Hiện nay với thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ Z không quá đặt nặng vấn đề kết hôn. Thậm chí xu hướng kết hôn muộn ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ.
Việc kết hôn muộn đang dần ảnh hưởng đến các giá trị gia đình truyền thống. Các vấn đề như sinh con, nuôi dạy con cái và truyền thống kế thừa hay các phong tục cưới hỏi, chăm sóc người già cũng đang phải đối mặt với sự thay đổi.
Lười yêu, ngại cưới
Bạn Đoàn Thảo Phương (23 tuổi), vừa tốt nghiệp Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh, cho biết bản thân chưa nghĩ đến việc kết hôn ít nhất trong 10 năm tới bởi hiện tại, lịch trình học thêm và công việc đã dày đặc. Những ngày nghỉ, cô dành trọn thời gian cho bạn bè và gia đình.
“Tôi thấy kể cả bây giờ có người yêu thì chưa chắc hai đứa đã có thời gian và nói chuyện với nhau nhiều. Việc duy trì mối quan hệ cũng khó khăn, huống chi là tính đến hôn nhân. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của tôi là hoàn thiện bản thân trước khi bước vào giai đoạn này”, Thảo Phương chia sẻ.
Tương tự, bạn Nguyễn Ngọc Hiếu (TP Tuy Hòa), đại diện cho thế hệ Z, cũng lựa chọn lối sống độc lập. Chàng trai từng cho rằng hạnh phúc là tổ ấm gia đình, nay lại tìm thấy niềm vui và tự do trong cuộc sống độc thân, vượt trên định nghĩa truyền thống về hạnh phúc. Hạnh phúc, theo quan điểm của chàng trai 27 tuổi này là không bị giới hạn bởi những khuôn mẫu xã hội.
Ngọc Hiếu bày tỏ: “Áp lực kinh tế và vai trò trụ cột gia đình là những trở ngại chính đối với nam giới. Vì vậy, kết hôn bây giờ chỉ là thực hiện theo mong muốn của gia đình. Còn riêng tôi, điều mà bản thân thực sự thích là theo đuổi sự nghiệp thay vì tìm kiếm một tình yêu lứa đôi”.
Suy nghĩ của Thảo Phương và Ngọc Hiếu phần nào phản ánh một thực tế phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Những quan niệm này đang tác động đáng kể đến xu hướng hôn nhân của thế hệ trẻ Việt Nam.
Theo thống kê mới nhất, hiện nay tỉ lệ người kết hôn ở độ tuổi trên 30 đang tăng lên đáng kể so với thập niên trước. Năm 2023, tuổi kết hôn lần đầu trung bình là 27,2, còn năm 2022 là 26,9 và 2021 là 26,2. Với nam giới, độ tuổi kết hôn lần đầu lên tới 29,3 tuổi, trong khi nữ là 25,1. Trung bình người ở khu vực thành thị kết hôn khi 28,6 tuổi; còn ở nông thôn là 26,3.
Theo các chuyên gia về gia đình, sự gia tăng tỉ lệ kết hôn muộn trong giới trẻ có nguồn gốc từ nhiều yếu tố khác nhau. Một trong những nguyên nhân chính là áp lực từ xã hội và gia đình. Trong một xã hội hiện đại, giới trẻ phải đối mặt với khái niệm thành công, vượt lên trên mọi điều trong cuộc sống, dẫn đến họ tập trung vào sự nghiệp và phát triển bản thân trước khi quyết định bước vào hôn nhân.
Đồng thời, các vấn đề kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trì hoãn kết hôn. Với chi phí sống ngày càng tăng cao, việc tìm kiếm công việc ổn định và tích lũy tài chính trở thành ưu tiên hàng đầu của các bạn trẻ. Thêm vào đó, sự phát triển của công nghệ và môi trường ảo cũng khiến việc tiếp cận mối quan hệ đòi hỏi thời gian và sự cẩn trọng hơn trước.
Đảm bảo giá trị truyền thống
Kết hôn muộn phản ánh sự thay đổi trong tư duy và môi trường xã hội hiện nay, khi mà người trẻ thường chú trọng sự nghiệp, phát triển cá nhân trước khi đặt nền móng cho một mái ấm hạnh phúc; đồng thời cũng phần nào phản ánh sự tiến bộ trong việc chấp nhận và thích nghi với sự thay đổi của xã hội hiện đại. Tuy nhiên cần hiểu rõ về những khái niệm mới và cập nhật để thích ứng với xu hướng hiện nay mà không mất đi giá trị truyền thống gia đình Việt Nam.
Mặt khác, xu hướng kết hôn muộn hay ngại sinh dẫn đến tỉ lệ sinh giảm. Năm 2023, mức sinh tại Việt Nam thấp ở mức đáng lo ngại. Khi mức sinh giảm thấp và tình trạng này kéo dài, vấn đề nảy sinh là thiếu hụt lực lượng lao động và tăng nguy cơ già hóa dân số.
Vì vậy, trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 588 phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Theo đó, khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã có chính sách khen thưởng bằng tiền khi phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi. Hay đưa ra ưu đãi khi mua nhà ở xã hội, học phí… thúc đẩy tăng mức sinh.
ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) cho rằng: Để đảm bảo giá trị truyền thống gia đình Việt Nam trong thời đại ngày nay cần thiết phải có sự hiểu biết và tôn trọng giữa người trẻ và người lớn tuổi. Đặc biệt, việc duy trì giá trị truyền thống qua cách tham gia các hoạt động cộng đồng và hỗ trợ gia đình sẽ giúp củng cố mối quan hệ trong gia đình.
Đồng thời cần phải có những giải pháp hiệu quả nhằm khuyến khích giới trẻ có quyết định hôn nhân đúng đắn và xây dựng gia đình bền vững. Ngoài ra, các chương trình giáo dục về truyền thống gia đình cũng cần được tăng cường, tạo cơ hội và không gian cho việc hòa nhập, hỗ trợ giữa gia đình mới và gia đình hiện tại...
THIÊN LÝ