hai mươi tuổi/ Cái chết xem như không/ Tuổi bây giờ tuổi thất thập/ Chữ thọ lăm sống hoài!...”. Tôi nói cháu không thích bài thơ này đâu, nó buồn lắm. Biết ông mắc bệnh mạch vành, từng được nong và đặt stent, tôi nhắc ông uống thuốc đều đặn và thường xuyên “lắng nghe động tĩnh” của trái tim.

 

Gần cuối năm 2019, khi đi công tác ở Hà Nội, tôi đến thăm nhà thơ Mai Liễu. Phải thuyết phục một lúc, nhà thơ mới cung cấp địa chỉ căn hộ chung cư của vợ chồng ông ở phường Kiến Hưng (Hà Đông), cách làng lụa Vạn Phúc khoảng 4-5km. Ông bảo: “Chú ở xa, chú không muốn con đi tìm nhà vất vả. Chú xuống phố cổ tìm con dễ hơn”. Tôi nói: “Sao cháu lại có thể ngồi đó, để cho một người cao tuổi đến thăm ạ?”. Và tôi bắt xe đến chung cư Sông Nhuệ. Đó là một buổi chiều ngập gió, và lạnh. Nhà thơ ngược gió ra đón. Ông rất vui và xúc động. Ông hỏi thăm một số nhà thơ, nhà văn ở Phú Yên, hỏi thăm nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng, ngậm ngùi về sự ra đi đường đột của nhà thơ - dịch giả người Tày Triệu Lam Châu. Khi tôi rời chung cư Sông Nhuệ, gió chừng như mạnh hơn và trời bắt đầu rét. Nhà thơ Mai Liễu tiễn tôi ra cổng, dặn dò đủ thứ, cứ như tôi là một đứa trẻ. Xe đi rồi, tôi ngoái nhìn dáng ông đi vào, lòng rưng rưng.

 

Vào những dịp đặc biệt hay tết nhất, nhà thơ Mai Liễu nhắn tin chúc mừng. Biết công việc của tôi liên quan mật thiết với các bệnh viện, khi COVID-19 bùng phát, ông nhắn tin dặn “Cẩn thận nghen con”. Giữa tháng 6 vừa rồi, trên đường vào Nam thăm người thân, ông ghé lại Phú Yên và đến thăm Hội VHNT tỉnh. Nhà thơ rất vui khi trở lại Phú Yên sau mười mấy năm nhưng rồi cứ áy náy rằng “con bận rộn công việc cơ quan, nhất là đang làm nhà..., chú đến Tuy Hòa chơi lại làm phiền con”.

 

Ngày 15/10 vừa qua, tôi nhận được tin nhắn của nhà thơ Mai Liễu: “Con yêu quý, Tuy Hòa mưa lũ có ảnh hưởng nặng không con? Nghe tin mưa lũ miền Trung mà chú lo hai mẹ con con vất vả quá! Đi lại cẩn thận nghe”. Tôi vội báo rằng Tuy Hòa mưa mấy hôm trước, hôm nay nắng rồi. Hai ngày sau, ông nhắn tin, chia buồn về sự ra đi của anh tôi.

 

Không ngờ, đó là lần cuối cùng hai chú cháu trò chuyện. Những ngày sau đó, công việc lu bu, tôi không liên lạc với ông. Ngày 26/10, tôi bàng hoàng khi thấy trên trang cá nhân, nhà văn Vũ Hồng ở Bến Tre báo tin nhà thơ Mai Liễu đột ngột qua đời!

 

Tôi đọc lại những tin nhắn hỏi thăm, động viên, khích lệ của ông. Tôi tự an ủi rằng ở tuổi của nhà thơ Mai Liễu, ra đi nhẹ nhàng như vậy là một ơn phước. Nghĩ vậy mà lòng cứ rưng rưng.

 

Nhà thơ Mai Liễu đã hóa thành mây trắng nơi cuối trời Tuyên Quang. Nhưng tôi sẽ luôn nhớ về ông, nhớ những tình cảm ấm áp mà ông dành cho đứa cháu phương xa. Tôi nhớ dáng ông đi ngược gió ở chung cư Sông Nhuệ. Và hình ảnh nụ cười đôn hậu của ông sẽ không bao giờ tắt.

 

Nhà thơ Mai Liễu tên thật là Ma Văn Liễu, sinh năm 1949 tại xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ông từng tốt nghiệp khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, từng là lãnh đạo Hội Văn nghệ Hà Tuyên trước đây, Hội Văn nghệ Tuyên Quang sau này, nguyên Phó Tổng Biên tập thường trực tạp chí Văn hóa các dân tộc thuộc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông đã xuất bản các tập thơ: Suối làng (1994), Mây vẫn bay về núi (1995), Lời then ai buộc (1996), Tìm tuổi (1998), Giấc mơ của núi (2001), Đầu nguồn mây trắng (2004), Bếp lửa nhà sàn (2005), Núi vẫn còn mưa (2013)…

 

Nhà thơ Mai Liễu đột ngột từ trần vào hồi 17 giờ 40 ngày 26/10/2020, hưởng thọ 72 tuổi. Theo di nguyện của ông, tang lễ và an táng được tổ chức tại quê nhà - thôn Đồng Giang, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

 

YÊN LAN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp