Thư cho em là câu chuyện tình yêu đặc biệt của thiếu tướng Hoàng Đan, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Cục Khoa học Quân sự), Bộ Quốc phòng và vợ ông, ĐBQH Nguyễn Thị An Vinh. Chuyện tình được con trai út của họ - doanh nhân Hoàng Nam Tiến - kể lại bằng ký ức của mình cùng hơn 400 bức thư của ba mẹ gửi cho nhau trong suốt những năm tháng cách xa.
Sách Thư cho em. Ảnh: BÍCH DUYÊN |
Một câu chuyện tình yêu có thật, mang tính riêng tư đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt khi chuyển tải được những thông điệp sâu xa. Thế nên, từ lúc ra mắt bạn đọc vào tháng 4/2024, đến nay, tác phẩm Thư cho em đã được tái bản 8 lần và vượt mốc 30.000 bản - một thành tích vượt xa kỳ vọng của chính tác giả và những người góp phần làm ra quyển sách này.
Bản tình ca thời chiến
Thư cho em gồm bốn phần: Đi Điện Biên Phủ về, ta cưới!; Hương gây mùi nhớ; Thư cho em giữa hai bên súng địch ta vẫn nổ; Về đây bên nhau, tương ứng các chặng đường tình yêu: từ những ngày đầu gặp gỡ, nảy sinh tình cảm, nên duyên vợ chồng, cách xa vì chiến tranh, cho đến khi đoàn tụ bên nhau mãi mãi.
Cũng như bao đôi lứa yêu nhau thời ấy, phần lớn thời gian thiếu tướng và vợ phải sống xa nhau: ăn hỏi vào mùa xuân năm 1953 thì thiếu tướng đi chiến dịch Điện Biên Phủ, cưới nhau khi miền Bắc đã hòa bình nhưng người ở Hà Nội, kẻ ở Lạng Sơn công tác, sau đó thì người về lại Hà Nội và người đi Liên Xô học cao cấp quân sự.
Khi về nước, thiếu tướng liên tục tham gia các chiến dịch Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Trị - Thiên, Thượng Đức, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, rồi sau đó lại ngược lên tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc đến tận năm 1984. Suốt những năm tháng cách xa đó, những lá thư họ gửi cho nhau đã trở thành những sợi “lạt mềm”, “buộc chặt” tình yêu của hai người.
Bản tình ca vắt qua hai thế kỷ giữa thiếu tướng Hoàng Đan và vợ trải qua biết bao cung bậc cảm xúc: những rung cảm xao xuyến mà âm thầm khi bắt đầu, tiếp nối với những nhớ thương da diết và mãnh liệt, có khi bão dông vì giận hờn, cách trở, rồi lại êm đềm, hiền hòa khi được ở bên nhau. Đó là những cảm xúc mà tình yêu thời nào cũng có, nhưng có lẽ, câu chuyện tình yêu này chạm đến trái tim bạn đọc một cách sâu xa là bởi vì sự trìu mến mà họ dành cho nhau.
Những dòng thư họ viết, như: “Vợ chồng nào thì cũng thương nhớ, nhưng anh vẫn cảm thấy vợ chồng mình thương nhau nhớ nhau nhất. Nhiều người nói khi đã đứng tuổi thì niềm thương nỗi nhớ cũng đứng lại. Anh thì thấy ngược lại. Càng ngày càng thương nhớ em nhiều hơn…”, “Còn anh nói em yêu anh như thế nào? Em cũng chịu, nói sao được, chỉ thấy yêu nhiều lắm, không giờ phút nào là không nghĩ đến anh. Yêu nhiều lắm chắc anh cũng biết chứ?”, mọi lời đều giản dị, chân phương, nhưng ẩn chứa một tình yêu nồng nàn, tha thiết.
Điều này đã trở thành động lực để chàng thanh niên Hoàng Đan đạp xe hàng nghìn cây số, băng qua mọi hiểm nguy trên đường đi, chạy đua với thời gian để về hỏi vợ và quay lại nhiệm vụ ngay trong đêm. Đây cũng trở thành sức mạnh để cả hai vượt qua thử thách của sự cách xa vì chiến tranh, vì các nhiệm vụ chính trị của mỗi người. Và cũng là điểm tựa vững chắc để dẫu có đối diện với những vướng mắc trong cuộc sống hôn nhân vốn nhiều vụn vặt nhưng có thể “giết chết” tình yêu một cách lặng lẽ, cả hai vẫn biết cách giữ lấy ngọn lửa tình yêu cho đến tận cuối cuộc hành trình của đời mình.
Tình yêu của thiếu tướng và vợ là minh chứng sống động, đẹp đẽ cho sức mạnh vô song của tình yêu thời chiến. Sự hòa quyện giữa tình yêu đất nước và tình yêu đôi lứa cũng là một nét đẹp đặc biệt của tình yêu thế hệ này, hay nói cách khác, “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau” (lời thơ Nguyễn Mỹ), để rồi khi đất nước được bình yên, họ cũng “biết” sống gần nhau. Những giai điệu của tình yêu đôi lứa vừa hòa trong âm vang anh hùng ca của thời đại, vừa ngân lên những thanh âm dịu dàng và da diết. Và có thể nói, đó chính là âm hưởng của bản tình ca này vậy.
Ngân vang đến thời bình
Đọc Thư cho em, người đọc thế hệ hôm nay còn được tiếp xúc với chân dung một tướng trận luôn dấn thân vào chiến trường, bất kể tình yêu với vợ, với con lớn lao và tha thiết đến bao nhiêu cũng không ngăn được. Khi bị vợ trách là người “hiếu chiến”, ông đã viết: “Anh muốn anh vất vả để các con chúng ta được học hành đến nơi đến chốn và nhất là anh hy vọng nếu có điều kiện học tập thì An và Hải có thể trở thành những nhà bác học tương lai được”.
Chiến đấu với ông, là lo cho nước, nhưng đồng thời cũng là lo cho thế hệ mai sau. Trách nhiệm của một người đi trước là phải làm cho trọn nhiệm vụ lịch sử của mình, không thể để cho thế hệ sau phải tiếp tục gánh vác nhiệm vụ mà mình còn đang thực hiện dang dở. Thư cho em, vì thế không chỉ là câu chuyện tình yêu đôi lứa, vợ chồng, mà còn là tình yêu và trách nhiệm với con cái, với thế hệ mai sau. Thế hệ cha anh đã chiến đấu không phải vì những lý tưởng chung chung, sáo rỗng, mà họ đã thực sự tìm thấy sức mạnh chiến đấu trong những điều giản dị mà lớn lao, cụ thể mà phổ quát như thế.
Bên cạnh người chồng mạnh mẽ, dũng cảm, quyết đoán, tài giỏi nhưng vô cùng trìu mến với vợ con, đồng đội, hình ảnh người vợ trong câu chuyện cũng khiến người đọc thán phục và suy ngẫm. Chồng đi xa, một mình bà chăm sóc con cái, gia đình hai bên, vừa nỗ lực học tập và công tác để góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Đặc biệt, ý nghĩ để giữa mình với chồng không có quá nhiều khoảng cách trong nhận thức, suy nghĩ và địa vị đã thôi thúc một người phụ nữ phải đi ở mướn từ năm 8 tuổi bất kể cuộc sống khó khăn vất vả đến đâu vẫn không ngừng học tập. Hành trình của bà luôn được chồng động viên, khích lệ qua những lá thư từ chiến trường, từ Liên Xô xa xôi.
Và bà đã cho thấy bản lĩnh của một người phụ nữ thời chiến, dù ở hậu phương nhưng vẫn không ngừng “chiến đấu” để làm tốt trách nhiệm, đồng thời cũng khẳng định được bản thân với một sức mạnh thể chất lẫn tinh thần bền bỉ và kiên cường.
Thư cho em không chỉ giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về tình yêu thời chiến, mà còn thực sự truyền đi thông điệp mạnh mẽ về sức mạnh, vẻ đẹp và sự thiêng liêng của tình yêu đôi lứa. Dẫu trong khói bom đạn lửa, dẫu trong muôn trùng cách xa, tình yêu ấy vẫn bền chặt, thủy chung, sắt son, dịu dàng và trìu mến. Song câu chuyện tình yêu giữa họ cũng đã cho thấy, để có được tình yêu ấy, cả hai đã phải nỗ lực nhiều đến nhường nào.
Bên cạnh việc phải hy sinh niềm hạnh phúc được ở cạnh nhau, họ phải không ngừng nỗ lực để thấu hiểu, chia sẻ, an ủi, động viên, bảo ban nhau trong từng việc nhỏ nhất, như cách người chồng dặn dò vợ cần mua cái gì cho chính bà, mua cái gì cho con, làm sao để bà bớt vất vả…; như khi người vợ dặn dò chồng đừng mua cái này mà hãy mua cái kia, kể chuyện của các con và gia đình, chẳng mấy khi có lời than vãn, oán trách vì chồng không ở bên mà mình lại muôn phần vất vả...
Chính ở những hành động như thế này, người đọc càng thêm nhận ra giữa họ không chỉ có tình yêu, mà còn có sự tôn trọng, tình thương, và những nỗ lực lớn lao để dưỡng nuôi cho tình yêu thuở ban đầu được vững chãi, bền lâu.
Thời gian vùn vụt trôi. Những nhân chứng thời chiến cùng những ký ức của họ đang dần mất đi. Trách nhiệm lưu giữ và trao truyền đang được đặt trên vai thế hệ sau. Tác giả Hoàng Nam Tiến không chỉ giữ lại, mà còn giúp những kỷ vật tình yêu của ba mẹ được trường tồn với thời gian bằng việc kể lại câu chuyện của họ.
Một câu chuyện vừa gieo vào lòng người đọc niềm tin sâu sắc vào tình yêu, gợi mở những bài học về cách giữ cho tình yêu vượt qua bao thử thách ngoại cảnh lẫn trong nội tâm mỗi người, giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về thế hệ cha anh cũng như một giai đoạn lịch sử của đất nước. Vì vậy, Thư cho em chính là một bản tình ca thời chiến mà những thanh âm, giai điệu vẫn sẽ luôn ngân vang trong lòng những ai đã một lần lắng nghe…
Thư cho em - một câu chuyện vừa gieo vào lòng người đọc niềm tin sâu sắc vào tình yêu, gợi mở những bài học về cách giữ cho tình yêu vượt qua bao thử thách ngoại cảnh lẫn trong nội tâm mỗi người, giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về thế hệ cha anh cũng như một giai đoạn lịch sử của đất nước. |
BÍCH DUYÊN