Phú Yên có nắng, có gió và có biển. Nhưng hẳn phải có điều gì in sâu vào tâm trí chứ? Câu hỏi ấy từng là nỗi niềm đau đáu trong tôi mỗi lần đến mảnh đất tươi đẹp này. Và đó cũng là điều thay đổi nhiều nhất ở Phú Yên trong những năm qua.
Cảnh và người níu chân du khách
Phú Yên có rừng, có biển, và là một điểm đến hấp dẫn. Giờ đây, Phú Yên nổi tiếng hơn, thu hút nhiều du khách hơn. Lần nào đến đây, tôi cũng thả mình vào nắng, vào gió và cảm nhận được cái chất rất riêng, cái hồn của một vùng biển riêng biệt.
Trước đây nhắc đến Phú Yên, người ta chỉ nghĩ đến biển. Bờ biển dài hơn 100km là lợi thế của Phú Yên. Biển xanh, cát trắng, nắng vàng, người ta đến Phú Yên để tắm biển, nghỉ dưỡng, để khám phá và trải nghiệm. Nhưng với một người quan tâm tới sự phát triển du lịch như tôi, vậy là chưa đủ cho một tỉnh có nhiều tiềm năng như Phú Yên. Tại sao đến đây chỉ để tắm biển, tại sao lại không thể tìm hiểu, hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây. Với hơn 20 danh lam thắng cảnh, nếu chúng ta quảng bá sâu rộng thì Phú Yên không chỉ có vậy.
Bẵng một thời gian, tôi trở lại Phú Yên với một tâm thế khác; không còn thiên về nghiên cứu văn hóa mà chỉ đơn thuần là một khách du lịch đến nghỉ ngơi. Lần này thực sự ngạc nhiên vì những nỗ lực nâng tầm hình ảnh của Phú Yên.
Bãi Môn, Vũng Rô, vịnh Xuân Đài hay đầm Ô Loan vẫn vậy, vẫn đẹp mê hồn. Duy có điểm khác là sạch sẽ hơn, quang đãng hơn, dịch vụ tiện ích cũng nhiều hơn. Tuy không thể sánh với các tổ hợp hiện đại nhưng với những khách du lịch yêu thích cảnh quan tự nhiên như tôi thì như vậy tốt hơn so với những nơi có sự can thiệp quá mức của bàn tay con người.
Người Phú Yên kinh doanh du lịch nhẹ nhàng, tình cảm lắm, dù là khai thác lớn hay đơn giản chỉ là một vài người dân kiếm sống dựa vào một bãi biển. Thái độ lịch sự, đúng mực, tận tình và hết mình, đó là lợi thế, là lan tỏa. Đôi khi chúng ta nghĩ đến những gì quá cao siêu mà quên đi những điều đơn giản. Cuộc sống vốn đầy rẫy những thứ hào nhoáng, rồi đến một lúc nào đó, ta lại mưu cầu những điều bình dị, chỉ cần một nụ cười, một cử chỉ ân cần của các bà, các chị bán hàng là ta cũng có thêm niềm vui để đi tiếp, để khám phá tiếp.
Niềm vui của người đi du lịch chỉ có vậy. Chỉ cần thấy thoải mái thì họ sẽ quay lại lần nữa. Nhưng khách du lịch lại khá nhạy cảm, nếu vấp phải tiêu cực trong đối xử hay đơn giản chỉ là không hài lòng một chút thôi, họ sẽ không quay trở lại, thậm chí còn bêu xấu nơi đó. Thời đại mạng xã hội phát triển mạnh chỉ cần một “phốt” thôi thì điểm đến đó sẽ bị hạ uy tín rất nhanh. Với cường độ và chiều sâu khi lan tỏa thông tin trong xã hội thì việc một địa phương dính “phốt” sẽ vô cùng tệ hại, ảnh hưởng xấu đến việc phát triển du lịch nhiều năm sau. Một ví dụ đơn giản là việc một khách sạn bị hạ uy tín trên mạng do đối xử không đẹp với du khách đã trở thành một trào lưu, sẵn sàng bùng phát trên không gian mạng.
Biển Phú Yên trong lành, sạch sẽ đang ngày càng thu hút nhiều du khách. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN |
Lan tỏa, nâng tầm vẻ đẹp một vùng đất
Nói vậy để thấy, ở mức độ địa phương, chúng ta không chỉ nâng tầm hình ảnh mà còn giữ vững uy tín, giữ hình ảnh đẹp đã tạo dựng lâu nay. Đối với Phú Yên, đó là một việc làm vô cùng cấp thiết, một điều kiện cần và đủ để thu hút khách du lịch trong thời đại ngày nay.
Với một địa phương được đánh giá là có nhiều lợi thế thì chúng ta không chỉ dùng những cách thức truyền thống mà còn phải lan tỏa mạnh mẽ hàng ngày, hàng giờ để phát triển du lịch. Nếu chỉ dựa vào tài nguyên sẵn có mà không có sự vun vén của bàn tay con người thì điểm đến cũng không thể nâng tầm; hoặc đầu tư nhưng lại tác động quá mức thì cũng gây tác động xấu tới điểm đến và cả môi trường.
Thực tế, qua theo dõi lượng khách du lịch đến Phú Yên tuy tăng đều qua các năm nhưng du khách vẫn còn cảm giác nhàm chán dù các điểm đến rất đẹp. Bởi những địa danh nổi tiếng đó chưa có sự liên kết ngắn và liên kết dài. Đường sá có, nhưng phải tự tìm đường, tự bắt xe đi thì du khách đã mang cảm giác không hài lòng rồi; đến nơi thì ở đó cũng không có một dịch vụ nào. Vì vậy, dù cảnh rất đẹp nhưng khách lười quay lại. Tình trạng đó đã được cải thiện trong những năm gần đây, và đã có những kết quả đáng tự hào. Tuy vẫn còn chưa mạnh mẽ ở một số điểm đến nhưng với lượng khách du lịch tăng đều qua các năm, chúng ta có quyền hy vọng về một tương lai tươi sáng cho du lịch Phú Yên.
Có sự đầu tư bài bản thì sẽ thu hút du khách hơn, điều đó ai cũng biết nhưng nói dễ hơn làm. Trên cương vị, góc độ của khách du lịch, ta chỉ thấy bề ngoài của sự việc mà không nhìn thấy cả một bộ máy và chiến lược đằng sau vẻ đẹp thiên nhiên. Với những con người ấy, họ luôn đau đáu, mong mỏi vẻ đẹp của Phú Yên sẽ lan tỏa rộng rãi hơn.
Chúng ta nên nhìn vào những khó khăn của người làm du lịch trong thế giới phẳng, thời đại mạng xã hội. Cái xấu lan rất nhanh nhưng cái tốt thì cần rất nhiều công sức để thế giới biết. Đó chính là khó khăn nội tại mà bất cứ đơn vị kinh doanh du lịch nào cũng cần sống chung với nó, cũng cần làm mới mình hàng ngày để tồn tại và phát triển. Về phía chính quyền, cũng cần thông cảm cho những người làm dịch vụ du lịch, bởi họ “làm dâu trăm họ”, cũng là những người trực tiếp quảng bá cho hình ảnh Phú Yên. Cần hơn nữa sự định hướng, tạo điều kiện, hỗ trợ hết sức cho các nhà làm du lịch để họ tạo ra những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn, tuyệt vời hơn.
Còn về phía chúng tôi, những khách du lịch luôn mong muốn được thăm thú, khám phá những cảnh đẹp; luôn mong muốn hình ảnh của Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng được nâng tầm, được lan tỏa mạnh mẽ, để Phú Yên mãi là mảnh đất tươi đẹp mà bền vững, năng động nhưng cũng đầy hấp dẫn, là điểm đến tuyệt đẹp trong lòng tất cả mọi người.
ĐINH THÀNH TRUNG