Kho tàng nhạc phong phú của người Ê Đê

Thứ ba - 28/04/2020 03:03
Người Ê Đê Phú Yên có một kho tàng dân ca, dân nhạc và dân vũ phong phú về thể loại lẫn chủ đề. Mỗi loại hình, ngoài tính chất đặc thù của nhạc điệu, nội dung, chúng còn chịu sự quy định của một số điều kiện ở môi trường diễn xướng.

Người Ê Đê Phú Yên có một kho tàng dân ca, dân nhạc và dân vũ phong phú về thể loại lẫn chủ đề. Mỗi loại hình, ngoài tính chất đặc thù của nhạc điệu, nội dung, chúng còn chịu sự quy định của một số điều kiện ở môi trường diễn xướng.

 

Trong suốt vòng đời người, âm nhạc, lời ca, câu hát luôn theo người Ê Đê từ thuở mới lọt lòng mẹ đến khi khuất núi. Tiếng hát cất lên lúc mang niềm vui đến mọi người, lúc truyền đạt tình ý, vốn sống, chia sẻ trải nghiệm trong lao động trồng trọt, chăn nuôi. Đôi khi, đó là lời thỉnh đạt ý nguyện đến các thần linh núi rừng, sông nước, hay tỏ bày tình yêu lứa đôi, có duyên, có nợ sẽ về chung một nhà…

 

Lời ca, điệu múa đặc trưng

 

Tiếng hát của người Ê Đê được chia thành nhiều loại: H’ ri hậy dùng phổ biến ở nhiều dạng sinh hoạt, đặc biệt là ở hội làng buôn, mang tính diễn cảm; H’ ri ting - rang mang tính trữ tình, được sử dụng trong khung cảnh nhẹ nhàng giữa hai người; H’ ri cô -ning là loại hát đối đáp ứng khẩu theo những giai điệu nhất định. Trong đó, thể loại hát ru là sự giao cảm giữa mẹ và con, nên giai điệu âm nhạc thường êm dịu, thanh thoát, bình dị, nội dung lời ca mộc mạc, gần gũi, mang tính giáo dục, cảm hóa đậm tính nhân văn.

 

Cùng các loại hát trên, Chơnăk là một trong những thể loại hát phổ biến nhất của người Ê Đê Phú Yên, tương đồng với dân tộc Ê Đê Tây Nguyên. “Mỗi bài Chơnăk dài hàng nghìn câu với những nội dung kể về các cuộc xung đột giữa các vị tù trưởng (M’tao) hay trai làng giữ gái làng ta hoặc xâm chiếm đất đai giữa buôn làng này với buôn làng khác… Người kể Chơnăk thể hiện câu chuyện qua giọng hát, lúc trầm, lúc bổng, lúc hào hùng, khi thanh thoát, lúc thong thả, lắng sâu, man mác...”, nghệ nhân Ma Nghin ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) giỏi về hát Chơnăk nói.

 

Các loại hình diễn xướng trong sinh hoạt văn hóa của người Ê Đê được xem là phương tiện đa chức năng, là một bộ phận gắn kết trong cuộc sống cộng đồng với nhiều mối tương quan, kể cả trong và ngoài thế giới hiện thực. Vì vậy, mỗi nhạc cụ, mỗi làn điệu dân ca đều được phân định rõ ràng về không gian, thời gian, hoàn cảnh và đối tượng thể hiện, kết hợp với chúng trong nhiều trường hợp là sự thể hiện của nhiều loại dân vũ. Ấn tượng nhất là điệu múa xoang với các thể loại chính như: Xoang Samơk thể hiện sự vui mừng, hân hoan mùa màng bội thu; Xoang Pơ sat thực hiện khi lúa trên rẫy bắt đầu chín rộ; Xoang Grong Atâu múa trong tang lễ; Xoang Khiêl và Xoang Kơdeêh biểu diễn khi buôn làng tổ chức lễ hội mừng chiến công; Xoang Tưnôl hay Tap sơgơ thực hiện trong lễ cúng đâm trâu - xoay cột để kính báo, tạ ơn Yang Adiê (thần trời), Yang Lăn (thần đất) đã độ trì dân làng an vui, có cuộc sống đủ đầy.

 

Người Ê Đê Phú Yên và người Ê Đê Tây Nguyên đều có điệu múa chim Grứ (chim đại bàng) là một trong những điệu múa phổ biến ở các lễ hội lớn, hay trong nghi lễ cúng Yàng (trời). Múa chim Grứ được coi như phương tiện đưa linh hồn người chết về thế giới của tổ tiên. Ông Ma H’ Lin ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) chia sẻ: “Điệu múa chim đại bàng chỉ cần 3-5 người nữ là có thể biểu diễn được, không cần phải nhiều người như múa xoang có tới 15 đến 20 nam nữ. Đặc biệt, múa điệu chim Grứ phải có múa trống đôi mới sinh động, phong phú”.

 

Nhạc cụ dân tộc truyền thống

 

Tương ứng với mỗi lời ca, điệu múa của người dân tộc Ê Đê là các thể loại nhạc cụ, nổi bật nhất là cồng, chiêng. Tiêu biểu phải kể đến cồng ba, chiêng năm. Cồng ba gồm có 3 chiếc, với các tên gọi: Mong (chiếc nhỏ nhất), Môn (chiếc trung bình) và Anưa (chiếc lớn nhất). Cồng ba được đánh khi buôn làng có người qua đời và phục vụ trong tang lễ. Còn chiêng năm, gồm có 5 chiếc với các tên gọi lần lượt là: Tươn, Điên, Pochê, Na pơ rơn và Nasat. Chiêng năm chỉ đem ra dùng khi có đám tiệc như mừng tuổi con trai, con gái trưởng thành, vui mừng đám cưới, mừng nhà mới, và các lễ cúng quan trọng như: cúng bến nước, rước hồn lúa, đâm trâu - xoay cột… Ngoài ra còn có chiêng Knah, chiêng Gril, chiêng Aráp... Đặc biệt, chiêng Knah gồm 5 chiếc không có núm. Trong đó, chiêng Knah anah gọi là chiêng bà ngoại, Hliang là chiêng cha, Đai-Hliang là chiêng con, Khất là chiêng mẹ, Đai-Khất là chiêng con gái cả. Dân tộc Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên chiêng lớn là bà ngoại, chiêng trung bình là mẹ và chiêng nhỏ tượng trưng con gái.

 

Già làng Y Típ sinh sống tại xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, cho biết: “Ngoài cồng, chiêng, aráp, nhạc cụ trong sinh hoạt văn hóa của dân tộc Ê Đê còn có: Đing ta lé (sáo trúc), Đinh Đong (đàn nhị) là hai nhạc cụ sử dụng sinh hoạt trong gia đình lúc nông nhàn và lễ hội cộng đồng. Đinh Goong (đàn bầu) đánh lúc ngủ ở rẫy; tù và làm bằng sừng trâu thổi vào dịp lễ tế cho các vị thần linh, hoặc tụ họp dân làng khi có việc đột xuất, khi xảy ra hỏa hoạn, hoặc có người chết bất đắc kỳ tử ở trong buôn”. 

 

Dân ca, dân vũ và dân nhạc là những di sản quý báu mà người Ê Đê Phú Yên được thừa hưởng qua các thế hệ. Hiện nay, họ vẫn luôn có ý thức gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, và cùng phát triển trong sự thống nhất, đa dạng của nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.

 

NSƯT - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang

TRẦN LÊ KHA

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp