Những năm qua, công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo tồn và làm rõ nhiều sự kiện lịch sử, giáo dục truyền thống...
Năm 2019, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm và tiếp nhận 32 hiện vật, trong đó có 5 hiện vật gốm Quảng Đức, 1 hiện vật cách mạng kháng chiến do người dân hiến tặng và 26 hiện vật văn hóa các dân tộc do đơn vị tổ chức sưu tầm; nhập kho 36 kỷ vật và 4 ảnh tư liệu về anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Mới đây, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật di tích Đồng Miễu ở khu phố Định Thọ 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa; tổ chức báo cáo kết quả sơ bộ khai quật và tiến hành lập hồ sơ nhập kho 172 hiện vật thu thập được qua khai quật khảo cổ.
Tăng cường công tác sưu tầm, bảo tồn
Theo ông Nguyễn Hữu An, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, để có được số lượng hiện vật nói trên, ngoài việc thường xuyên đi về các địa phương khảo sát thực địa, sưu tầm; thậm chí đơn vị còn phải đến từng nhà vận động người dân đóng góp, hiến tặng phục vụ việc bổ sung hiện vật trưng bày tại bảo tàng, nhà truyền thống... Riêng với sưu tầm hiện vật các dân tộc thiểu số (DTTS), hoạt động này được Bảo tàng tỉnh đưa vào kế hoạch triển khai hàng năm.
“Trong năm nay, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 26 hiện vật về văn hóa các DTTS gồm nhiều loại hình khác nhau. Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ triển khai đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay của Bộ VH-TT-DL và kế hoạch của UBND tỉnh. Sở VH-TT-DL cũng đã ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị trong thời gian tới. Theo đó, Bảo tàng tỉnh sẽ thực hiện đề án này và chú trọng vào việc khảo sát, sưu tầm các loại hình trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, vừa phục vụ cho việc trưng bày của bảo tàng, vừa góp phần bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc”, ông Nguyễn Hữu An cho biết.
Bên cạnh sưu tầm hiện vật mới, công tác bảo tồn ở Bảo tàng tỉnh ngày càng được tăng cường và đi vào chiều sâu. Hiện Bảo tành tỉnh bảo quản 315 hiện vật đồ mộc, 265 hiện vật đồ dệt, 60 hiện vật chất liệu vải, 175 hiện vật giấy, 75 hiện vật kim loại, 340 hiện vật gốm, 40 hiện vật sành sứ, 10 hiện vật chất liệu nhựa, 50 hình ảnh; sắp xếp 100 hiện vật đá, thống kê phân loại 20 hiện vật đồ mộc, 30 hiện vật đồ dệt, 30 hiện vật chất liệu xương, một số hiện vật chất liệu sành sứ; xử lý, nhập 2.870 ảnh hiện vật; lập 780 phiếu thông tin khoa học hiện vật và kiểm kê danh mục 210 ảnh dân tộc Chăm.
Giáo dục truyền thống
Để phát huy giá trị tài liệu, hiện vật được tiếp nhận, hoạt động trưng bày của Bảo tàng tỉnh luôn được đổi mới, góp phần đưa giá trị các tài liệu, hiện vật đến với đông đảo công chúng. Đặc biệt trong 2 năm gần đây, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề tại bảo tàng, các địa phương và một số trường học trên địa bàn tỉnh. Đó là, thực hiện đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ tại Bảo tàng tỉnh năm 2019 với chủ đề “Phát huy bản sắc văn hóa các DTTS tỉnh Phú Yên” với các hoạt động: Trình diễn Lễ cúng mừng sức khỏe, trình diễn cồng chiêng aráp và trải nghiệm múa xoan cùng đồng bào Ê Đê (huyện Sông Hinh); trưng bày lưu động chuyên đề “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam: Những bằng chứng pháp lý” tại huyện Đồng Xuân và các trường học trên địa bàn TP Tuy Hòa. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm các chuyên đề nhân những ngày kỷ niệm... Qua đó thu hút khách tham quan bảo tàng cũng như tham gia hưởng ứng các hoạt động của bảo tàng nhiều hơn. Kết quả từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh đã phục vụ 6.224 lượt khách tham quan Nhà trưng bày bảo tàng, trong đó có 96 khách nước ngoài.
Em Vũ Xuân Sang, học sinh lớp 5K, Trường tiểu học Trưng Vương (phường 4, TP Tuy Hòa) thổ lộ: “Em mong muốn đi tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống các huyện, thị nhiều hơn nữa. Đến những nơi này, em sẽ có cơ hội hiểu hơn về lịch sử vùng đất mình được sinh ra và lớn lên”. Còn em So Minh Tuệ, học sinh lớp 7B, Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân, chia sẻ: “Tận mắt thấy những bản đồ, tư liệu quý về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, em rất tự hào về các thế hệ cha anh đã và đang chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và thêm yêu biển đảo quê hương mình”.
“Sắp tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tham gia phục vụ các hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm Ngày kết nghĩa hai tỉnh Hải Dương và Phú Yên; phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chuẩn bị trưng bày chuyên đề “Tranh dân gian truyền thống Việt Nam” tại Bảo tàng tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; chuẩn bị nội dung phục vụ trưng bày Nhà lưu niệm Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã được UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng mới...”, ông Nguyễn Hữu An cho biết thêm.
Hướng đến Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Bảo tàng tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, viên chức làm công tác bảo tồn di sản văn hóa cũng như ý thức của người dân về việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Hữu An |
THIÊN LÝ