Bạo lực gia đình (BLGĐ) gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. BLGĐ làm xói mòn, băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của cộng đồng và trật tự xã hội.
Tại hội nghị tập huấn công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình năm 2022 vừa diễn ra, các học viên đã được hướng dẫn nhận diện, phát hiện và xử lý vụ việc BLGĐ - một trong những thách thức, khó khăn trong công tác phòng, chống BLGĐ.
Nhận diện hành vi BLGĐ
Thực tế cho thấy, vẫn còn không ít người cho rằng chỉ có những hành vi đánh đập, đâm, tát hoặc dùng hung khí gây thương tích cho thành viên gia đình mới được coi là hành vi BLGĐ. Nhận thức như vậy là không đầy đủ.
Theo quy định tại Điều 2, Luật Phòng, chống BLGĐ: BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình cảm của các thành viên khác. Và theo quy định của luật này, BLGĐ gồm có 9 nhóm hành vi: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng. Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng. Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau. Cưỡng ép quan hệ tình dục. Cưỡng ép tảo hôn. Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ...
Không nhận diện, phát hiện hành vi BLGĐ thì không thể có số liệu chính xác về tình hình BLGĐ hiện nay. Bởi vậy, so sánh số liệu giữa báo cáo thống kê của các địa phương với kết quả điều tra cho thấy có độ vênh rất xa. Nếu lấy số hộ có BLGĐ/số hộ hiện có thì tỉ lệ vô cùng thấp đến mức khó tin. Cụ thể, theo điều tra gia đình Việt Nam do Bộ VH-TT-DL công bố năm 2008, có khoảng 21,2% cặp vợ chồng xảy ra hành vi bạo lực, như đánh, mắng chửi, cưỡng ép quan hệ tình dục khi một bên từ chối. Năm 2013, tình trạng bạo lực của chồng gây ra cho vợ là 25,1% bạo lực tinh thần; 8,5% bạo lực thể chất; 2,9% bạo lực tình dục và 4,6% bạo lực kinh tế. Đến năm 2021, cả nước có khoảng 26,9 triệu hộ gia đình, trong đó có 4.967 vụ BLGĐ. Tại Phú Yên, năm 2020 có 94 vụ BLGĐ; năm 2021 có 51 vụ BLGĐ.
ThS, chuyên viên cao cấp Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL) nhìn nhận: “Trong quá trình tổ chức tuyên truyền, phổ biến luật, tỉ lệ cán bộ, Nhân dân biết đến Luật Phòng, chống BLGĐ khá cao. Song người hiểu luật, nhận diện được hành vi BLGĐ lại thấp. Không nhận diện được hành vi thì không thể xử lý được. Bởi vậy một trong những giải pháp làm cơ sở để xử lý hành vi BLGĐ là ngành VH-TT-DL ở mỗi địa phương cần tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn truyền thông để các đối tượng hiểu và nhận diện được hành vi nào là hành vi BLGĐ; người gây ra hành vi BLGĐ bị xử lý như thế nào...”.
Xử lý hành vi bạo lực
Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Chi, cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh, dân số, gia đình và trẻ em phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), nguyên nhân gây ra và tồn tại tình trạng BLGĐ là do: Tư tưởng gia trưởng, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong gia đình và xã hội. Nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, một bộ phận nhận thức chưa đúng về các hành vi BLGĐ, coi các hành vi đó không vi phạm pháp luật. Nhiều gia đình sợ người khác biết gia đình xảy ra hành vi bạo lực sẽ chê cười nên bao che, không khai báo. Cộng đồng, chính quyền, đoàn thể thiếu quan tâm, coi BLGĐ là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định dẫn đến những bức xúc trong đời sống gia đình. Một bộ phận người lao động bị thất nghiệp, chưa tìm được việc làm, nhàn cư vi bất thiện nên sa vào tệ nạn xã hội dẫn đến mâu thuẫn, xung đột và BLGĐ...
Anh Nguyễn Văn Định, cán bộ phụ trách VH-TT xã Hòa Xuân Nam (TX Đông Hòa), cho rằng mặc dù BLGĐ thường được châm ngòi từ những yếu tố như rượu, ma túy, cờ bạc, thất nghiệp, ghen tuông, nhưng những yếu tố này không phải là nguyên nhân gốc rễ của những hành vi bạo lực, mà đó là một hành vi chủ đích nhằm thiết lập và thể hiện quyền lực, sự kiểm soát của thành viên này đối với thành viên khác trong gia đình. Cũng như ở nhiều nước khác, BLGĐ ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp, nó được dung dưỡng bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ và những giá trị Nho giáo có từ hàng ngàn năm nay - những giá trị tạo nên mối quan hệ quyền lực trong gia đình cũng như trong xã hội.
Để xử lý BLGĐ, theo ThS Hoa Hữu Vân, cần có biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư. Sau khi góp ý, phê bình, người đứng đầu trong cộng đồng dân cư phải lập biên bản cuộc họp và gửi tới công chức làm công tác tư pháp, công chức làm công tác văn hóa - xã hội ở cấp xã để lưu trữ làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm trong trường hợp người đã bị góp ý, phê bình tiếp tục có hành vi BLGĐ. Trường hợp người có hành vi BLGĐ cố tình vắng mặt thì cuộc họp góp ý, phê bình vẫn tiến hành. Đồng thời có biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân BLGĐ.
Không nhận diện được hành vi thì không thể xử lý được. Bởi vậy một trong những giải pháp làm cơ sở để xử lý hành vi BLGĐ là ngành VH-TT-DL ở mỗi địa phương cần tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn truyền thông để các đối tượng hiểu và nhận diện được hành vi nào là hành vi BLGĐ; người gây ra hành vi BLGĐ bị xử lý như thế nào...
ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ VH-TT-DL |
THIÊN LÝ