Khơi nguồn sáng tạo mỹ thuật của học sinh, sinh viên

Thứ năm - 29/10/2020 07:41
Triển lãm Mỹ thuật học sinh, sinh viên (HSSV) các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc lần thứ 3 - 2020 diễn ra tại Bảo tàng tỉnh (TP Tuy Hòa) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, những người yêu mỹ thuật.

Triển lãm Mỹ thuật học sinh, sinh viên (HSSV) các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc lần thứ 3 - 2020 diễn ra tại Bảo tàng tỉnh (TP Tuy Hòa) đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, những người yêu mỹ thuật.

 

Triển lãm quy tụ 159 tác phẩm thuộc các loại hình: hội họa, đồ họa, điêu khắc và thiết kế đồ họa từ HSSV của 18 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc, trong đó có 8 trường đại học, 7 trường cao đẳng và 3 trường trung cấp.

 

Sắc màu nghệ thuật

 

Dừng chân khá lâu bên tác phẩm Không ai cô đơn, anh Nguyễn Ngọc Hoàng - một khách tham quan triển lãm ở TP Tuy Hòa, chia sẻ: “Tôi ấn tượng với tác phẩm thiết kế và minh họa truyện tranh bằng chất liệu tổng hợp này. Khi xem tôi cảm nhận được sự chân thực về “cuộc sống thời COVID” trên khắp đất nước trong thời gian qua”.

 

Tống Phước Quỳnh Ngân, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, tác giả của tác phẩm nêu trên cho biết, đây là tác phẩm mới của mình, sáng tác về đề tài dịch COVID-19. “Giãn cách xã hội do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhiều người dân, nhất là người lao động, nên mình muốn thông qua tác phẩm này động viên, khích lệ mọi người tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, nỗ lực tạo nên những điều tốt đẹp hơn sau thời gian khó khăn do đại dịch...”, Tống Phước Quỳnh Ngân nói.

 

Rất nhiều tác phẩm khác cũng gây được ấn tượng với công chúng như: Day dứt (khắc gỗ) của Nguyễn Đăng Khoa, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam; Vũ điệu H’Mông (sơn mài) của Bùi Thị Phòng, Trường đại học Sư phạm Hà Nội; Ngao sò ốc hến (thiết kế đồ họa) của Nguyễn Thị Thanh Mai, Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh...

 

Góp mặt trong triển lãm với tác phẩm Soi bóng bên đầm, Lê Thị Thanh Nguyệt, Trường cao đẳng Bình Định, chia sẻ: “Tôi muốn đưa những hình ảnh thân quen nhất vào tác phẩm của mình để nhìn vào đó người xem có thể nhận ra đó là dòng sông, bến đò... thân thương trong lòng mỗi người. Nơi đã in dấu tâm hồn và tắm mát cho những ký ức tuổi thơ ngọt ngào, trong trẻo mà thời gian chẳng thể xóa nhòa. Có thể nói, Soi bóng bên đầm chính là một mảnh tâm hồn trong trái tim tôi, là cảnh đẹp tôi yêu thích nhất”.

 

Thầy Trương Đình Huy, Trưởng Khoa Mỹ thuật, Trường trung cấp VH-TT-DL Bắc Giang, chia sẻ: “Triển lãm lần này, trường chúng tôi tham gia 9 tác phẩm thuộc 3 loại hình: hội họa, đồ họa và điêu khắc. Chúng tôi mong muốn qua triển lãm, các em HSSV sẽ mạnh dạn sáng tạo và có những đột phá từ các ý tưởng mới mẻ. Từ đó thổi vào đời sống mỹ thuật một luồng gió mới, đủ sức hấp dẫn công chúng yêu thích và đam mê nghệ thuật…”.

 

Thúc đẩy sự sáng tạo

 

Phát biểu khai mạc triển lãm, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VH-TT-DL), Trưởng Ban tổ chức triển lãm, nhấn mạnh: Đây là hoạt động được Bộ VH-TT-DL tổ chức định kỳ hai năm một lần; là sinh hoạt chuyên môn liên quan đến lĩnh vực mỹ thuật nhằm đánh giá toàn diện về chất lượng đào tạo và hoạt động sáng tạo của HSSV đang học tập tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc thông qua việc công bố các tác phẩm mỹ thuật. Vụ trưởng Vụ Đào tạo cũng kiến nghị, đề xuất các ngành liên quan ban hành chế độ, chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Mỹ thuật của cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật toàn quốc.

 

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, đào tạo văn hóa nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng là lĩnh vực đào tạo mang tính chuyên biệt, từ phát hiện năng khiếu, tài năng ở lứa tuổi còn trẻ, đến tạo đào, bồi dưỡng và sử dụng sau khi được đào tạo. Năng khiếu và tài năng của các em được nuôi dưỡng và phát triển trong quá trình đào tạo tại các nhà trường cùng với sự tham gia cọ xát, giao lưu học hỏi tại các hội thi tài năng.

 

Còn GS.TS, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban giám khảo, nhận xét: “Mặc dù vẫn đang ở trong độ tuổi đi học và ít nhiều chưa thoát khỏi những khuôn mẫu trong nhà trường, nhưng nhiều tác phẩm của HSSV có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật. Các tác phẩm tham gia triển lãm lần này có chất lượng khá đồng đều, nhiều tác phẩm có ý tưởng và cách thể hiện tốt, chuyên nghiệp, bắt kịp được xu hướng mỹ thuật thế giới. Tuy nhiên, triển lãm còn thiếu sự góp mặt của các tác phẩm làm bằng chất liệu gốm và các tác phẩm điêu khắc tham gia còn hạn chế”.

 

Qua 4 tháng chuẩn bị, 18 cơ sở đào tạo trên toàn quốc đã tích cực hưởng ứng kế hoạch của Bộ VH-TT-DL; nhiều tác phẩm đã được gửi đến Ban tổ chức triển lãm. Ở vòng 1, Ban giám khảo chọn ra 159 tác phẩm vào vòng 2 trên tổng số 236 tác phẩm tham gia để trưng bày triển lãm. Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 54 tác phẩm xuất sắc, gồm: 4 giải nhất, 8 giải nhì, 12 giải ba và 4 giải khuyến khích cho sinh viên hệ đại học; 2 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích cho sinh viên hệ cao đẳng; 3 giải nhất, 6 giải nhì, 9 giải ba và 3 giải khuyến khích cho học sinh hệ trung cấp.

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp