Với những người lầm lỗi đang thi hành án trong các trại giam, đọc sách không chỉ là hoạt động học tập, giải trí mà còn giúp họ có thêm cơ hội tiếp cận, tìm hiểu về chính sách, pháp luật, về quyền con người đối với phạm nhân. Từ đó, họ có thêm động lực, chí hướng phấn đấu, rèn luyện, định hướng nghề nghiệp, mở lối tương lai, tái hòa nhập cộng đồng khi trở về.
Buổi trưng bày, tuyên truyền giới thiệu sách, phục vụ đọc sách cho phạm nhân Trại giam Xuân Phước. Ảnh: THIÊN LÝ |
Mới đây, Thư viện tỉnh phối hợp với Trại giam Xuân Phước (Bộ Công an) tổ chức giới thiệu, phục vụ sách cho phạm nhân của trại. Những cảm nhận sâu sắc, chân thành của những phạm nhân sau khi đọc sách đã gây xúc động và lan tỏa tích cực đến nhiều người lầm lỗi khác.
Mở lối tương lai
Buổi trưng bày, giới thiệu, phục vụ đọc sách cho phạm nhân đã diễn ra với nhiều hoạt động bổ ích. Hơn 100 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam đóng ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân này đã được nghe các nhân viên Thư viện tỉnh giới thiệu và phục vụ hơn 500 đầu sách các loại.
Phần đọc bài cảm nhận của phạm nhân trước cả trăm bạn tù tạo cảm xúc mạnh mẽ nhất. Phạm nhân Phan Thanh Hồ đã viết: “Tôi luôn nhớ một câu nói của cha tôi dành cho tôi, đó là: “Nhẫn nhịn không phải là nhục đâu con à! Người biết nhẫn nhịn đó mới là người thông minh, trí tuệ và bản lĩnh”. Đúng vậy, mãi đến khi tôi đọc được cuốn sách viết về chữ Nhẫn, tôi mới thấy thấm thía và hiểu được câu nói sâu sắc của cha tôi. Cũng từ ấy, tôi nhận thấy rằng tuổi trẻ bồng bột và nông nổi, sự thiếu hiểu biết về pháp luật đã dẫn tôi vào con đường phạm tội. Để bây giờ, trong trại giam, tôi hối hận và ăn năn vô cùng. Tôi thấy tiếc cho bản thân vì đã không đọc sách nhiều hơn dẫn đến những sai phạm phải trả giá. Tôi mong muốn, tất cả mọi người có thể đọc sách nhiều hơn nữa, bởi sách đem đến cho chúng ta rất nhiều tri thức để hoàn thiện bản thân mình hơn”.
Được biết, Phan Thanh Hồ phạm tội cướp tài sản với án phạt là 8 năm 6 tháng tù. Theo phạm nhân này, việc đọc sách không chỉ để tìm hiểu kiến thức mà còn để nhìn nhận lại quá khứ bất hảo. “Đọc sách giúp tôi nhận rõ tội lỗi về hành vi vi phạm pháp luật của mình, từ đó biết hối cải, có hướng cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, xã hội, có thể làm tròn trách nhiệm của một người con với cha mẹ, một người cha với con cái”, Phan Thanh Hồ bày tỏ.
Sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ nên từ nhỏ, phạm nhân Lê Huyền Như được gia đình chăm lo rất chu đáo. Không lấy đó làm bệ đỡ để học hành chăm chỉ, Như lại ham chơi hơn ham học, thích đánh nhau để thể hiện cái tôi trước bạn bè. Cứ thế, Như trượt dài vào con đường ăn chơi, đua đòi và rồi phải trả giá cho việc làm của mình bằng bản án 13 năm 6 tháng tù giam về tội giết người và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Đánh mất tương lai, tuổi trẻ và sự kỳ vọng của gia đình dành cho mình, Như chán nản và suy sụp. Sau khi được cán bộ quản giáo giới thiệu, hướng dẫn và động viên, khuyến khích đọc sách tại thư viện trại giam, Như như tìm được ánh sáng cuộc đời. “Điều thay đổi đầu tiên của bản thân mà tôi nhận thấy sau khi đọc sách là khả năng viết của mình. Trước đây, tôi chưa bao giờ viết thư cho gia đình, bởi tôi không biết cách thể hiện suy nghĩ thông qua câu chữ. Bây giờ, tôi có thể dễ dàng diễn đạt tình cảm đối với người thân qua những trang thư. Sự thay đổi này đã nhen nhóm lên khao khát được học hỏi trong tôi. Bây giờ, ngày nào không đọc sách là tôi cảm thấy khó chịu. Tôi đọc để bù lại những năm tháng đã bỏ phí...”, Như trải lòng.
Các phạm nhân ở Trại giam Xuân Phước chọn sách để đọc. Ảnh: THIÊN LÝ |
Như những giọt mưa xuân
Những năm gần đây, thông qua chương trình phối hợp giữa ngành VH-TT&DL và ngành Công an, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho phạm nhân trong các trại giam được các cấp quan tâm, phối hợp triển khai. Theo đó, việc phục vụ sách báo đối với phạm nhân được Thư viện tỉnh tổ chức thường xuyên, định kỳ hàng năm.
Công tác phối hợp phục vụ đọc sách cho phạm nhân giữa Thư viện tỉnh và các trại giam ngoài yếu tố về chuyên môn hay thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, còn có yếu tố rất quan trọng là tính nhân văn - tôn trọng và yêu thương con người. Điều đó thể hiện qua việc chọn sách cho các trại giam sao cho phù hợp với từng đối tượng người đọc vào từng hoàn cảnh, hiểu rõ người đọc cần gì. Vì vậy, ngoài các thể loại sách phổ thông về khoa học, lịch sử, văn học…, những cuốn sách tuyên truyền pháp luật của Đảng, Nhà nước và sách giáo dục đạo đức, về tình yêu quê hương đất nước, gương người tốt, việc tốt... là những cuốn sách cần có. Những công việc thầm lặng chuyển tải tri thức của cán bộ quản giáo và cán bộ Thư viện tỉnh như những giọt mưa xuân tưới mát tâm hồn những người một thời lầm lỡ bằng kiến thức về văn hóa, đạo đức, giá trị của cuộc sống, về chân - thiện - mỹ, từng chút một thẩm thấu, để từ đó mở mang khai trí, định hướng tương lai xán lạn bằng ý chí và hành động, yên tâm cải tạo, học tập, rèn luyện, trân trọng giá trị của tự do, tình yêu thương con người để sớm trở về với gia đình và xã hội.
Bà Võ Thị Nguyễn Huệ, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ: “Chương trình này nhằm phát huy tính hiệu quả của hoạt động thư viện trong việc đẩy mạnh văn hóa đọc; thể hiện tính giáo dục, tính nhân văn góp phần vào việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cho phạm nhân. Chương trình cũng góp phần duy trì và phát triển phong trào đọc sách, tạo điều kiện tốt nhất cho phạm nhân của trại có cơ hội đọc và làm theo sách. Từ đó định hướng tư tưởng, tình cảm, giáo dục ý thức pháp luật cho họ trở thành người có ích khi trở lại cộng đồng”.
Hiện nay ở Trại giam Xuân Phước có khoảng 2.500 đầu sách. Để tăng cường nguồn lực sách thêm phong phú, từ đầu năm 2023 đến nay, Thư viện tỉnh đã luân chuyển 1.500 đầu sách các loại cho trại giam. Ngoài giờ lao động, cải tạo, phạm nhân có thể đến thư viện đọc sách. Những phạm nhân có nhu cầu mượn sách được cán bộ trại giam tạo điều kiện để mượn về đọc tại buồng giam. Bên cạnh việc hướng dẫn, vận động phạm nhân đọc sách, trại giam còn tổ chức các cuộc thi “Viết cảm nhận về sách”, tìm hiểu kiến thức thông qua các cuộc thi bằng cách diễn thuyết hay sân khấu hóa những kiến thức từ sách đã đến được với phạm nhân. Và đó cũng là cách truyền đạt, thu hút ngày càng nhiều phạm nhân sử dụng thời gian nghỉ để đọc sách, tiếp cận với tri thức nhân loại.
Theo trung tá Nguyễn Đình Hậu, Phó Giám thị Trại giam Xuân Phước, việc hình thành thói quen đọc sách cho phạm nhân góp phần vào việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là hỗ trợ công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Với những người lầm lỗi thì đọc sách không chỉ là việc giải trí mà còn giúp họ hiểu thêm về các chế độ, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, qua đó có thêm động lực, hướng phấn đấu cải tạo tốt. “Trao cho phạm nhân những trang sách giống như trao những tia hy vọng, giúp họ nhen nhóm, thắp lên tương lai tốt đẹp, làm cho con đường hoàn lương trở nên gần hơn”, trung tá Nguyễn Đình Hậu nhấn mạnh.
THIÊN LÝ