Sau nhiều tập truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết và bút ký, nhà văn Phùng Văn Khai ghi dấu ấn bằng các tiểu thuyết lịch sử công phu, thấm đẫm tinh thần tự hào dân tộc. Nhưng còn có một Phùng Văn Khai khác - người đang hào hứng ký họa chân dung đồng nghiệp bằng thơ.
Sau khi sáng tác thơ về các danh nhân lịch sử, trong đó có Bài ca Trưng Nữ Vương mở đầu bộ tiểu thuyết Trưng Nữ Vương, nhà văn Phùng Văn Khai nảy ra ý tưởng làm thơ về bạn văn. Thật bất ngờ, đọc xong ai cũng thích và bảo: “Ông viết tiếp đi, viết nhiều thêm để in thành một tập”. Vậy, những “ký họa thơ” của Phùng Văn Khai có gì khác biệt?
Phác họa chân dung bằng thơ
Mỗi bài thơ chân dung là một câu chuyện và có biên độ mở rộng. Nhà văn Phùng Văn Khai không chỉ chắt lọc ngôn từ để phác họa chân dung đồng nghiệp, mỗi bài thơ còn ẩn chứa tâm sự của tác giả trước thế sự, trước cuộc đời. Mỗi bài thơ là một câu chuyện văn chương, qua đó người đọc nhận ra: À, thì ra giới văn bút cũng lắm thăng trầm, sóng gió...
Đây là “trích đoạn” bức chân dung một nhà văn từng cầm bút trong lửa đạn:
...“Lạc rừng” càng lạc đường tu
“Sống khó hơn chết” thầy u dặn rồi
Nong nia, thúng mủng, niêu nồi
Ai người hoa cải, ai người rau răm?
Long Biên, ừ nhỉ sông Hồng
Đã sao, gió thổi chiêng - cồng Tây Nguyên
Đã xem bom pháo làm yên
Ngại gì xống áo bỏ quên sân chùa...
(Thơ về Trung Trung Đỉnh)
Còn đây, ký họa thơ tác giả tặng nhà thơ Bùi Thanh Hà:
...Tóc chị sông xanh gió thổi
Ai người góc bể chân mây
Quả na tròn mở mắt
Ai người đang tỉnh giả vờ say.
Tuổi ngang sông ngày tóc chị
Triền đê trắng cỏ bông may
Lá diêu bông Hoàng Cầm mất dấu
Thơm hài xinh thắm thiết đâu đây
Tóc chị đơm bông hoa bưởi
Chợ đường xa tôm tép đón lưng còng
Đám cưới chuột lung linh sắc vóc
Đã về đây trong hương tóc mênh mông.
(Tóc chị Hà)
Phùng Văn Khai sáng tác thơ chân dung bằng sự chân thành, trân trọng bạn văn. Thế mạnh của anh là đã viết khoảng 200 chân dung bằng văn xuôi. Theo Phùng Văn Khai, nếu không hiểu nhân vật thì không thể kể câu chuyện phản ánh tính cách nhân vật. “Họ đều là những đồng nghiệp thân thiết; chúng tôi hiểu nhau và có thể cảm thông với nhau. Nếu không cảm thông, mình làm thơ xong, có khi lại không nhìn mặt nhau. Đã có những ông viết chân dung xong thì không nhìn mặt nhau”, nhà văn Phùng Văn Khai dí dỏm kể.
Đồ họa: YÊN LAN |
Thường thì anh xé tờ lịch để viết. Những bài thơ chân dung ra đời lúc sáng sớm, khi công việc của một ngày chưa kịp ập đến, hoặc ra đời trong phút rảnh rỗi ở những cuộc họp hành, hội nghị. Anh viết say sưa, phấn khích. “Chân dung anh Huỳnh Thạch Thảo, tôi viết tại đại hội ở Đà Nẵng. Hôm dự đại hội ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tôi viết về anh Văn Công Hùng. Sau đấy anh Hữu Nhân “ghen tị”, bảo: Ông phải viết về tôi, thế là mình ngồi viết luôn.
Anh Lê Huy Mậu thấy hay hay, bảo: Ông Khai phải viết về tôi đấy… Đến nay, các bạn văn đều phản hồi rất tích cực và trân trọng những bài thơ chân dung”, nhà văn Phùng Văn Khai chia sẻ.
Theo tác giả, mỗi bài thơ chân dung là... bức chân dung kép; bài thơ nào cũng thấp thoáng chân dung Phùng Văn Khai, bởi vì tác giả “soi” từ chính mình ra. Đây là một đoạn trong bài thơ Kính anh Văn Lê:
...Anh Văn Lê!
“Cao hơn bầu trời” sao sớm về mặt đất?
“Chùm sao khuất bóng” nhẹ nhàng bay
Trách sen tàn?
Tìm ai trong mộng?
“Khế ước cuộc đời” hoa cỏ bông may
“Tiếng rơi của hạt sương khuya” sao nhói buốt?
Một thân anh đổ bóng một thân mình
Cởi áo cành sen đêm tát nước
Trăm năm tre trúc mọc sân đình.
Không chỉ dùng thơ để ký họa đồng nghiệp văn chương, Phùng Văn Khai còn “vẽ” chân dung bạn bè nghệ sĩ. Phải thấu hiểu thì mới viết được những câu:
...Những bấc những đèn
Châu thổ sông Hồng dâng mật
Mái đình, cây đa, bến nước
Mắt em nghiêng sóng sánh trăng vàng...
Ta đã bước vững vàng thứ nhất
Phía đường xa muôn nỗi trập trùng
Thì em nhé hãy bình tâm như nước
Có ngọt bùi nào không cay đắng mênh mông.
(Thơ tặng Giáng Son)
Nhà văn Phùng Văn Khai sáng tác thơ chân dung trong sự hào hứng, phấn khích. Anh đưa từng chùm thơ lên trang vansudia.net và Facebook cá nhân, được đồng nghiệp, độc giả hồ hởi đón nhận. Có người nói vui rằng chờ đọc thơ chân dung của Phùng Văn Khai như... chờ xem bóng đá, còn hỏi có chùm thơ tiếp theo nữa hay không? Nhiều người muốn đặt mua sách sau khi in. Anh cảm thấy hạnh phúc khi mang niềm vui đến với đồng nghiệp, bạn bè văn nghệ sĩ.
Hạnh phúc trên lối đi đầy thử thách
Nhà văn Phùng Văn Khai nói rằng trong vòng 15 năm nay, anh rất chăm sáng tác, còn ngày trước thì mải mê đi khắp Tây Nguyên, Tây Bắc, đi dọc biên giới để làm phim, viết sách, “lang thang” sang cả châu Âu. Đến năm 2009 thì anh bắt đầu “ngoan”.
Năm đó, anh tham gia Hội đồng họ Phùng toàn quốc và được phân công viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử về cụ Phùng Hưng. Viết độ hơn 1 năm, được cuốn sách chưa đầy 200 trang, bằng cái bàn tay, mà theo anh là “không nên hồn”. Anh đốt bản thảo, dốc tâm sức trong mấy năm để viết xong cuốn tiểu thuyết gần 1.000 trang. Năm 2015, tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương ra mắt bạn đọc cả nước, được đánh giá cao.
Nhà văn Phùng Văn Khai rất vui. Anh nhận thấy sáng tác tiểu thuyết lịch sử là một địa hạt thú vị. Địa hạt này đòi hỏi kiến thức và sự dày công nghiên cứu, hóa ra lại rất thích hợp với anh - một người từ nhỏ đã say mê lịch sử của dân tộc.
Khi họ Ngô đặt hàng Phùng Văn Khai viết về cụ Ngô Quyền, anh nhận lời ngay. Năm 2018, cuốn tiểu thuyết Ngô Vương dày hơn 500 trang ra đời, sau đó được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng (giai đoạn 2014-2019).
Giải thưởng đó là sự khích lệ lớn, Phùng Văn Khai viết một mạch 4 cuốn tiểu thuyết lịch sử về các vương triều tiền Lý: Nam Đế Vạn Xuân (2020), Triệu Vương phục quốc (2020), Lý Đào Lang Vương (2021) và Lý Phật Tử định quốc (2022). Sau đó tỉnh Vĩnh Phúc đặt hàng anh viết bộ tiểu thuyết Trưng Nữ Vương (2 tập) và anh đã hoàn thành trong 2 năm 2023-2024.
Viết hàng loạt tiểu thuyết lịch sử dày cộm, nhà văn Phùng Văn Khai thừa nhận rằng lĩnh vực này rất chông gai. Anh chia sẻ về lối đi riêng của mình: “Tôi rất mê Kim Dung nhưng không theo Kim Dung. Tôi có những người thầy như thầy Nguyễn Xuân Khánh, thầy Hoàng Quốc Hải nhưng cũng không theo thầy, bởi mỗi nhà văn phải độc lập trên con đường sáng tạo”.
Phùng Văn Khai trăn trở: “Đất nước chúng ta có nhiều anh hùng, quân vương, tướng soái; đình - đền - chùa - miếu nhiều, võ công của dân tộc ta hội tụ tinh hoa, thế nhưng được thể hiện trong văn học thì rất ít. Theo tôi, phải văn học hóa lịch sử, trước tiên là quan tâm đến tiểu thuyết lịch sử, viết trên tinh thần tôn vinh lịch sử dân tộc, không giải thiêng lịch sử và cũng không truyền thuyết hóa hoặc hư cấu hóa”.
Cuối tuần, anh thường đến các đình chùa, di tích lịch sử. Ở đâu sư sãi gọi, ở đâu các cụ thủ đình thủ đền gọi là anh đi. Và sau những chuyến đi hào hứng đó, anh tích lũy thêm nhiều kiến thức, đặc biệt là kiến thức trong dân gian để thực hiện những tác phẩm dài hơi tiếp theo. Nhà văn Phùng Văn Khai tiết lộ rằng anh đang viết cuốn Mai Hắc Đế. Và anh đã hoàn thiện tập bản thảo Thơ danh nhân, chân dung văn nghệ sĩ gồm 4 phần, dày dặn.
Tác giả Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Trưng Nữ Vương... thổ lộ: “Theo tôi, nhà văn phải có tính độc lập, khao khát tự do, đồng thời phải có trách nhiệm với dân tộc, với lịch sử, với thời đại mình đang sống. Và phải có trách nhiệm với ngòi bút của mình”.
Trên con đường gập ghềnh rất riêng, nhà văn Phùng Văn Khai cảm thấy hạnh phúc.
Nhà văn Phùng Văn Khai sinh năm 1973, tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa VI (1998-2002), hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Không chỉ có các tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Phùng Văn Khai còn có nhiều tác phẩm ra mắt bạn đọc: tập truyện ngắn Khúc dạo đầu của binh nhì (1998), tập thơ Lửa và hoa (2002), tập truyện ngắn Hương đất nung (2001), tập truyện ngắn Những người đốt gạch (2004), tập Truyện ngắn Phùng Văn Khai (2006), tập bút ký Lẽ sống (2008), tiểu thuyết Hư thực (2008), tập bút ký Gió đi dưới trời (2010), tiểu thuyết Hồ đồ (2010), tập bút ký Nơi ước mơ hẹn gặp (2012), tập truyện ngắn Mênh mang trời nước (2012), tập thơ Khúc rong chơi (2016), tập bút ký Tìm trong dáng đá (2018), tập truyện ngắn Tiếng rừng (2019), tập bút ký Những liệt sĩ thời bình (2019)... |
YÊN LAN (thực hiện)