Bàn về sách nói

Thứ ba - 09/05/2023 12:03
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay, bạn đọc ngày càng có xu hướng đọc sách bằng hình thức nghe từ sách nói. Đây là loại sách vừa tiện lợi lại tiết kiệm thời gian cho nhiều người.

Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay, bạn đọc ngày càng có xu hướng đọc sách bằng hình thức nghe từ sách nói. Đây là loại sách vừa tiện lợi lại tiết kiệm thời gian cho nhiều người.

 

Tham gia buổi giao lưu về sách nói vừa diễn ra trong khuôn khổ Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ VI năm 2023, độc giả công nghệ Lâm Bách, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Giáo dục & Giải trí Lâm Thị Đại Thành và chị Tứ Diệp Thảo, Giám đốc truyền thông Voiz FM - đơn vị phát triển ứng dụng nền tảng sách nói tiên phong tại Việt Nam từ năm 2019 đã cùng chia sẻ về nội dung này.

 

Xu hướng mới

 

Từ xưa, ông cha ta đã rất đề cao tầm quan trọng của sách, coi sách như gia tài đáng giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cái. Ngạn ngữ Việt Nam có câu Để vàng để bạc chẳng bằng để sách cho con. Tuy nhiên, hình ảnh mọi người cầm quyển sách để tìm kiếm tin tức hay học tập, giải trí ngày càng ít dần. Trong bối cảnh đó, sách nói ngày càng “lên ngôi” khi nhiều người có xu hướng tìm đến loại sách vừa tiện lợi lại vừa tiết kiệm thời gian.

 

Chị Tứ Diệp Thảo cho biết: “Thay vì chữ in trên trang giấy thì sách nói sẽ được thể hiện bằng các file âm thanh. Hiểu một cách đơn giản, bình thường người đọc phải lật từng trang sách để đọc, bây giờ có người đọc cho mình nghe, nghe trên website hoặc trên điện thoại di động”.

 

Theo chị Thảo, trên thế giới, sách nói ra đời đầu tiên ở nước Mỹ vào năm 1930. Lúc đó, sách nói ra đời để phục vụ cho các bệnh nhân lớn tuổi và những người khiếm thị. Dần dần theo đà phát triển của công nghệ, sách nói đã làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của con người. Ngày trước, con người tiếp nhận thông tin qua báo chí, sau đó đến truyền hình và giờ là thời đại của internet. Hơn nữa, trong cuộc sống hiện nay, ai cũng trang bị cho mình ít nhất một chiếc điện thoại di động, máy tính để làm việc và học tập, vì vậy, sách nói dần dần trở thành xu hướng.

 

Ở Việt Nam, 3 năm trở lại đây, đặc biệt từ giai đoạn dịch COVID-19, cùng với phong trào chuyển đổi số do Bộ TT&TT phát động, sách nói đã len lỏi đến từng nhà.

 

Là một độc giả công nghệ, anh Bách chia sẻ: “Thời điểm kinh tế còn khó khăn, để tiếp cận với sách, tôi phải đi mượn sách, thuê sách. Mục đích là làm những gì tiết kiệm nhất để tiếp cận văn hóa đọc. Khi internet phát triển, tôi tiếp cận với sách PDF hoặc các file kỹ thuật số để đọc. Đến năm 2021, khi nghe giới thiệu trên chương trình truyền hình Shark tank, tôi biết đến ứng dụng có thể thay đổi tốc độ đọc và có dụng AI, big data để đọc sách (ứng dụng người nghe khó phân biệt được đâu là giọng thật, đâu là giọng AI). Tôi đã thử tải ứng dụng về nghe và sử dụng tới bây giờ”.

 

 

Lãnh đạo Sở TT&TT, Sở GD&ĐT tặng hoa cho các khách mời tham gia giao lưu về sách nói. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Tiện ích của thời đại công nghệ số

 

“Nói về sách nói, phải nói tới lợi ích của chúng để biết tại sao chúng dần trở thành xu hướng như vậy!”, chị Tứ Diệp Thảo chia sẻ. Đầu tiên, phải nói đến lợi ích giúp con người tiết kiệm thời gian. Những người dùng sách nói đa phần tìm đến chúng vì tính năng này. Vì sách nói giúp con người tận dụng được thời gian “chết” như: tập thể dục, nấu ăn, làm việc, đi tàu xe... Thứ hai là liên quan đến sở thích cá nhân. Không phải ai cũng thích đọc sách. Đây không phải là việc có ý thức hay không mà chỉ đơn giản là có nhiều người nhìn vào một trang sách có quá nhiều chữ đã thấy buồn ngủ hoặc không đủ sức kiên nhẫn với những tác phẩm kinh điển cả mấy nghìn trang. Như vậy, sách nói sẽ giúp ích trong trường hợp này. Song ưu điểm lớn nhất của sách nói là con người có thể mang cả một thư viện đi bất cứ nơi đâu chỉ trong một chiếc điện thoại.

 

Theo chị Thảo, trong quá trình phát triển sách nói, đội ngũ Voiz FM đã tạo ra những tính năng, quan tâm đến trải nghiệm của người dùng như: tiếp nhận thông tin thế nào, các thông điệp được truyền tải ra làm sao... Đặc biệt, một trong những yếu tố quyết định, đó là giọng đọc. Bên cạnh giọng đọc thì giao diện có mượt hay không, có bị giật hay không, các tính năng để tải về nghe offline cũng là điều quan trọng. Ngoài ra, đội ngũ còn tạo tính năng hẹn giờ, khả năng tự tạo thư viện cá nhân. Rồi dựa trên tất cả lịch sử nghe, Voiz FM còn gợi ý cho người dùng những đầu sách phù hợp theo thói quen nghe của người dùng. Đó là những thủ thuật mà Voiz FM cố gắng để tạo ra một cộng đồng mà ở đó đều là những người thích đọc, phát triển bản thân mình hơn. Theo thống kê, năm 2022 trung bình một người dùng Voiz FM nghe/đọc 6,8 quyển sách/năm. Điều đó khiến Voiz FM tự hào trong phong trào lan tỏa văn hóa đọc.

 

“Sách nói đang là xu hướng nhưng nó không thể nào thay thế được sách giấy đọc truyền thống, bởi cái cảm giác cầm cuốn sách trên tay, hít hà mùi sách là một cảm giác không thể thay thế được”, chị Thảo khẳng định và cho rằng, sách nói là giải pháp cho con người khi không có thời gian và không gian nhưng vẫn muốn đọc, phát triển bản thân.

 

Tương tự, anh Bách cho rằng: Sách nói sẽ là tiện ích đáp ứng nhu cầu đọc mọi lúc mọi nơi. Còn việc đi lựa một cuốn sách giấy cùng bạn bè hay người thân sẽ mang lại nhiều cảm giác thích thú hơn. Sách nói là một hình thức mới có thể cân nhắc khi có nhu cầu tiếp cận tri thức. Giống như khi chúng ta muốn vào TP Hồ Chí Minh sẽ có nhiều cách thức khác nhau và chúng ta phải chọn một phương tiện phù hợp với mình nhất. Có lúc mình tranh thủ đọc vài trang sách giấy, tiện thì xem ebook, nghe youtube tổng hợp kiến thức, hoặc sau một ngày làm việc mệt mỏi thì tua lại đoạn sách nói còn dang dở để nghe tiếp...

 

Theo anh Bách, đã là phương tiện, giải pháp hỗ trợ thì sách nói cần tiếp tục được đầu tư và nâng cấp nhiều hơn nhằm tạo điều kiện tiếp cận đa dạng, góp phần giúp người dùng có những trải nghiệm thú vị khi dùng sách nói. “Với mục đích trên, hiện tôi đang chuẩn bị một dự án phát triển văn hóa đọc và hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận sách nhiều hơn. Đặc biệt là giúp người khiếm thị có thể tiếp cận tri thức thông qua sách nói...”, anh Bách chia sẻ.

 

Còn theo ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc Sở TT&TT, cuộc sống hiện đại gấp gáp hơn, ít có thì giờ hơn cho sách, nên muốn nhiều người đến với sách, tất yếu phải có sự thay đổi trong cách viết sách và phát hành sách. “Nếu sách có phiên bản tóm tắt, chắc chắn người Việt Nam mỗi năm sẽ đọc nhiều sách hơn. Công nghệ hiện nay hỗ trợ việc này rất nhiều: phiên bản ngắn có thể do tác giả viết, cũng có thể do nhà xuất bản làm, hoặc trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp chúng ta”, ông Hưng nói.

 

Thay vì chữ trên những trang giấy thường thấy thì sách nói sẽ được thể hiện bằng các file âm thanh. Hiểu một cách đơn giản, bình thường người đọc phải lật từng trang sách ra đọc, bây giờ có người đọc cho mình nghe, nghe trên website hoặc trên điện thoại di động.

 

Giám đốc truyền thông Voiz FM Tứ Diệp Thảo

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp