“Như bà, chạy chợ làm gì nữa cho mệt”. Bạn chạy chợ cùng mẹ tôi hay nói như vậy mỗi khi thấy mẹ gồng gánh rau củ lỉnh kỉnh ngồi ở một góc trong lòng thành phố, là bởi họ thấy mẹ đã già và con cái đã lớn khôn đủ đầy.
Năm nay mẹ tôi tròn sáu mươi tuổi, có tất thảy bốn đứa con, nếp tẻ đủ cả. Anh trai tôi làm ngân hàng, chị gái thứ hai buôn bán, chị kế tiếp và tôi có một công việc văn phòng tại doanh nghiệp. Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thấy mình cũng còn may mắn hơn so với nhiều người.
Chúng tôi không phải là không có trách nhiệm nuôi mẹ khi tuổi già. Thậm chí khi anh trai tôi đi làm chừng hai, ba năm gì đã khuyên mẹ nghỉ chợ vì anh có thể thu xếp, lo được chuyện ăn học cho chị em tôi. Nhưng mẹ nhất định không chịu, mẹ rằng đang còn sức khỏe thì hà cớ gì mẹ lại nghỉ ngơi chân tay, không làm việc?
Một ngày mới của mẹ bắt đầu từ hai giờ sáng, mẹ tự chạy xe máy xuống thị xã, vào chợ đầu mối mua rau, củ, mắm, muối, gửi xe máy rồi nhảy xe đò vào thành phố để bán. Giấc ngủ của mẹ được bù đắp trên chuyến xe đò ngắn ngủi. Bất kể ngày mưa hay nắng mẹ đều chạy chợ như vậy. Hiếm lắm mới thấy mẹ nghỉ ở nhà một lần.
Mẹ gom những cọc tiền lời cho vào túi nilon, dăm ba bữa nếu có người quen mẹ gửi ra Hà Nội cho anh em ăn học. Không thì chúng tôi nhảy xe về thăm nhà, thăm mẹ và nhận những “đồng lương” của mẹ. Cọc tiền đủ đầy cả những tờ hai trăm đồng, năm trăm đồng, một ngàn đồng. Cọc tiền dày cộm, nhăn dúm và thấm đầy mùi của mẹ, mùi mồ hôi, mùi rau củ, mùi chợ, mùi khó nhọc, vất vả.
“Mẹ hạnh phúc khi được làm việc, thấy các con khôn lớn trưởng thành”. Mẹ hay nói như vậy trong những lần con cái can ngăn mẹ nghỉ làm, dưỡng sức. Quan niệm sống của mẹ đơn giản, còn sức là còn làm việc. Đang dư sức sao lại phải để con cái lo lắng từng bữa ăn?
Rồi mẹ mệt, đổ bệnh, con cái đưa vào bệnh viện, mẹ gầy rộc, mắt hốc hác, tóc bạc nhiều nhưng miệng thì vẫn cười tươi lắm. “Mẹ mệt chút hà. Mai là lại khỏe ngay”. Nhưng cái lạc quan của mẹ, sự hy vọng của chúng tôi không phải như mẹ nói nữa rồi. Mẹ ốm nặng. Trong lúc anh em chuẩn bị tiền để đưa mẹ vào phòng chăm sóc đặc biệt, mẹ ra hiệu chỉ vào chỗ túi quần. Anh tôi mở túi quần ra trong đó có một tờ giấy chỉ chỗ cất tiền của mẹ. Nhưng chúng tôi không sử dụng tiền của mẹ.
Mẹ khỏe, ra viện chưa được ba ngày thì mẹ kêu nhớ chợ. Nhưng dù có nhớ đến cỡ nào, mẹ cũng không thể lỉnh kỉnh rau củ để mà leo xe đò vào thành phố được.
Không chạy chợ mẹ sang làng bên lấy nón về khâu rồi mang ra chợ bán. Hôm bữa mẹ phát hiện bị tiền của mẹ không vơi đi một đồng nào mẹ gọi mấy đứa con vào mắng “Sao không lấy tiền mẹ mà tiêu? Chúng mày bao thứ phải lo lấy tiền đâu ra?”.
Không dưng lúc đó, sau khi nghe lời mẹ nói nước mắt tôi đã chảy, thấy thương mẹ đến vô cùng. Cả một đời mẹ hy sinh vì chúng tôi, đến cái tuổi đáng nhẽ ra được nhờ hưởng con cháu nhưng mẹ chẳng bao giờ muốn làm phiền. Mẹ vẫn miệt mài làm việc, tích trữ tiền khi ốm đau bệnh tật, lo già cả con cái phụng mình sẽ khổ.
MAI HOÀNG