“Gió xuân phảng phất nhành tre
Mời bà con, cô bác lắng nghe bài chòi…”
Những câu hô hát bài chòi thu hút mọi người đến tham gia. Trong không khí vui tươi, phấn khởi, người chơi mê bài chòi bởi tính chất giải trí xen lẫn giá trị truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Vui hội bài chòi
Những năm gần đây, TP Tuy Hòa là một trong những điểm đến của nhiều người dân và du khách yêu thích nghệ thuật bài chòi truyền thống. Năm nay, những người mộ điệu bài chòi lại có dịp tham gia trò chơi dân gian này giữa lòng thành phố. Khi màn đêm buông xuống, dưới ánh đèn rực rỡ sắc màu, đông đảo người dân khắp các xã, phường trên địa bàn TP Tuy Hòa đã tụ hội về chơi bài chòi khiến không khí sôi động hẳn lên.
Chị Hứa Thị Gửi, Chủ nhiệm CLB Bài chòi dân gian phường 5 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Năm nay, được chính quyền hỗ trợ, khuyến khích nên CLB mạnh dạn tổ chức hội bài chòi tại nhiều nơi như: huyện Sơn Hòa, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa. Riêng TP Tuy Hòa, bài chòi được tổ chức xuyên suốt từ Tết cho đến nay, ở các địa phương còn lại đã kết thúc vào mùng 10 Tết. Tạo được sân chơi thi vị như thế này trong dịp Tết, chúng tôi cảm thấy tự hào khi góp phần gìn giữ vốn văn hóa quý báu của dân tộc”.
Những ngày qua, cả một góc công viên Thanh thiếu niên TP Tuy Hòa luôn tràn ngập tiếng cười bởi những câu hô hát dí dỏm của “chị Hiệu”, Hứa Thị Gửi, người dẫn dắt hội bài chòi: Ôi chao quả thật lạ kỳ/ Thùng phuy sao lại biết đi giữa đường/ Khi không mà lại ngứa mồm/ Gặp tay sáu mập liệu hồn nghe không, là con sáu mập.
Khi những trận cười khoái chí vơi đi, “chị Hiệu” lại tiếp tục đi gieo tiếng cười cho cả hội bài chòi: Chầu rày đã có trăng lên/ Để anh lên xuống có con em bồng/ Anh ơi xin chớ nằm mơ/ Gái đâu gái để anh đưa anh bồng, là con bát bồng. Rồi: Làng tôi có một cụ già/ Bà con quen gọi cụ là chín cu/ Ai hỏi thì cụ gật gù/ Vì cụ thứ chín chơi cu nhà nghề, là con chín cu.
Cứ 33 quân bài được phát ra rồi sau đó, các câu thai được hô hát. Vừa nghe, người chơi vừa hình dung ra từng quân cờ. Nội dung các câu thai thường mộc mạc, dễ hiểu lại vừa hóm hỉnh, vui tươi nhưng vẫn toát lên nét duyên của người dân miền Trung, khiến người tham gia rất phấn khích.
Không chỉ khiến người nghe đi từ ngạc nhiên đến… những tràng cười nghiêng ngả, mỗi khi có người trúng thưởng, “chị Hiệu” lại tận tay bưng khay tiền thưởng và chung rượu tới chòi của người chơi may mắn: Đây ly rượu mừng người may mắn/ Chúc em (anh, chị, cô, chú...) trẻ mãi không già/ Đẹp xinh như bông hoa... Ở mỗi danh xưng lại có nội dung chúc phù hợp. Chị Nguyễn Thị Ảnh (huyện Đông Hòa) vui vẻ nói: “Cả năm đi làm xa nên mỗi dịp Tết hay hội hè, tôi thường rủ bạn đi chơi bài chòi. Năm nay cũng vậy, mình góp chút tiền nhưng được nghe “chị Hiệu” hát sướng tai”.
Mang câu thai đến mọi người
Người chơi bài chòi ngồi trong các chòi được dựng bằng gỗ, tre, mái lợp bằng tranh. Phía trước, các chòi được trang trí cờ hoa và câu đối, mỗi chòi được đặt tên theo can chi. Nhìn đơn giản nhưng hội bài chòi đã làm biết bao người mê mẩn. Có lẽ, làm nên sự hấp dẫn đó chính là những câu thai của anh/chị Hiệu được viết nên từ những câu ca dao xưa hoặc tự phóng tác, sáng tác nên.
Theo ông Trần Đông ở xã An Hiệp (huyện Tuy An), người gắn liền với vai trò “anh Hiệu” hơn 10 năm nay, thường các Hiệu sẽ dùng lối bắt đầu của người rao như “hai bên lẳng lặng mà nghe đi chợ”. Sau đó, người làm Hiệu sẽ tiếp tục hội bài chòi bằng một điệu hò có thể dài hoặc ngắn, hài hước hoặc cũng có thể mang nội dung léo lắt, đánh đố nhưng đảm bảo người chơi vẫn có thể liên tưởng đúng con bài Hiệu hát. “Hiện nay, chơi bài chòi ở Phú Yên chủ yếu dùng 11 thẻ cái, 33 thẻ bài con với 3 biến thể mới là “ông ầm” gồm có: “ầm trơn” và “ầm bâu”; “tứ cẳng” gồm: “tứ cẳng trơn” và “tứ cẳng bâu”; “cửu điều” gồm: “cửu điều trơn” và “cửu điều bâu”. Bộ bài này có nguồn gốc từ bộ bài tam cúc của người Huế; gồm 30 con, hai bên có 60 quân”, ông Đông cho biết.
Hòa chung mùa lễ hội đầu năm, anh Phùng Long Ẩn, Chủ nhiệm CLB Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số Phú Yên tổ chức hô hát bài chòi ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt điểm chơi tại Nhà Văn hóa Lao động (TP Tuy Hòa) đã thu hút nhiều người tham gia. Ai nấy đều háo hức, vui vẻ. “Ở đâu có hô hát bài chòi, ở đó có tiếng cười sảng khoái”, anh Ẩn nói.
Còn anh Nguyễn Duy Vinh, Chủ nhiệm CLB Bài chòi An Phú (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Tôi và những người hát bài chòi luôn đau đáu nỗi niềm gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật bài chòi dân gian. Chính vì vậy, đây là cơ hội để chúng tôi có thể tổ chức hô hát bài chòi phục vụ người dân, giúp các bạn trẻ tiếp cận và hiểu hơn về nét văn hóa này”.
Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 7/12/2017. Bài chòi không chỉ là “đặc sản” địa phương, mà trở thành giá trị kết tinh tâm hồn Việt, viên ngọc sáng trong hành trình phát triển và hội nhập của văn hóa Việt Nam. Tổ chức chơi bài chòi vào dịp năm mới là hoạt động gắn kết cộng đồng, góp phần khôi phục, gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị nghệ thuật Bài chòi.
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Nguyễn Ngọc Thái |
THIÊN LÝ