Mới đó lại tháng Chạp. Thời gian đi nhanh quá, cuộc sống tất bật, đến mức quên cả thời gian, để sáng nay vô tình có một chiếc xe đạp lướt qua mặt, sau lưng đứa bé chồm tới nói với mẹ chuyện giày mũ, tôi bỗng giật mình, mới đó lại chuẩn bị đến tết nữa rồi.
Tháng Chạp về, đúng vào dịp đồng đang mùa dặm lúa. Làm nông, đây sẽ là giai đoạn mẹ bận rộn nhất. Cấy dặm, nếu lỡ sạ trúng mưa, phần lo đi xin mạ, phần cấy. Một mình mẹ nai lưng làm chứ đâu dám kêu công. Sáng đi, tối mịt mới về nhà. Vậy mà cô bé học trò lớp 6 như tôi lúc nào cũng mè nheo: Mẹ ơi, chừng nào mình đi chợ tết. Từ từ cấy xong rồi đi. Biết chừng nào mới cấy xong - tôi nũng nịu, hờn mẹ. Chắc là thấy con gái tội nghiệp nên mẹ tạm nghỉ một buổi dẫn hai chị em đi chợ tết.
Nói đi chợ tết nghe oách vậy chứ cơ bản là đi chơi. Bao nhiêu quần áo sặc sỡ, giày dép mũ nón bày ra lớp lớp, rồi kẹp cài nơ tua đủ loại. Mẹ dắt con đi khắp các gian hàng. Đủ một vòng rồi thì quay lại hỏi: nhìn đã chưa, về mẹ nấu cơm, chiều còn ra đồng. Có chưa đã cũng vui vẻ ra về. Trên con đường làng, ai gặp cũng trêu: Được đi chợ tết với mẹ, sướng chưa? Mẹ trả lời: Đi dòm chứ có mua gì đâu mà sướng. Sau này tôi nghĩ, mẹ trả lời người ta vậy chắc vì áy náy với các con, nhưng thú thật, cả hai chị em tôi thấy sướng thật mà, dù không dám đòi gì cho tết, nhà mình nghèo mà.
À, không, chính xác là có đòi, tháng Chạp về, chị em đòi mẹ nhất định phải tráng bánh. Bánh tráng không phải món gì đắt đỏ, nhưng nhà tôi cũng phải đến giỗ chạp, hoặc tới tết các con mới được ăn thỏa thê. Tháng Chạp, phải đòi mẹ tráng bánh tráng, ngâm gạo nhiều một chút, để còn được ăn bánh ướt. Và quan trọng là phải tráng sớm, kẻo cuối năm trời lại đổ mưa dầm như một năm nào đó thì hổng có món bánh tráng cho ba ngày tết.
Tháng Chạp lại về!
Mẹ tôi đã già, không ra đồng đã nhiều năm nhưng tháng Chạp trời lạnh, lưng đau còn hơn cái thời nửa tháng ròng đi cấy. Và tôi, tháng Chạp nào cũng mua bánh tráng về thăm mẹ. Mẹ nói giờ già, răng cốt rụng rời nhưng thấy miếng bánh tráng thơm giòn cũng muốn ăn. Với lại, tết trong nhà phải có ràng bánh tráng đặng con cháu nó về. Tôi nhìn mẹ, nhìn những vết hằn của thời gian trên trán mẹ rồi bật cười. Thực ra, mẹ quá biết chuyện con cháu bây giờ tới tết đâu thèm đi chợ hay bánh tráng như chúng tôi ngày xưa, nhưng chắc ký ức của những cái tết xa xưa luôn ở trong lòng mẹ, như cách níu giữ hồn quê, tết quê.
BÍCH NHÀN