Lễ vía Bà - Cầu cho đời sống ấm no

Thứ tư - 17/05/2023 00:06
Tại Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn (TP Tuy Hòa), lễ vía Bà đã diễn ra với nhiều hoạt động thu hút đông đảo người dân khắp trong và ngoài tỉnh.

Tại Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn (TP Tuy Hòa), lễ vía Bà đã diễn ra với nhiều hoạt động thu hút đông đảo người dân khắp trong và ngoài tỉnh.

 

Đây là hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na (Bà) nói riêng, thờ Mẫu nói chung, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, đời sống no ấm. Với những giá trị văn hóa tâm linh đặc biệt, lễ vía Bà đã trở thành sự kiện thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tìm về.

 

Tín ngưỡng thờ Mẫu

 

Sự tích về Thiên Y A Na được lưu truyền qua các tài liệu thành văn, bia ký…, đặc biệt là qua rất nhiều truyện kể dân gian mà cốt lõi dựa trên truyền thuyết về Nữ thần xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm trên dải đất miền Trung và Nam Trung Bộ, từ Huế đến Bình Thuận.

 

Tại Phú Yên còn lưu lại một cách rõ nét nhất những dấu tích về Bà là các đền thờ, am, miếu, đặc biệt là tháp Nhạn.

 

Theo truyền thuyết, sự ra đời của tháp Nhạn bắt nguồn từ câu chuyện tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần. Bà chỉ dạy cho người dân địa phương tất cả mọi thứ từ cấy cày, dệt vải, kéo sợi… để mưu sinh. Sau khi tiên nữ quay trở lại cõi tiên, người dân Chăm Pa vì thương nhớ và muốn khắc ghi công ơn của người nên xây tháp để phụng thờ bà. Trong tâm thức của người dân, Thánh Mẫu Thiên Y A Na tuy chỉ là một vị thần theo truyền thuyết, nhưng đã được cư dân Việt và Chăm thờ phụng rất tôn nghiêm và được triều đình nhà Nguyễn, dưới triều vua Gia Long, xếp vào bậc “Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng Thượng Đẳng Thần”, “Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tưởng Trang Huy Thượng Đẳng Thần”.

 

Năm nay, lễ vía Bà được tổ chức vào ngày 9-11/5 (tức 20-22/3 Quý Mão). Những phong tục, nghi thức truyền thống đã được người dân địa phương và khách thập phương hoan hỉ thực hiện, như: dâng hương lên bàn thờ Mẫu, múa bóng, hầu đồng, phát lộc… Với nhiều du khách lần đầu đến với lễ vía này, đây là dịp để trải nghiệm tâm linh đặc biệt đã khắc họa nên diện mạo tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống trên dải đất miền Trung.

 

Bà Nguyễn Thị Lệ Linh ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) chia sẻ: “Làm gì làm, cứ đến thời gian này là tôi lên tháp Nhạn cúng bái, dâng lên Thánh Mẫu lễ vật, như gà, trái cây, nước ngọt... để cầu cho mọi người có cuộc sống yên lành, vui vẻ, làm ăn có tiền bạc, con cháu đề huề”.

 

Địa chỉ văn hóa tâm linh

 

Xuyên suốt trong 3 ngày lễ vía diễn ra hầu như không lúc nào không có người đến viếng, bày biện lễ vật trước cửa tháp. Phụ nữ và đàn ông tham gia lễ vía Bà đều mặc trang phục Chăm truyền thống. Mọi thứ đều được chuẩn bị tươm tất thể hiện sự tôn kính đối với Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Sau khi thực hiện xong nghi thức chính, những phụ nữ Chăm bắt đầu biểu diễn những vũ điệu linh thiêng. Với họ, đây là cách chào đón các vị thần linh.

 

Bà Đặng Thị Sanh (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) cùng hơn 30 người khác đã không quản đường sá xa xôi ra Phú Yên để thực hiện tín ngưỡng thờ cúng theo phong tục văn hóa đồng bào Chăm. Theo bà Sanh, nơi nào có đền, tháp là người Chăm đều đến để dâng lễ vật cầu cho dân làng bình an, sức khỏe, con cháu có cuộc sống đủ đầy. Bắt đầu từ tháng Giêng âm lịch, nghi lễ này đã được người Chăm thực hiện và họ xem đó là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc mình. Vì vậy, năm nào cũng thế, người trong làng đi hết tháp Chăm này đến tháp Chăm khác của các tỉnh từ Bình Thuận, Ninh Thuận đến Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… để bày tỏ lòng thành kính thần linh.

 

“Chúng tôi luôn tự hào về những ngôi tháp Chăm. Nó không chỉ có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật mà còn có ý nghĩa văn hóa tín ngưỡng, tâm linh. Hằng năm, người Chăm thường tổ chức nhiều hoạt động tại các ngôi tháp như: lễ Kate, hội Rija, Roya, Pok Băng Yang... Qua đó tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, những người có công với đất nước. Đây là phong tục lâu đời của đồng bào Chăm, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên sẽ được cha mẹ chỉ dạy và tiếp tục noi theo người xưa”, bà Sanh chia sẻ.

 

Theo ông Nguyễn Huỳnh Trung, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Tuy Hòa, lễ vía Bà năm 2023 đã thu hút 24 đoàn trong và ngoài tỉnh tham gia, trong đó có đồng bào Chăm ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa... Mỗi đoàn tham gia hành lễ từ 30-50 người. Hình thức hành lễ là dâng các loại lễ vật, hoa quả, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp... “Đây là hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng truyền thống diễn ra hàng năm. Hoạt động này nhằm tuyên truyền giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; quảng bá tiềm năng du lịch, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, con người Phú Yên và các sản phẩm du lịch tới du khách. Đồng thời từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của TP Tuy Hòa nói riêng và xứ hoa vàng cỏ xanh nói chung”, ông Trung cho biết.

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp