Do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng và truyền cảm hứng, đến nay thể thơ mới 1-2-3 đã được hàng trăm người cầm bút chọn để giãi bày những tâm tư, cảm xúc, trăn trở... của mình. Nhiều tập thơ 1-2-3 ra đời. Theo tác giả Chất vấn thói quen, Bước gió truyền kỳ..., sự thành công của thể thơ 1-2-3 thuộc về rất nhiều nhà thơ ở nhiều vùng miền của đất nước.
Hội ngộ trên quê hương thơ 1-2-3
Giữa tháng 4 vừa qua, bên sông Chùa lộng gió Tuy Hòa, hai nhà thơ đến từ hai đầu đất nước: Phạm Thị Phương Thảo ở Hà Nội và Trần Thanh Dũng ở Sóc Trăng ra mắt tập thơ Những cánh hoa mở đêm và Những ký tự xê dịch, được thể hiện bằng hình thức mới: Thơ 1-2-3.
Thú vị ở chỗ, Những ký tự xê dịch là tập thơ 1-2- 3 thứ hai, được ấn hành sau tập Thủ thỉ phù sa của nhà giáo - nhà thơ trẻ Nguyễn Đinh Văn Hiếu ở Trà Vinh, và ra mắt bạn yêu thi ca ngay tại quê hương của thơ 1-2-3. Gần 160 bài thơ trong Những ký tự xê dịch như lời tự bạch của nhà thơ Trần Thanh Dũng (bút danh Thành Dũng), Ủy viên Hội đồng Công chứng viên toàn quốc, mê đắm thơ và miệt mài trên hành trình sáng tạo.
Nhà thơ Trần Thanh Dũng chia sẻ rằng ông đã “nghiện” thơ 1-2-3, bởi vì thể thơ mới này mang phong cách tự do, không ràng buộc như các thể thơ khác nên dễ sáng tạo, dễ đi vào lòng người. Và, thơ 1-2-3 đã “giới thiệu” Trần Thanh Dũng với bạn đọc dù trước Những ký tự xê dịch, ông đã có 5 tập thơ. “Tôi gặp gỡ thơ 1-2-3, sáng tác và được anh Phan Hoàng đăng thì mới có nhiều độc giả. Từ đó, như có một cái duyên nối thơ 1-2-3 với tôi, tôi với thơ 1-2-3”, tác giả Những ký tự xê dịch thổ lộ. Dưới đây là một bài thơ 1-2-3 của nhà thơ Trần Thanh Dũng trong tập Những ký tự xê dịch.
Cha tôi múc bình minh lên tưới hoa?
sắc tím pha trong màu gió tết
tiết cuối đông miền Tây khí trời hơi se
bông vạn thọ vàng xanh thơ trẻ
thương tuổi cha mưa nắng bạc đầu
ngọn trầm loang mắt tết?
Với nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo, nguyên Viện phó Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế), tập thơ thứ 11 Những cánh hoa mở đêm đánh dấu sự trải nghiệm của chị với thể thơ 1-2-3. Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo chia sẻ: “Tôi là người thích thể nghiệm. Viết nhiều thể loại: thơ văn xuôi, lục bát, thơ Haiku... cũng là cách mình thể nghiệm; thơ 5 câu do nhà thơ Trần Quang Quý khởi xướng, tôi cũng đã viết, phải đến 70 bài. Tôi biết đến thơ 1-2-3 là từ trang vanhocsaigon. Sau khi đọc một số bài giới thiệu về thơ 1-2-3, tôi nghĩ: Ơ, cũng hay nhỉ, mình thử viết xem sao. Tôi viết một chùm thơ, tự mình thấy được, bèn nhắn tin và gửi cho nhà thơ Phan Hoàng. Nhà thơ cảm ơn và vui vẻ đón nhận. Tôi hào hứng viết. Bước sang thể thơ 1-2-3 thú vị lắm!”.
Trong đỉnh dịch COVID-19, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo sáng tác hàng chục bài thơ 1-2-3 về những ngày tháng không thể nào quên, nhưng không đưa vào tập Những cánh hoa mở đêm. Tập thơ này là tiếng lòng của chị với thiên nhiên.
Những cánh hoa mở đêm
Tỏa hương vào giấc ngủ
Chỉ có bóng đêm nhìn thấy
Khi những cánh hoa rung ngân
Thứ ngôn ngữ câm
Bình minh hửng sáng!
Cộng hưởng và chia sẻ
Theo nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc - Chủ biên trang Vanvn của Hội Nhà văn Việt Nam, thể thơ mới 1-2-3 do anh khởi xướng từ một chuyến đi thú vị, khi du hành nước Nga và quá giang Qatar, ngồi trầm tư một chiều bên vịnh Ba Tư - nơi giao thoa văn hóa Đông - Tây. Mỗi bài thơ 1-2-3 là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu. Đoạn 1 chỉ có1 câu gồm tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện trước đó. Đoạn 2 có 2 câu, mỗi câu tối đa 12 chữ. Đoạn 3 có 3 câu, mỗi câu tối đa 13 chữ. Chữ càng tinh lọc, càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủyếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện. Người khởi xướng thơ 1-2-3 khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Nhà văn Trần Quốc Toàn, tác giả Trái đất này có nhiều chuyện lạ, Nhà có đội xiếc thú, Cây me nước đeo vòng cẩm thạch, Vườn cây cổ tích... nhận xét rằng thơ 1-2-3 vừa mang tính cổ điển vừa hiện đại. Bài thơ ngắn gọn, phù hợp với nhu cầu đọc của nhiều độc giả hiện nay. Điều thú vị là bất kỳ tựa đề nào của bài thơ 1-2-3 cũng đã là tứ thơ, là câu thơ rồi.
Theo cảm nhận của nhà nghiên cứu văn hóa Phan Đình Phùng, thơ 1-2-3 hay, dễ đọc, dễ thuộc. Là một người rất yêu thơ, ông tự hào khi quê hương Phú Yên có một nhà thơ đã khởi xướng ra thể thơ mới.
Nhà thơ Phan Hoàng từng tự hỏi vì sao nhiều bạn thơ sáng tác thơ 1-2-3 rất hay. Và anh nghiệm ra rằng thơ 1-2-3 vừa chặt chẽ (có luật), đồng thời cũng rất tự do, không bó buộc. Theo tác giả Tượng tình, Hộp đen báo bão, Chất vấn thói quen, Bước gió truyền kỳ..., với bất kỳ người cầm bút nào, trên hành trình sáng tạo, điều quan trọng nhất là sự cộng hưởng và chia sẻ.
Thể thơ mới đã được cộng hưởng và chia sẻ, nên trang Diễn đàn thơ 1-2-3 (được lập vào tháng 11/2022) thu hút gần 900 cây bút tham gia. Nhiều tập thơ 1-2-3 ra đời. Theo nhà thơ Phan Hoàng, sự thành công của thể thơ 1-2-3 thuộc về rất nhiều nhà thơ ở nhiều vùng miền của đất nước.
Tôi chỉ là người truyền cảm hứng, còn sự thành công hay thất bại của thể thơ này tùy thuộc vào các anh chị sáng tác thơ 1-2-3. Nhà thơ Phan Hoàng |
YÊN LAN