Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Thứ tư - 06/11/2019 22:08
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa (DSVH) trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa (DSVH) trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức...

 

Phú Yên lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị đặc sắc trong tiến trình lịch sử dân tộc. Những giá trị ấy đã và đang được bảo tồn và phát huy để phục vụ cho công cuộc đổi mới, hội nhập hôm nay.

 

Tăng cường quản lý nhà nước

 

Nhận thức được tầm quan trọng của giá trị DSVH không những phục vụ công tác nghiên cứu, học tập đơn thuần, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong những năm qua, ngành Văn hóa của tỉnh luôn coi trọng và quan tâm đến công tác bảo tồn các DSVH, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị DSVH.

 

Cụ thể, Sở VH-TT-DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án Phân cấp quản lý di tích - danh thắng đã được xếp hạng; Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó giao cụ thể quyền hạn và quy định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, các sở, ban ngành trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đây cũng là cơ sở để UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

 

Ngoài ra, công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống cũng được chú trọng. Giám đốc Sở VH-TT-DL Phạm Văn Bảy cho biết ngành Văn hóa duy trì, tổ chức thường xuyên các loại hình lễ hội (dân gian, lịch sử cách mạng, tôn giáo, văn hóa). Việc quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống gắn với lễ hội, gắn với nhân vật lịch sử được phát huy có hiệu quả nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đã được phục dựng...

 

Ông Phan Thanh Quyền, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sông Hinh, cho biết: “UBND huyện Sông Hinh đã xây dựng đề án Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH các dân tộc huyện Sông Hinh và giao trách nhiệm Phòng VH-TT tổ chức triển khai từ năm 2007 cho đến nay. Việc thực hiện đề án đã tạo được sự chuyển biến về mặt nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương”.

 

Cần xây dựng đề án tổng thể

 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 77 di tích được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh). Ngành Văn hóa đã rà soát, bổ sung đưa vào danh mục kiểm kê di tích với 201 công trình, địa điểm; 185 DSVH phi vật thể được kiểm kê. Trong đó có 4 di sản được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia (Nghệ thuật bài chòi; Lễ hội cầu ngư; Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm; Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê). Đặc biệt, di sản Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên cùng với Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh có 8 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

 

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì tỉnh ta vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Theo ông Phạm Văn Bảy, trên thực tế, việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể trên địa bàn còn chậm; nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích còn hạn chế. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại một số khu di tích chưa đảm bảo, nhất là ở các di tích chưa có bộ phận quản lý, di tích có diện tích rộng, địa hình phức tạp như: vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, Vũng Rô...

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, để bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH phục vụ cho phát triển du lịch một cách bền vững, cần xây dựng đề án tổng thể; tiếp tục tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ để đánh giá đúng giá trị của di tích và đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh, quốc gia. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhận thức của người dân về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH; trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng; bảo tồn các lễ hội, các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, văn hóa dân gian của từng địa phương, từng dân tộc bằng những hình thức dễ hiểu, bằng những quy định cụ thể để cho du khách, đặc biệt là người dân, cán bộ quản lý hiểu được giá trị của di sản, nhận biết và ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm di tích, nhất là các cơ quan quản lý cấp cơ sở; tăng cường quản lý đối với di sản, chú trọng đầu tư nguồn nhân lực... 

 

Phú Yên cần đẩy mạnh xây dựng các đề án, dự án nhằm bảo tồn, tôn tạo các di tích để phát huy các DSVH; lập hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể đề nghị xét tặng danh hiệu DSVH phi vật thể quốc gia. Các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho Bảo tàng tỉnh phối hợp với các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, nhất là hoạt động chuyên môn trong việc quản lý di sản văn hóa. Đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào dự án bảo tồn DSVH; tôn vinh và giải quyết chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực DSVH…

 

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục DSVH (Bộ VH-TT-DL)

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp