Là một trong những cây bút cách tân hàng đầu của văn học Việt Nam hiện nay, nhà văn Nguyễn Bình Phương để lại dấu ấn trong hàng loạt tiểu thuyết. Tác phẩm của ông không gây ồn ào khi xuất hiện trên văn đàn song không lẫn vào đâu bởi giọng văn khác thường, tinh tế và có sức mê hoặc.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, theo cảm nhận của tôi, là một người điềm đạm, lặng lẽ, và tinh tế. Câu “Văn là người” tuyệt đối đúng với nhà văn mang quân hàm đại tá này.
Sinh năm 1965 tại Thái Nguyên, nhà văn Nguyễn Bình Phương trưởng thành trong quân đội trước khi đến với văn chương. Ông là cây bút tiểu thuyết có tầm, một trong những nhà văn đương đại nổi bật, với các tác phẩm: Bả giời, Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Mình và họ, Kể xong rồi đi. Đầu năm 2019, tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn của ông được xuất bản tại Pháp với cái tên Un autre ciel (Chân trời khác), do Emmanuel Poisson dịch. Đây là tác phẩm thứ hai của nhà văn Nguyễn Bình Phương được giới thiệu đến cộng đồng Pháp ngữ, sau Thoạt kỳ thủy (NBX Riveneuve, 2014). Ngoài tiểu thuyết, nhà văn - đại tá Nguyễn Bình Phương còn là tác giả các tập thơ: Lam chướng, Khách của trần gian, Xa thân, Từ chết sang trời biếc, Thơ Nguyễn Bình Phương, Buổi câu hờ hững, Xa xăm gõ cửa. Ông hiện là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Nhà văn - đại tá Nguyễn Bình Phương. Ảnh: YÊN LAN |
“Gói” đời sống vào tác phẩm theo cách riêng
* Thưa nhà văn, người viết văn cũng giống như người kể chuyện. Có người kể rất lôi cuốn, thâm thúy; có người kể nhạt. Ông đã làm thế nào để “kể chuyện” khiến độc giả say mê?
- Thực ra thì giọng kể của một nhà văn, gọi nôm na là cái tạng, do trời sinh ra. Vấn đề là mỗi người phát huy hết cái tạng ấy. Muốn phát huy hết, thứ nhất anh phải có vốn sống, có tri thức, phải đam mê, phải nghiền ngẫm. Người Việt có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở” dạy cách làm người, cách sống cho văn minh. Nếu đem “phổ” câu đó vào văn học nghệ thuật thì sẽ thấy đó cũng là một quy trình. Thế thì “học ăn” là gì? Thực ra “học ăn” nghĩa là học cách tiếp nhận đời sống, biết sàng lọc cái gì hay, cần phải thu nạp vào, cái gì cần loại bỏ. “Học nói” chính là rèn thành một phong cách riêng, một giọng điệu riêng. Nghề văn nó là như thế. “Học gói” là học kỹ thuật để cô đúc lại. Chất liệu của đời sống ngổn ngang như thế, anh “gói” thế nào trong một truyện ngắn, “gói” thế nào trong một bài thơ, “gói” thế nào trong một tiểu thuyết. Đấy là kỹ thuật làm nghề. Và “học mở” chính là “phổ” thêm ý nghĩa để tác phẩm của anh mở ra nhiều hướng, nó không thu hẹp, không chỉ là một câu chuyện. “Học mở” nghĩa là tạo ra sự đa nghĩa trong một tác phẩm.
Tôi nghĩ bí quyết và cũng chính là hành trình để một nhà văn có phong cách riêng, dấu ấn riêng và có thể đi đến thành công thì nên dựa vào câu nói đó. Ông cha ta nói về việc học làm người, nhưng tôi nghĩ rằng học làm người cũng chính là học để làm văn. Đúng không? Văn là người mà.
* Tên các tiểu thuyết của ông hầu hết đều dung dị, rất “hiền”, có vẻ như đi ngược với xu hướng độc, lạ, gây chú ý. Tác phẩm của ông xuất hiện trên văn đàn không ồn ào nhưng có sức mê hoặc và không lẫn vào đâu. Ông có thể lý giải điều này?
- Tôi nghĩ rằng tôi chỉ cố gắng không làm mọi thứ rối beng lên và cố gắng không làm mọi thứ khó hiểu đi. Đấy cũng nằm ở bốn tiêu chí “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Thực ra phải đặt vấn đề: Anh viết để làm gì? Nếu anh viết để chơi với anh thì có thể làm mù mịt, chỉ mình anh hiểu. Nhưng thường thì anh viết để cho độc giả đọc, đúng không? Anh có điều gì đó cần phải suy nghĩ, cần phải bộc bạch thì anh mới viết ra, để cho độc giả đọc. Mà để độc giả hiểu được điều anh muốn bộc bạch thì phải cố gắng viết một cách giản dị. Chỉ khi không cần độc giả thì mới đưa ra thông điệp rối mù. Tôi cũng thế thôi, không làm rối để tác phẩm tiệm cận với độc giả. Tất nhiên tác phẩm của tôi không đơn giản. Nó có độ phức tạp nhất định nhưng nó sẽ giản dị một cách triệt để theo “sức vóc” của tôi.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương (đứng thứ 6, từ phải sang) cùng các nhà văn, nhà thơ tham quan Khu di tích lịch sử Bến - Tàu Không số Vũng Rô và gặp gỡ Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Đắc Thạnh. Ảnh: XUÂN TÙNG |
Khi viết cũng xúc động, giận dữ...
* Thật ra thì vẻ đẹp là ở sự giản dị chứ không ở sự cầu kỳ, diêm dúa. Thưa nhà văn, có bao giờ ngồi trước trang viết, ông bị cảm xúc, câu chữ của mình cuốn đi, và ông phải đi theo?
- Có chứ. Phần lớn là như thế. Có những nhà văn viết hoàn toàn bằng lý trí. Người ta dựng đề cương, còn tôi không dựng đề cương bao giờ cả. Đời sống vào, tự xử lý ở trong đầu rồi mình viết ra, hình thành câu chuyện. Tất nhiên vấn đề thì mình phải nghĩ. Vấn đề giống như lõi nam châm, hút tất cả những tư liệu, những chi tiết vây quanh… Cũng như đa phần, tôi viết bằng cảm xúc. Khi viết cũng xúc động, cũng giận dữ… Chính vì thế nên mình có thể bị dẫn đi, những đoạn dự kiến viết sẽ không hình thành nữa mà ngoặt sang con đường khác. Sự cuốn hút của văn học là ở chỗ đó, khi chính tác giả cũng không lường được phía trước có điều gì đang chờ câu chuyện của mình. Đúng không?
Đấy là lúc đang viết, còn sau đó phải là lý trí, phải là kỹ thuật can thiệp vào. Đấy là công đoạn sửa chữa. Với tôi, thời gian viết chỉ bằng một phần ba thời gian sửa chữa. Ví dụ tôi viết khoảng một năm xong thì phải dành hai năm sửa chữa, xem xét lại bố cục và các thứ. Gọi là “học gói” đấy. “Học gói” mất nhiều thời gian phết (cười). “Học mở” thì là cả cuộc đời.
* Nhắc đến nhà văn Nguyễn Bình Phương, những người yêu văn chương nghĩ ngay đến các tiểu thuyết có tiếng vang như Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy… Nhưng ngoài viết tiểu thuyết, ông còn làm thơ. Vậy thi ca đứng ở đâu trong trái tim ông? Và Nguyễn Bình Phương của thi ca khác như thế nào với Nguyễn Bình Phương của tiểu thuyết?
- Xét cho cùng, thể loại là do con người đặt ra. Với dung lượng thế này, cấu trúc như thế này thì gọi là tiểu thuyết, với thế này gọi là truyện ngắn, với thế này gọi là thơ. Và nó chỉ có giá trị tương đối. Nếu như trong lòng có điều cần giãi bày, nếu là nghệ sĩ thật sự thì anh chỉ cần đưa ra tiếng nói của lòng anh, còn thể loại chỉ là hình thức thôi mà.
Thơ và văn xuôi là hình thức, là phương tiện để thể hiện những gì tôi nghĩ, cũng là thể hiện một phần diện mạo tâm hồn tôi. Nhưng, cũng phải nói là mỗi thể loại có đặc trưng của nó.
Tôi bắt đầu bằng thơ trước, sáng tác đầu tiên là thơ. Và tôi dám đảm bảo với em rằng 90% các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu đều bắt đầu bằng thơ. Vì dân mình - ngay cả những người không được gọi là nhà thơ - cũng nói ra thơ. Lời ăn tiếng nói của dân tộc mình là thơ. Ví von, xách mé, bóng gió cũng bằng thơ. Dân tộc mình mê thơ mà.
Nhiều nhà phê bình lớn - những người mà ta cảm giác là chỉ có lý trí thôi, khi tìm hiểu thì họ có đầy những bài thơ trong sổ tay, vấn đề là họ có công bố hay không. Hoặc có những nhà văn từng công bố thơ, sau đó có lẽ thấy không phù hợp thì họ đi với văn. Còn tôi thì - về chủ quan - tôi thấy mình phù hợp cả hai (cười). Nhưng thực lòng mà nói, tôi thích thơ. Tôi thấy ở thơ có sự cô đúc, tinh tế..., rất quan trọng. Thơ là cái lõi của văn học.
Hiện nay thơ xuất hiện tràn lan. Ai cũng làm thơ, ai cũng nói thơ được, nhưng để trở thành một nhà thơ thực sự thì rất khó.
* Xin cảm ơn nhà văn!
YÊN LAN (thực hiện)