Tuy An: Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tại các khu di tích

Thứ ba - 28/07/2020 21:49
Sáng 28/7, Đoàn Thanh tra của Bộ VH-TT-DL tổ chức kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ, bảo quản tu bổ, tôn tạo 3 di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện Tuy An

Sáng 28/7, Đoàn Thanh tra của Bộ VH-TT-DL tổ chức kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ, bảo quản tu bổ, tôn tạo 3 di tích cấp quốc gia trên địa bàn huyện Tuy An, gồm Di tích Mộ - Đền thờ Lê Thành Phương, Địa điểm nơi diễn ra vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh và Di tích lịch sử nghệ thuật Chùa Từ Quang.

 

Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương được xây dựng vào năm 1971, tại thôn Mỹ Phú I, xã An Hiệp, huyện Tuy An. Năm 1996, mộ và đền thờ danh nhân Lê Thành Phương được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh xảy ra tại khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh ngày nay. Nơi đây, vào ngày 7/9/1954, ba đại đội thuộc Tiểu đoàn 10 lính ngụy đã gây ra vụ thảm sát đẫm máu, làm 79 người dân chết và 76 người bị thương. Để tưởng nhớ tinh thần đấu tranh và sự hy sinh anh dũng của nhân dân huyện Tuy An, chính quyền địa phương đã xây dựng Đài tưởng niệm tại trung tâm thị trấn Chí Thạnh. Năm 1997, nơi diễn ra vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh được Bộ VH-TT công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Chùa Từ Quang hay còn gọi là chùa Đá Trắng được xây dựng từ năm 1797 (Đinh Tỵ) dưới triều vua Quang Toản nhà Tây Sơn. Năm 1997, chùa Đá Trắng được Bộ VH-TT công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

 

Hiện cả 3 di tích cấp quốc gia này đã được thực hiện quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, điều chỉnh, cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng đã lâu, nên Di tích lịch sử cấp quốc gia Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương đã bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được trùng tu, tôn tạo, gây ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa của di tích.

 

Qua kiểm tra, Đoàn Thanh tra của Bộ VH-TT-DL đánh giá cao về công tác quản lý nhà nước đối với các di tích của huyện Tuy An; thực hiện bảo vệ tốt các yếu tố gốc cấu thành di tích, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân. Tuy nhiên, đoàn yêu cầu địa phương sớm thành lập ban quản lý các di tích. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm di tích nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

 

KHẮC NHO

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp