Có rất nhiều buổi chiều thơ ấu tôi ngồi đầu hiên, nghe mái lá trên đầu xào xạc gió, mắt ngó ra ngoài hàng rào nhìn áo phất phơ bay. Hàng rào của mẹ được đan bằng tre, tháng năm đã nhuốm màu mưa nắng khô giòn, ọp ẹp và sạm màu rêu mốc. Mỗi ngày từng liếp rào ấy thêm gù xuống vì mấy bó mì sợi, chăn chiếu mùng màn và những chiếc áo vá víu theo mùa giăng mắc chờ đợi từng tia nắng.
Mẹ phơi chúng từ lúc tôi còn nằm gọn lỏn trên giường ngủ một giấc say sưa. Đến khi dụi mắt tỉnh dậy chỉ còn thấy bóng dáng mẹ trong rổ khoai luộc còn ấm đặt trên bàn, trong bếp tro vẫn chưa kịp nguội và ngoài hàng rào từng vũng nước giỏ xuống trên tay áo đang đọng ánh mặt trời. Nhớ hàng rào là nhớ mẹ, một nỗi nhớ phong phanh sương gió.
Quê tôi đất rộng, nhưng nhà cửa không phân bố rải rác mà tập trung làm san sát nhau dưới những chân đồi bằng phẳng. Nhà nào cũng tường đất mái tranh, cũng có hàng rào mỏng mảnh và một mảnh sân nhỏ đủ để phơi ngô lúa vụ mùa. Lũ trẻ chúng tôi được giao nhiệm vụ trông nhà nên thường chơi quanh quẩn ngoài ngõ với đủ trò nghịch ngợm. Nào thì ô quan, nhảy nụ, đánh khăn, nào thì trò bán hàng hay làm cô dâu chú rể. Nhưng thích thú nhất vẫn là trò ngồi đợi mẹ về.
Tôi tựa cột, ngó qua hàng rào nhìn thấy bóng mẹ hun hút trên rừng chè xanh thẳm. Lưng mẹ cúi cả ngày hái từng búp chè non chắc hẳn đã mỏi nhừ. Áo mẹ luôn đẫm mồ hôi, ngay cả khi đã được giặt phơi vẫn còn nhìn rõ nhiều vết mốc li ti oằn trên từng sợi vải.
Ai đã từng sống ở quê tôi vào những ngày đó nếu để ý hẳn sẽ thấy trong hàng dài quần áo phơi trước sân mỗi nhà, cứ chiếc áo nào nhiều mảnh vá víu nhất thì đó là áo của những người đàn bà chịu thương chịu khó. Sự hy sinh đâu chỉ ở từng miếng cơm ngô sắn mẹ hớt về phần mình nhường cơm trắng cho con. Ngay cả mảnh vải lành lặn cuối cùng mẹ cũng dành may áo cho những đứa con bé nhỏ. Nhìn áo mẹ bay trước sân nhà đã là niềm thổn thức trong tôi suốt bao năm tháng. Mẹ cũng như những liếp rào qua bao mùa mưa nắng, nặng trĩu nhọc nhằn hai vai.
Mỗi ngày cuộc đời vắt lên lưng mẹ thêm một nỗi lo toan. Giờ dáng mẹ tôi còng, áo nhô lên theo dáng lưng chênh chếch một phận người…
Bây giờ mẹ vẫn hay ngồi đan rào những lúc nông nhàn. Những liếp rào tre giờ còn cao hơn lưng mẹ. Xóm nhỏ giờ nhà xây khang trang và cũng ấm cúng hơn nhiều. Chúng tôi lớn lên, dù mưu sinh kiếm sống khắp nơi nhưng khi xây dựng gia đình đều gửi con cái ở nhà nhờ ông bà chăm bẵm. Vẫn còn những lớp trẻ thơ túm năm tụm ba trước cổng hát đồng dao, chơi trò rồng rắn lên mây và mỗi tối lại đòi thức đợi mẹ về. Nhưng chắc hẳn ký ức của chúng sẽ mang những màu sắc và hương vị khác với thế hệ tôi ngày xưa.
Ít ra là sẽ không còn nhìn thấy những hàng rào phất phơ áo mỏng. Nhưng thỉnh thoảng trở về nhà tôi vẫn thường đứng lặng trước hiên nhà ngó vào khoảng trời ký ức. Như cái thời bắc ghế cố với lấy manh áo mẹ hít hà mùi mồ hôi lẫn trong mùi xà phòng giặt vội. Ký ức gần gũi tới mức tưởng như chỉ cần vén tấm mành bằng nắng sớm là có thể thấy mẹ của tôi lúc trẻ.
Mẹ dậy thật sớm, vén màn cho tôi, nổi lửa lên ấm áp cả căn bếp nhỏ. Tôi cứ đứng đó nhìn theo mẹ, lòng ngập tràn cảm xúc như xem lại bộ phim về quá khứ. Mà cái kết phim dễ làm người ta thổn thức, khi bóng mẹ cứ xa dần, trước mắt chỉ còn tấm áo mỏng manh vá víu bay phất phơ trước gió chiều...
VŨ THỊ HUYỀN TRANG