Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) - mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc là đề tài thu hút nhiều nhà làm phim. Đã có biết bao thước phim tài liệu, điện ảnh, kịch cho chúng ta những hình dung về chiến thắng năm ấy.
Mỗi bộ phim là một tác phẩm nghệ thuật chân thực, vừa mang giá trị lịch sử, vừa giáo dục truyền thống, khơi gợi niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đây là những bộ phim rất đáng xem về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 45 năm về trước.
Những thước phim đầy ý nghĩa
Ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (Sở VH-TT-DL Phú Yên), cho biết: Vào các dịp lễ lớn, nhất là dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đều tổ chức chiếu phục vụ khán giả các phim truyện, phim tài liệu về Bác Hồ, về các nhân vật lịch sử, các chí sĩ yêu nước có ảnh hưởng và liên quan đến các phong trào đấu tranh giải phóng đất nước. Năm nay kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thay vì xem phim lưu động hay đến rạp, khán giả có thể thưởng thức những bộ phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng… được chiếu trên truyền hình và mạng xã hội. Nhiều bộ phim về đề tài lịch sử, cách mạng đã để lại ấn tượng với khán giả như: Biệt động Sài Gòn, Cánh đồng hoang, Nổi gió, Em bé Hà Nội, Mùa nước nổi, Ván bài lật ngửa, Giải phóng Sài Gòn, Dòng sông phẳng lặng, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Những ngày đêm không thể nào quên, Những người viết nên huyền thoại, Mùi cỏ cháy, Ngã ba Đồng Lộc, Đường thư, Đừng đốt, Đường xuyên rừng, Những đứa con của làng, Sống cùng lịch sử, Mẹ ơi con đã về...
Đến thời điểm hiện tại, Biệt động Sài Gòn được đánh giá là bộ phim kinh điển về ngày 30/4 của điện ảnh Việt Nam, thu hút lượng người xem đông đảo nhất. Bộ phim của đạo diễn Long Vân, gồm 4 tập: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông và Trả lại tên cho em. Với diễn xuất tài tình của dàn diễn viên: Thanh Loan (vai Ni cô Huyền Trang), Thương Tín (vai Sáu Tâm), Quang Thái (vai Tư Chung)…, bộ phim đã tái hiện hành trình khó khăn, can trường của lực lượng Biệt động Sài Gòn khi “đưa chiến tranh vào thành phố” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đan xen những hình ảnh đạn bom, khói lửa, đặc biệt là những cảnh đấu trí căng thẳng của các chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch là những câu chuyện tình yêu đầy cảm xúc và giàu ý nghĩa góp phần giúp bộ phim đi sâu vào lòng người.
Hay Đừng đốt - một trong những bộ phim tuyên truyền cách mạng thành công được sản xuất vào những năm 2000. Bộ phim do đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đạo diễn và viết kịch bản. Phim được tạo dựng dựa theo cuốn nhật ký nổi tiếng của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, được cô viết từ năm 1968 tới trước khi hy sinh 2 ngày vào năm 1970. Bộ phim không chỉ tôn vinh nữ anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và những người con đất Việt cho “giấc mơ hòa bình độc lập” mà còn kể về hành trình lưu lạc kỳ lạ của cuốn nhật ký trong suốt 35 năm với sức hấp dẫn mới mẻ.
Đừng đốt ra mắt tại Liên hoan Phim Fukuoka lần thứ 19 tại Nhật Bản và giành giải khán giả bình chọn. Bộ phim được phát hành cuối tháng 4/2009 tại Việt Nam và được chiếu ở Liên hoan phim quốc tế ASEM tại Hà Nội giữa tháng 5/2009. Bộ phim đã giành được giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009 và chiến thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng năm 2010.
Khơi dậy lòng yêu nước
Anh Nguyễn Quang Vinh ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) bày tỏ: “Sinh ra và lớn lên trong thời bình, tôi không hiểu hết được những đau thương, mất mát, gian khổ, hy sinh của các thế hệ đi trước để hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Nhờ những bộ phim cách mạng Việt Nam, tôi mới thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hòa bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc”.
Còn bà Nguyễn Thị Nhiên ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) chia sẻ: “Xem lại những thước phim cách mạng cận kề những ngày đặc biệt, tôi lại không kiềm được cảm xúc của mình. Là người chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt, quê hương bị cày xới, điêu tàn bởi bom đạn chiến tranh, giờ đây, tôi càng quý trọng những ngày tháng yên bình và càng trân trọng những thành quả có được sau những năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới”.
Theo ông Lê Trung Hiền, dòng phim lịch sử, đặc biệt là phim về đề tài chiến tranh khá kén đối tượng khán giả, chủ yếu là thu hút những người ở độ tuổi trung niên và người già. Còn giới trẻ hiện nay đa số đều thích các phim tình cảm, phim hành động, tuy nhiên cũng có không ít bạn trẻ thích xem, thậm chí bắt đầu “ghiền” dòng phim này. “Việc chiếu các phim lịch sử, cách mạng trên truyền hình hay mạng xã hội không chỉ giúp thế hệ trẻ hôm nay và các tầng lớp nhân dân có dịp ôn lại truyền thống hào hùng, bất khuất của Quân đội nhân dân Việt Nam, mà còn khơi dậy niềm tự hào, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và mỗi người dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...”, ông Lê Trung Hiền nói.
THIÊN LÝ