Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Phát huy giá trị của nhà văn hóa thôn

Thứ ba - 19/11/2019 01:53
Xác định vai trò quan trọng của các thiết chế nhà văn hóa (NVH) thôn/buôn/khu phố, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm xây dựng các công trình này, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Phát huy giá trị của nhà văn hóa thôn

Xác định vai trò quan trọng của các thiết chế nhà văn hóa (NVH) thôn/buôn/khu phố, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm xây dựng các công trình này, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn tình trạng NVH hoạt động chưa thường xuyên, nội dung và hình thức còn nghèo nàn, chưa thu hút được nhiều người dân tham gia.

 

Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có NVH đã được đầu tư nâng cấp và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, hội họp, triển khai các nhiệm vụ chính trị, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

 

Nơi hội họp và giao lưu văn hóa

 

Hiện nay, ngoài Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, 8 thư viện cấp huyện, 62 bưu điện văn hóa xã, 5/9 huyện, thị xã, thành phố có trung tâm văn hóa - thể thao, còn có 91/112 xã, phường, thị trấn và 532/625 thôn (buôn, khu phố) có NVH - khu thể thao.

 

Anh Nguyễn Xuân Hiệp, Trưởng thôn Tân Hợp (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) cho biết: “Từ khi có NVH thôn khang trang, người dân tích cực và đi họp đông đủ hơn; chi bộ, Ban nhân dân thôn kịp thời tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giúp bà con mở mang kiến thức; an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững ổn định. Ngoài ra, nhiều chương trình tập huấn nông nghiệp như chăm sóc, chọn giống cây trồng, vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh, tuyên truyền phòng, chống cháy rừng, thiên tai, bão lũ, bảo vệ môi trường, ăn ở vệ sinh… được triển khai đến từng hộ để bà con biết cách thực hiện”.

 

Còn tại thôn Tân Hiệp, cũng ở xã này, bà Sô Thị Thắng chia sẻ: “Tham gia những buổi tập huấn cây trồng, vật nuôi được tổ chức tại NVH thôn, gia đình tôi cũng nhờ vậy đã xây dựng kinh tế gia đình tốt hơn. Tại NVH còn tổ chức nhiều buổi chiếu bóng lưu động, mang niềm vui cho bà con. Hơn nữa, NVH thôn có khoảng sân rộng nên bọn trẻ rất thích đến đây vui chơi, chạy nhảy”.

 

Là người thường xuyên gắn bó với NVH, anh Bùi Văn Hiệp, Trưởng nhóm nghệ nhân Trống đôi, cồng ba, chiêng năm thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), tâm đắc: “Nhờ có NVH thôn mà bà con thường xuyên có dịp gặp gỡ nhau nên ai cũng thích. Đặc biệt, trong lễ hội truyền thống, NVH không chỉ là nơi hội tụ những âm điệu đặc sắc của trống đôi, cồng ba, chiêng năm và các loại nhạc cụ dân tộc mà còn là cơ hội để các nghệ nhân giao lưu, giữ gìn, phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống”.

 

Vẫn còn nhà văn hóa “đóng cửa”

 

Hội Người cao tuổi (NCT) Phú Yên hiện có 644 chi hội với 1.886 tổ hội/110 xã, phường, thị trấn. Hoạt động của NCT chủ yếu diễn ra ở các NVH. Song, trên thực tế có không ít NVH thôn/buôn/khu phố thiếu vắng các hoạt động. Nhiều NVH “đóng cửa” trong một thời gian dài, không có người sinh hoạt. “Tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo để NVH không chỉ trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, tập dưỡng sinh... thường xuyên của NCT mà còn là địa chỉ trong giáo dục các thế hệ trẻ xây dựng đời sống văn hóa...”, ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh đề xuất.

 

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là cấp xã, thôn hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Một số cơ sở vật chất văn hóa đã xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp; trang thiết bị thiếu thốn, không đồng bộ, nhưng chưa được địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa để hoạt động mà còn trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên. Mặt khác, đời sống kinh tế của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn ảnh hưởng đến việc tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều NVH thôn/buôn/khu phố trên địa bàn tỉnh chưa phát huy được công năng vốn có của nó.

 

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của NVH thôn/buôn/khu phố, ngành Văn hóa cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nâng cao kiến thức về công tác quản lý, tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao nói chung, NVH nói riêng cho công chức văn hóa cấp huyện, xã. Người quản lý NVH thôn/buôn/ khu phố phải nắm rõ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh cũng như quy chế về quản lý hoạt động thiết chế văn hóa, từ đó vận dụng triển khai thực hiện có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn.

 

“NVH cần lồng ghép nhiều hoạt động, trong đó có phòng đọc sách báo, thư viện, truyền thanh, các CLB tập luyện các môn thể thao đơn giản… để thu hút người dân đến sinh hoạt”, bà Nguyễn Thị Hồng Thái nói. 

 

NVH thôn/buôn/khu phố đã góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bằng những hoạt động thiết thực. Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả của NVH thì các địa phương vẫn cần có thêm những cách làm hay, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp