Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Bảo tồn lễ hội truyền thống qua hoạt động bảo tàng

Thứ ba - 14/04/2020 08:43
Công tác bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống (LHTT) đóng vai trò quan trọng và tích cực không chỉ trong việc tìm hiểu, khám phá về lịch sử tự nhiên và xã hội, mà còn góp phần bảo vệ mạch nguồn văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế…
Bảo tồn lễ hội truyền thống qua hoạt động bảo tàng

Công tác bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống (LHTT) đóng vai trò quan trọng và tích cực không chỉ trong việc tìm hiểu, khám phá về lịch sử tự nhiên và xã hội, mà còn góp phần bảo vệ mạch nguồn văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế…

 

Với những đặc thù về lịch sử - văn hóa, Phú Yên hiện lưu giữ và duy trì hoạt động của hơn 40 lễ hội các dân tộc với nhiều loại hình lễ hội như: dân gian truyền thống, lịch sử, danh nhân, tôn giáo... Trong đó có khoảng 10 lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức định kỳ hàng năm.

 

Sưu tầm, kiểm kê, trưng bày

 

Theo ThS Nguyễn Thị Bích Đào, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, để tiến hành sưu tầm, tư liệu hóa LHTT có chất lượng và hiệu quả, cán bộ sưu tầm phải xác định LHTT thuộc loại hình nào: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử hay lễ hội văn hóa gắn với hoạt động sống của cộng đồng. Đồng thời tiến hành nghiên cứu kỹ lễ hội qua các đặc trưng về thời gian, không gian, chủ thể và nội dung của lễ hội. Việc nghiên cứu và xác định loại hình LHTT giúp cán bộ bảo tàng xây dựng kế hoạch sưu tầm và tư liệu hóa LHTT phù hợp để những tư liệu, hiện vật sưu tầm và tư liệu hóa không bị đóng băng mà trở thành những tư liệu, hiện vật sống động phục vụ việc trưng bày, giới thiệu LHTT.

 

ThS Nguyễn Thị Bích Đào cho biết: “Tư liệu (tài liệu giấy và các đĩa CD, VCD, DVD, USB, thẻ nhớ...) và hiện vật liên quan đến LHTT khi sưu tầm về phải được nhập kho kiểm kê, bảo quản theo quy định bảo tàng. Điều này đảm bảo rằng các tư liệu, hiện vật liên quan đến LHTT được lưu giữ, bảo quản trong những điều kiện tốt nhất của bảo tàng, sẵn sàng cho việc trưng bày, giới thiệu LHTT. Để thuận lợi cho việc tìm kiếm và tra cứu thông tin nhanh nhất, các tư liệu, hiện vật sẽ được xây dựng theo sưu tập từng LHTT cụ thể. Việc xây dựng sưu tập tư liệu, hiện vật về một LHTT cụ thể còn giúp cán bộ bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những tư liệu, hiện vật còn thiếu để hoàn thiện các bộ sưu tập phục vụ cho việc trưng bày, giới thiệu LHTT một cách hiệu quả”.

 

Ngoài ra, việc trưng bày tư liệu, hiện vật và giới thiệu LHTT sẽ được thực hiện dưới hình thức trưng bày chuyên đề. Trên cơ sở nguồn tư liệu, hiện vật sưu tầm được lưu giữ trong kho, các nhà trưng bày sẽ phải thiết kế không gian trưng bày LHTT phù hợp với không gian lễ hội và thực hành. “LHTT là một loại hình của di sản văn hóa phi vật thể nên khi trưng bày phải cho khách tham quan được xem, được nhìn và được trải nghiệm hơn là bắt họ phải đọc những bài viết đưa lên trưng bày. Vì thế, cần những phương pháp trưng bày minh họa kết hợp với hình thức trưng bày dựa vào cộng đồng nhằm giới thiệu một cách sinh động, hấp dẫn tới khách tham quan...”, ThS Nguyễn Thị Bích Đào nói.

 

Gìn giữ cho mai sau

 

Theo ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, trước sự mai một và mất dần đi truyền thống văn hóa, giá trị văn hóa phi vật thể, các bảo tàng đã xác định cho mình nhiệm vụ góp phần bảo vệ những di sản văn hóa phi vật thể nói chung và LHTT nói riêng qua việc nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và lưu giữ những giá trị truyền thống ấy bằng hệ thống tư liệu nghe, nhìn, không những cho ngày nay mà còn cho cả mai sau. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy giá trị của các LHTT, cần có sự chung tay giữa cơ quan quản lý nhà nước - nhà nghiên cứu - cộng đồng chủ thể bằng cách khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống của dân tộc trong mỗi người dân tới toàn cộng đồng; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị LHTT, gắn với trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân; tuyên truyền giáo dục pháp luật, đề cao vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý LHTT... nhằm giúp cộng đồng tự nhận thức về trách nhiệm của mình.

 

“Thực tế cho thấy, lễ hội sẽ luôn được giữ gìn và trao truyền nếu cộng đồng chủ thể hiểu rõ và yêu di sản. Đó chính là yếu tố cơ bản cần có để mạch nguồn truyền thống chảy mãi theo thời gian”, ông Nguyễn Hữu An nhìn nhận.

 

Cô Võ Thị Nhất, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, chia sẻ: “Nhà trường đã nhiều lần tổ chức cho học sinh tham quan trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Qua đó góp phần giáo dục các em về truyền thống yêu nước, bày tỏ tấm lòng tôn kính, tri ân sâu sắc công đức các anh hùng dân tộc. Đồng thời góp phần tuyên truyền, quảng bá giúp học sinh nhận diện và hiểu được giá trị đặc sắc của các di sản văn hóa trên quê hương, nhất là các LHTT; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút sự quan tâm theo dõi của các em học sinh nói riêng và người dân nói chung. Từ đó cổ vũ tinh thần, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc...”. 

 

Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, LHTT là một loại hình của di sản văn hóa phi vật thể. Bảo tàng là cơ quan nghiên cứu và giáo dục khoa học, có nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây là những chức năng quan trọng nhất không thể thiếu mà xã hội đã giao cho bảo tàng.

 

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Hữu An

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp