“Mọi việc diễn ra quá nhanh, chỉ khoảng 1 phút thì xe đã nằm dưới vực sâu. Tôi bị kẹt cứng trong không gian chật hẹp của cabin xe, chẳng biết chính xác mình bị thương ở đâu nữa, chỉ thấy đau đầu, đau chân, tức ngực. Tôi nằm đó, cảm nhận hàng hóa trên xe càng lúc càng đè nặng xuống, chẳng biết có cơ may nào thoát ra ngoài được không... Đến lúc nghe tiếng còi của xe cứu nạn cứu hộ, tôi biết mình sẽ được sống”.
Lúc 13 giờ 20 ngày 19/9, ô tô tải 36C-254.07 chở máy phát điện cùng nhiều hàng hóa khác từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh trên quốc lộ 1. Khi đi đến đoạn dưới chân Dốc Găng (phường Xuân Thành, TX Sông Cầu) thì xe bị mất phanh, lao xuống vực. Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) tại Sông Cầu cùng người dân đã kịp thời có mặt cứu nạn, nỗ lực đưa được tài xế ra ngoài. Tuy nhiên, do xe tải bị hư hỏng nặng, hàng hóa và các bộ phận trên xe đè xuống làm 2 phụ xe bị thương, vẫn còn mắc kẹt trong cabin. Cảm giác sợ hãi khi hàng giờ liền bị mắc kẹt trong cabin xe được phụ xe Trần Hoài Nam (sinh năm 1988, ở Hà Tĩnh) kể lại.
Hiểm nguy gian khổ
Thiếu úy Phạm Thanh Sang, cán bộ lực lượng CNCH của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Phú Yên, chia sẻ: “Tôi được huy động cùng 5 cán bộ chiến sĩ khác tức tốc ra Sông Cầu. Đây là một tình huống khó vì xe bị lật ngửa, ở dưới vực, lượng hàng hóa nhiều, các bộ phận trên xe bằng sắt, thép rất cứng. Sau hơn 2 giờ nỗ lực sử dụng kích thủy lực, dùng thiết bị cắt nhiều bộ phận đang làm kẹt các nạn nhân, chúng tôi mới đưa được cả hai người ra ngoài an toàn, đưa đi cấp cứu”.
Bộ phận CNCH thuộc Đội Cảnh sát PCCC và CNCH được thành lập từ cuối năm 2012, luôn ứng trực 24/24 giờ, thường xuyên luyện tập thuần thục các kỹ chiến thuật CNCH, sử dụng thành thạo các trang thiết bị, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất cứ khi nào có yêu cầu. Thượng tá Lê Tiến, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH |
Bao giờ cũng vậy, yêu cầu của công tác cứu nạn là phải vừa nhanh hết sức có thể để chạy đua với thời gian, chạy đua với tử thần giành lấy sự sống cho người bị nạn, vừa phải hết sức khéo léo, cẩn thận để bảo vệ cả nạn nhân lẫn cán bộ chiến sĩ tham gia nhiệm vụ cứu nạn. Trong lúc hoảng loạn, thường ai cũng muốn mình được cứu ra trước. Thế nhưng, ai trước, ai sau, đưa ra bằng cách nào đều phải được trinh sát, tính toán, lên phương án hết sức kỹ lưỡng. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ thì các chướng ngại vật có thể làm vết thương của nạn nhân nghiêm trọng hơn hoặc gây nguy hiểm cho người thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, cán bộ chiến sĩ làm công tác CNCH phải trấn an tâm lý, hướng dẫn nạn nhân cách phòng tránh các tai nạn, thương tích có thể xảy ra tiếp theo, không để họ vì hoảng loạn mà cố làm điều gì đó khiến vết thương nặng hơn.
CNCH là việc không phải ai cũng làm được, bởi không dễ gì có thể nhận lấy và vượt qua hết những gian nan. Chẳng ai báo trước được các sự cố sẽ xảy ra ở đâu, khi nào. Thế nên, một khi đã nhận lấy sứ mệnh, khoác lên người chiếc áo CNCH nghĩa là phải sẵn sàng chiến đấu với các tình huống khẩn cấp, đối diện với những hiểm nguy.
Trong vụ CNCH tại công trình Thủy điện La Hiêng 2, huyện Đồng Xuân năm 2013, lực lượng CNCH không chỉ gặp nguy hiểm mà còn phải đối diện với tình huống hết sức ám ảnh. Ám ảnh không chỉ bởi day dứt vì sự đã rồi, mà đó còn là những ám ảnh rất thật của nghề.
Ngày 27/9/2013, 13 cán bộ chiến sĩ CNCH được lệnh phối hợp với các lực lượng khác tìm kiếm 3 công nhân đang thi công bị nước lũ cuốn vào đường hầm công trình Thủy điện La Hiêng 2 mất tích. Đường hầm dài hơn 1,7km, trong đó hơn 1km đường hầm bị ngập nước. Cán bộ chiến sĩ CNCH được giao nhiệm vụ dùng máy bơm hút nước, phối hợp cùng đội thợ lặn của TP Tuy Hòa lặn vớt tìm thi thể 3 nạn nhân đưa ra ngoài.
Trời liên tục mưa lớn, nước không ngừng đổ về hầm. Đường hầm sâu và dài, khi vào khoảng 600m trở đi thì không đủ khí thở và ánh sáng. Khi triển khai bơm thủy lực, động cơ máy thải ra nhiều khói độc khiến một số chiến sĩ bị ngạt thở. Thi thể các nạn nhân bị cuốn vào tận cuối đường hầm, nước sông dâng cao tràn vào hầm làm công tác tìm kiếm nhiều lần bị gián đoạn. Thủy điện La Hiêng 2 ở địa bàn rừng núi, trong những ngày đầu, nhiều cán bộ chiến sĩ trực máy bơm phải nằm ngoài trời để theo dõi hoạt động của máy và đường nước, ăn mì ăn liền khô để chống đói. Ròng rã 5 ngày liền, hàng giờ ngâm mình trong hầm sâu, phối hợp cùng các lực lượng khác dùng máy bơm hút hàng trăm ngàn mét khối nước và bùn đất, lực lượng CNCH đã tìm được thi thể 3 nạn nhân để đưa họ về với gia đình.
Trung úy Đỗ Hoài Biên kể: “Tôi là một trong số những người bị ngạt, choáng váng, long đầu óc. Khi các thi thể được tìm thấy, rất đông người thân của các nạn nhân tập trung bên ngoài miệng hầm. Do nằm trong nước lâu ngày, các thi thể trương phình to, lại đang trong quá trình phân hủy nên bốc mùi rất nặng. Lực lượng CNCH khiêng ra cách miệng hầm 50m thì mọi người đều bỏ chạy”.
Vậy đó! Một hình ảnh thật trái ngược là trong các vụ tai nạn, trong khi mọi người đều muốn thoát ra thì những người lính CNCH lại xông vào. “Mùi thuốc sát trùng, mùi cồn, mùi tử thi cứ bám vào áo quần, lẩn quẩn quanh người chúng tôi cả tháng”, Biên tâm sự.
Nỗ lực đưa các nạn nhân trong vụ xe lật tại Dốc Găng thoát nạn an toàn. Ảnh: HỮU THÀNH |
Niềm vui khỏa lấp nhọc nhằn
Dù đối diện với nhiều gian khó, hiểm nguy, song mỗi khi giành giật được một mạng sống từ tay tử thần, niềm vui lớn ấy sẽ khỏa lấp những nhọc nhằn, gian khổ.
Lúc 0 giờ 27 ngày 31/7/2017, nhận được tin báo về việc một người nhảy cầu Hùng Vương tự vẫn, lực lượng cảnh sát CNCH lập tức đến hiện trường, tổ chức tìm kiếm, cứu sống được nạn nhân đưa đi cấp cứu. Tiếp đó, lúc 2 giờ 30 ngày 6/8/2017, một ô tô tải tông vào lan can đường dẫn lên cầu Hùng Vương, đầu xe hư hỏng, tài xế kẹt trong cabin, bị thương nặng. Lực lượng cảnh sát CNCH được huy động đã nhanh chóng sử dụng các phương tiện đưa được tài xế ra ngoài, đưa đi cấp cứu.
Mới đây nhất, sáng 20/10, cảnh sát CNCH đã cứu thành công 2 du khách Hà Nội bị đuối nước tại bãi biển Tuy Hòa. Anh Cao Thanh Hùng (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bày tỏ: “Hôm đó, khi nghe mọi người hô hoán một thành viên trong đoàn bị nước cuốn, tôi liền bơi ra ứng cứu. Nhưng do gió mạnh, sóng lớn, cộng với việc không quen địa hình, tôi bị sóng cuốn trôi ra xa bờ, không bơi vào được. Rất may mắn lực lượng cảnh sát CNCH Công an Phú Yên đã nhanh chóng có mặt, kịp thời cứu giúp chúng tôi. Kỹ năng CNCH của các anh rất thuần thục. Tôi vô cùng biết ơn các anh”.
Nghề CNCH không chỉ nguy hiểm mà còn phức tạp. Vụ việc có thể giống nhau nhưng tính chất, mức độ, hiện trường CNCH thì không vụ nào giống vụ nào. Trong các công trình sụp đổ, cán bộ chiến sĩ CNCH ở trong nguy cơ công trình có thể bị sụp đổ tiếp đè lên chính người làm nhiệm vụ.
Còn dưới nước thì ai nấy như người hùng. Bởi lòng sông như đêm tối. Dòng sông đậm đặc phù sa nên kể cả soi đèn pin cũng không thấy gì. Trên bờ thì mặt nước phẳng lặng nhưng dưới nước thì hoàn toàn khác với vực thẳm, hố sâu, nước xoáy, cọc... Đó là những nguy hiểm rình rập khi lặn mò. Nhưng kể cả khi lặn với bình khí thì nguy cơ có thể gặp là ù tai, chảy máu mũi do chênh lệch áp suất.
Đã là lính CNCH thì ngoài việc giỏi về nghiệp vụ CNCH, bạn còn phải bơi lội giỏi, không sợ độ cao và thần kinh vững để bình tĩnh, phán đoán tình huống, sử dụng hiệu quả các phương tiện để CNCH một cách nhanh nhất. Bởi bất cứ lúc nào, những người lính CNCH cũng có thể đối diện với những tình huống “cân” thần kinh.
Trong 7 năm qua, hàng trăm vụ cháy, tai nạn giao thông, hàng chục cuộc dấn thân vào các vùng bão lũ, thiên tai, sự cố tai nạn lao động để giúp đỡ người dân đã được lực lượng CNCH tiến hành. Có được con số ấn tượng ấy là bởi ngoài tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng xả thân của các chiến sĩ, còn có ý thức không ngừng hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng lực lượng ngày càng trở nên chuyên nghiệp, tinh nhuệ.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, qua khó khăn, hiểm nguy, lực lượng cảnh sát CNCH Công an Phú Yên ngày càng được tôi luyện và trưởng thành, khẳng định bản lĩnh và được nhân dân tin yêu, khâm phục. Tình cảm ấy là phần thưởng xứng đáng cho những người dám dấn thân vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
HOA SIÊM