Năm 2019 này kỷ niệm 100 năm ngày sinh của NSND Út Trà Ôn. Từ cậu bé chăn trâu tận miệt vườn Trà Ôn xa xôi đột ngột xuất hiện ở Sài Gòn, làm dậy sóng đời sống nghệ thuật sân khấu và được tôn vinh là “Đệ nhất danh ca miền Nam”, “Đệ nhất danh ca vọng cổ” hay “Hoàng đế vọng cổ”, có công đưa bản vọng cổ truyền thống lên đỉnh cao. Cuộc đời và sự nghiệp mê hát ham chơi của Út Trà Ôn đẹp như truyền thuyết, trở thành hình ảnh tiêu biểu cho ý chí vươn lên của một tài năng ẩn sâu ruộng đồng bước lên đỉnh cao nghệ thuật cổ truyền Nam Bộ thế kỷ XX.
Không chỉ dân miệt vườn Nam Bộ mà cả dân duyên hải miền Trung quê tôi cũng rất mê vọng cổ, cải lương cho dù nơi đây có truyền thống hát bội. Út Trà Ôn là một trong những giọng ca thần tượng của tuổi thơ chúng tôi ở ruộng đồng. Đến khi đi làm báo, Út Trà Ôn chính là nghệ sĩ cải lương đầu tiên mà tôi thực hiện cuộc phỏng vấn về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Bấy giờ, dù tuổi cao không còn đứng trên sân khấu nữa nhưng nghệ sĩ Út Trà Ôn vẫn đi hát từ thiện ở các lễ hội đình chùa. Người hâm mộ chưa “buông tha” giọng hát của ông, vẫn đưa xe đến mời ông rong ruổi khắp nơi.
NSND Út Trà Ôn (1919-2001). Ảnh: CTV |
Giọng ca thiên phú “có một không hai”
NSND Út Trà Ôn tâm sự rằng những gì ông có được là nhờ trời ban cho, nhờ gia đình và quê hương sinh thành, nhờ cả niềm đam mê khao khát được ca hát vô bờ của mình. Ông tên thật Nguyễn Thành Út, sinh năm Kỷ Mùi 1919, là con trai út, thứ mười trong một gia đình nông dân khá giả ở làng Đông Hậu, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay là huyện Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long), nên ông hay được gọi là cậu Mười Út, chú Mười Út, anh Mười Út.
Vào khoảng năm 1937, Mười Út cùng bạn bè rủ nhau lên Sài Gòn chơi và vào nhà hàng Đức Thành Hưng ca hát với nhau. Biết được hãng rượu Dubonnet thường tổ chức tuyển chọn giọng ca hay ở rạp Moderne, Mười Út vào thi thử và được trúng tuyển. Vì chưa được phép của gia đình nên Mười Út chỉ hát được một thời gian ngắn rồi rời Sài Gòn trở về quê nhà Trà Ôn.
Một duyên may khác đã đến. Gánh hát Tiến Hóa của ông bầu nổi tiếng Trúc Viên, tức Trương Gia Kỳ Sanh, từ Sa Đéc sang Trà Ôn biểu diễn, Mười Út tìm đến xin đầu quân. Thấy chàng trai nông dân quê mùa thấp lùn đen đủi, ông bầu sợ “tướng tá” này không ăn khách nên từ chối. Hôm sau, Mười Út lại đến gánh hát chơi và ca thử vài bản cho nghệ sĩ trong đoàn đờn. Đang nằm trên võng, ông bầu Trúc Viên nghe Mười Út ca hay quá mới vụt đứng dậy đi tới nói với mọi người với vẻ hối hận, đại ý: Tôi lầm rồi. Chút nữa bỏ lỡ giọng ca mà trong đoàn mình không ai qua được!
Đó cũng là bước ngoặt đưa Mười Út chính thức đi vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Ông thổ lộ với tôi rằng, cũng như nhiều nghệ sĩ khác khi đi hát cần có nghệ danh, mọi người bảo ông tự chọn nghệ danh cho mình. Ông nghĩ mình tên Út, quê Trà Ôn, thì cứ đặt Út Trà Ôn, nghe vừa giản dị vừa có tình với quê hương. Từ đó, nghệ danh Út Trà Ôn xuất hiện và dần được nhiều người biết đến.
Ông còn cho biết thêm: “Khoảng năm 1943-1944, tôi đi diễn khắp nơi với gánh Tiến Hóa của ông bầu Trúc Viên - Trương Gia Kỳ Sanh. Bạn diễn cùng có Tấn Thành, Tám Đỏ, Ba Giáo… là những nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ. Trương Gia Kỳ Sanh là người thẳng thắn, cương trực, tâm huyết với nghề. Quan điểm sống của ông có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Ngoài việc quản lý gánh hát, ông còn tham gia viết báo, đóng thế vai và là soạn giả; với vai Tào Tháo trong Tào Tháo dâng đao ông viết cho tôi diễn cũng khá thành công”.
Đến năm 1945, Út Trà Ôn chuyển sang hát cho đoàn Mộng Vân của soạn giả tài danh Mộng Vân, người đã viết tuồng Thái tử lưng gù cho ông diễn, khi thu đĩa thì đổi tựa là Một người anh. Út Trà Ôn cũng bắt đầu được giao đóng kép chính trong các vở Ba ngọn đèn xanh, Triều Tiên vong quốc sử, Đêm tơ vương… Vào năm 1960, nhà báo Trần Tấn Quốc tổ chức cuộc trưng cầu ý kiến khán giả trên nhật báo Tiếng Dội để chọn giọng ca hay nhất và Út Trà Ôn đã được tôn vinh Đệ nhất danh ca miền Nam, còn Huỳnh Thái ở Hà Nội là Đệ nhất danh ca miền Bắc.
Những người chơi á phiện đều chết trẻ hết
Dù đã từng đóng hàng trăm vai cải lương nhưng Ông Cò quận 9 trong Tuyệt tình ca vẫn là vai diễn mà Út Trà Ôn tâm đắc nhất và gây ấn tượng nhất đối với khán giả. Đây là vai diễn mà hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng viết riêng cho Út Trà Ôn thủ diễn khi ông đã bước vào tuổi ngũ tuần không thể cạnh tranh những vai diễn trẻ với lớp trẻ đi sau. Trường hợp này cũng giống như “vua soạn lời vọng cổ” Viễn Châu viết riêng Tình anh bán chiếu và hàng trăm bản vọng cổ khác cho Út Trà Ôn hát. Sự ăn ý trong sáng tạo và biểu diễn ấy thật ấn tượng.
Út Trà Ôn là nghệ sĩ đa năng và không kén chọn vai. Ông tâm sự: “Loại vai nào tôi cũng diễn, miễn là nhân vật đó có kịch tính, có số phận éo le, gay cấn, từ vai mùi tới vai độc, vai lão, vai hề. Trong tuồng cải lương San hậu, tôi làm hề, với vai Út Cà Lăm khá thành công. Còn tuồng Lãnh Cầu Bông thì tôi thủ vai Hùng Đôla trùm du đãng. Tôi có cô người yêu, sau khi được mời đi xem tuồng này, ghét nhân vật độc ác, nên cũng… ghét và “xù” tôi luôn”!
Về con đường tình ái, “Hoàng đế vọng cổ” Út Trà Ôn được biết đến như một nghệ sĩ rất đa tình. Ông không chỉ được những người đẹp trong giới sân khấu đem lòng yêu thương, mà còn nhiều quý cô quý bà xinh xắn, giàu có ngoài đời “chết mê chết mệt” vì ông. Trong đó có một mối quan hệ nhiều đồn đoán giữa Út Trà Ôn và Ngọc Bích. Xuất thân từ một tài năng nhí nhà nghèo tận miền Tây, Ngọc Bích được vợ chồng Út Trà Ôn nhận làm con nuôi, nâng đỡ thành một nữ nghệ sĩ tài danh, đoạt giải Thanh Tâm danh giá năm 1967. Út Trà Ôn - Ngọc Bích trở thành cặp đôi diễn xuất ăn ý nổi tiếng thập niên 60-70 trên sân khấu cải lương miền Nam, dù ông lớn hơn cô tới 28 tuổi.
Khi đầu quân ở đoàn tuồng nào, diễn vở nào, Út Trà Ôn cũng chỉ đề nghị diễn chung với Ngọc Bích và ông cũng không cho cô đóng cặp với bất cứ kép nào khác. Năm 1968, khi đoàn Thanh Minh Thanh Nga sang thủ đô Paris biểu diễn, Út Trà Ôn và Ngọc Bích cũng cùng đi và buộc bà Bầu Thơ phải sắp xếp cho họ ở chung phòng, trong khi do giá cả đắt đỏ, phần còn lại của đoàn chia hai, toàn bộ diễn viên nam ở chung một phòng, diễn viên nữ một phòng. Đó cũng là nguyên do những lời đồn quan hệ tình ái giữa cha nuôi và con nuôi, cho dù hai người phủ nhận điều này…
May mắn cho Út Trà Ôn là ông có người vợ hiểu biết, thần tượng chồng, không bao giờ biểu hiện sự ghen tuông, mà cố nén nỗi đau thường tình của người đàn bà vào lòng để giữ gìn hạnh phúc cho gia đình cũng như bảo vệ uy tín sự nghiệp của chồng. Cũng vì lẽ đó, dù rất trăng hoa nhưng Út Trà Ôn luôn tôn trọng vợ và chỉ có duy nhất một dòng con với bà, gồm ba trai ba gái, trong đó có cô gái út là ca sĩ Bích Phượng nối nghiệp cha mà ông rất tự hào.
Chuyện hút thuốc phiện hoặc á phiện khá phổ biến trong giới văn nghệ sĩ nước ta vào nửa đầu thế kỷ XX. Ở miền Nam trước năm 1975 cũng có không ít văn nghệ sĩ rơi vào con đường nghiện ngập loại ma túy tự nhiên này. Út Trà Ôn từng bị đồn rằng nhờ “nàng tiên nâu” nên hơi mới dài, ca ngọt. Là nghệ sĩ lắm tài nhiều tật, ông là “tay chơi” có tiếng về đánh bida, đánh đề và mê bài xập xám mà nghệ sĩ Hồng Nga đã chọc ghẹo. Còn hút á phiện thì không người nào tận mắt thấy ông chơi. Khi đã ở tuổi bát tuần, thi thoảng ông vẫn bực mình vì lời đồn ác ý đó. Ông nói với tôi rằng: “Thật sự là tôi không hút á phiện anh ạ! Có em cháu nghệ sĩ nói rằng cậu Mười giấu, nhưng giấu sao được cả đời với mọi người. Bằng chứng là đã tám mươi tuổi rồi tôi vẫn mạnh khỏe, còn mấy người vô đường hút xách thì đã chết trẻ lâu rồi, hoặc cũng chết gần hết rồi”.
Tôi tin lời ông. Bởi con người lão thành bằng xương bằng thịt trước mặt tôi đã minh chứng cho nỗi oan của Đệ nhất danh ca vọng cổ miền Nam. Và thuyết phục hơn chính là tuổi 82 thượng thọ trên cõi tạm của lão nghệ sĩ trước khi ông rong chơi ở thế giới bên kia.
Một điều ít người lưu ý: Út Trà Ôn là người có công lớn đưa bản vọng cổ phát triển đỉnh cao thành lối ca hoàn chỉnh cho tới ngày nay. Vọng cổ là một nền tảng rất quan trọng cho cải lương. Và cũng chính thành công từ vọng cổ đã mang lại cho ông tiền tài, danh vọng cùng những mối tình nghệ sĩ lãng mạn. Nếu như nghệ sĩ Sáu Lầu là người khai mở với bản Dạ cổ hoài lang nhịp 4, nghệ sĩ Năm Nghĩa là người đầu tiên có công phổ biến rộng rãi bản vọng cổ nhịp 8 với Vì tiền lỗi đạo, thì nghệ sĩ Út Trà Ôn là người đưa bản vọng cổ lên đỉnh cao với bản Tôn Tẩn giả điên do vị Yết Ma Hòa thượng sáng tác riêng cho ông hát, với nhịp 16, tức tiếp tục tăng gấp đôi so với nhịp 8 bản của Năm Nghĩa. Ấy là từ năm 1946, mỗi câu của bản vọng cổ dài thêm bằng nhịp 16, như 6 câu trong bản Tôn Tẩn giả điên. |
PHAN TẤN HÙNG