Tối 28/12, trăng rằm tháng 11 như dát vàng. Không chỉ những người mộ điệu thơ ca, mà còn có rất nhiều người dân địa phương và du khách cùng rủ nhau lên Tháp Nhạn - Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt bên sông Chùa thơ mộng của TP Tuy Hòa, để hòa mình dưới trăng, cùng thưởng thức những áng thơ văn, những nét nhạc trữ tình...
Dưới ánh trăng huyền ảo và tiếng nhạc dìu dặt, trong một không gian thoáng đãng từ Tháp Nhạn nhìn bao quát cả TP Tuy Hòa, khán giả đã cảm nhận được nhiều cảm xúc khác nhau. Đây chính là điều làm nên nét đặc biệt của Đêm Thơ - Nhạc “Trăng Tháp Nhạn”.
Lắng hồn nghe thơ
Bằng tình yêu da diết với vùng đất Tuy Hòa thân thương, tác giả Vũ Phương đã gửi gắm nỗi niềm qua bài thơ Lối mộng. Thi phẩm này đã được Đăng Quang thể hiện một cách đầy cảm xúc qua giọng ngâm trầm ấm: Anh nắm tay em lên từng bậc thang/ Tháp Nhạn đêm nay sao mơ màng quá/ Ánh trăng đang trải vàng trên ngàn lá/ Gió đâu về hôn nhẹ tóc... mây bay/ Người yêu thơ náo nức trở về đây/ Tiếng nói cười râm ran khung trời mộng/ Chừng như họ đang bước vào... lối mộng/ Mãi xôn xao e ấp Chị Hằng xa. Rồi một lần nữa, qua giọng ngâm Đăng Quang, khán giả có thể chạm đến nỗi day dứt, cồn cào hòa cùng men hương rừng tinh túy qua những vần thơ trong Đêm nay mình cạn ché của tác giả Lê Kha: Bên bếp lửa nhà rông/ Ché rượu cần thơm nồng/ Men hương rừng tinh túy/ Ủ hạt gạo to trâu/ Hai đứa mình hai bên/ Tay vịn hai ché túc/ Vít cho cần cong lên/ Uống say rồi... say nữa.
Ở một cung bậc cảm xúc khác, giọng ngâm Ngọc Hà đã dẫn lối người nghe về một vùng đất Phú trời Yên - mảnh đất của tình người đã nuôi lớn bao ước mơ, hoài bão của bao thế hệ. Dù đi xa quê hương nhưng nỗi nhớ về dòng sông Ba hiền hòa chở bao miền ký ức, những đêm xoang bên ché rượu cần, rộn ràng với nhịp chiêng ngân vang càng thôi thúc hơn khát khao ngày trở về quê hương trong bài thơ Gợi nhớ quê hương của tác giả Nguyệt Hà: Đi đâu cũng muốn quay về/ Tuy Hòa đất phú tình quê dạt dào/ Khung trời êm ả làm sao/ Lòng người ấm áp ngập tràn tình thương/…Nắng chiều đổ bến cô thôn/ Chao nghiêng cánh nhạn bay dồn về non...
Vẫn là xứ Nẫu quen thuộc nhưng qua giọng ngâm Bích Trâm, xứ Nẫu ấy lại được hiện lên trong mắt của một du khách - Lãng Du đến từ xứ sở sương mù Đà Lạt mộng mơ. Với cơ duyên một lần được đến với mảnh đất “hoa vàng trên cỏ xanh”, vị khách Lãng Du đã quá đỗi ngạc nhiên, dạt dào cảm xúc viết về xứ Nẫu trong bài thơ Nẫu ơi, Nẫu à: Nẫu ơi, Nẫu à.../ Ta người khách lạ vô duyên/ Em nghiêng tập sách che duyên má hồng, để rồi... Sông Ba Ngọc Lãng Bến Cầu/ Tháp xưa đứng đợi mối sầu phôi pha/ Màu hương ngọt mắt... Nẫu à/ Thương em nắng gió Tuy Hòa... Nẫu ơi.
Bên cạnh đó, sự góp mặt của các giọng ca đến từ Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh (VH-ĐA) tỉnh, qua các ca khúc đằm thắm, trữ tình như Hát trên đồng lúa Tuy Hòa (sáng tác: Ngọc Quang, biểu diễn: tốp ca nữ), Cây tre Việt Nam (thơ: Bích Hữu, nhạc: Phan Anh Dũng, biểu diễn: Hoàng Trọng), Truyền thuyết Hoàng Sa - Trường Sa (sáng tác: Công Quế, biểu diễn: Chí Công, Thùy Trang), Quê hương tình yêu và tuổi trẻ (sáng tác: Lê Quốc Dũng, biểu diễn: Cúc Hương), Tuy Hòa ngày mới (sáng tác: Ngọc Quang, biểu diễn: tốp ca nam nữ) đã làm cho chương trình thêm sắc màu.
Lay động lòng người
Giọng ngâm Đăng Quang bày tỏ: “Việc trình diễn thơ tại Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn là hoạt động bổ ích và ý nghĩa không chỉ cho những người yêu thơ, mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa - nghệ thuật của người dân và du khách đến đây. Theo tôi, đây là một trong những cách tốt nhất để khán giả hiện nay tiếp nhận các tác phẩm thơ, đưa thi ca gần gũi hơn với đời sống”.
Còn anh Nguyễn Ngọc Tuấn, một khán giả yêu thơ tại TP Tuy Hòa, thổ lộ: “Trong sự háo hức đón chờ của người yêu thơ trong hơn một năm qua, nhất là khi Hội thơ Nguyên tiêu 2020 lỗi hẹn do dịch COVID-19, Đêm Thơ - Nhạc “Trăng Tháp Nhạn” đã diễn ra lắng sâu, đầy ấn tượng. Có thể nói rằng, sự giao cảm giữa những giọng ngâm ngay tại đêm thơ - nhạc đã tạo được sự thăng hoa cho chính mỗi người, để đêm thơ - nhạc lắng đọng hơn với những dấu ấn nghệ thuật”.
Theo ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm VH-ĐA tỉnh, Đêm Thơ - Nhạc “Trăng Tháp Nhạn” nhằm tôn vinh truyền thống thơ ca của Phú Yên, hướng tâm hồn con người, đặc biệt là thế hệ trẻ đến với những điều tốt đẹp và nhân văn, khẳng định những đóng góp của văn nghệ sĩ tỉnh nhà vào sự phát triển của quê hương. Đồng thời, đêm thơ - nhạc là sân chơi bổ ích, đáp ứng nhu cầu về tinh thần của người dân, nhất là những người yêu thơ; tạo điều kiện để người sáng tác thơ và công chúng yêu thơ có dịp gặp gỡ, giao lưu.
“Đây là chương trình phục vụ miễn phí nhân dân và du khách, nhằm đa dạng các hình thức biểu diễn nghệ thuật, hình thành điểm đến cho du khách, góp phần quảng bá hình ảnh Phú Yên và phát triển phong trào văn nghệ trên địa bàn tỉnh. Chương trình được tổ chức định kỳ vào ngày 15 âm lịch hàng tháng bắt đầu lúc 19 giờ 30 tại Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn (TP Tuy Hòa). Trường hợp ngày 15 âm lịch trùng với thứ bảy thì kết hợp tổ chức đêm thơ - nhạc gắn với chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch”, ông Lê Trung Hiền cho biết.
Đêm Thơ - Nhạc “Trăng Tháp Nhạn” nhằm tôn vinh truyền thống thơ ca của Phú Yên, hướng tâm hồn con người, đặc biệt là thế hệ trẻ đến với điều tốt đẹp và nhân văn, khẳng định những đóng góp của văn nghệ sĩ tỉnh nhà vào sự phát triển của quê hương. Đồng thời, đêm thơ - nhạc là sân chơi bổ ích, đáp ứng nhu cầu về tinh thần của người dân, đặc biệt là những người yêu thơ; tạo điều kiện để người sáng tác thơ và công chúng yêu thơ có dịp gặp gỡ, giao lưu.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Lê Trung Hiền |
THIÊN LÝ