Để trẻ em tự tin, phát triển toàn diện

Chủ nhật - 17/11/2024 01:40
Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em quy định: Trẻ em có quyền tự do bày tỏ ý kiến; các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình… Vậy nên, tiếng nói trẻ em cần được cha mẹ, người nuôi dưỡng, cộng đồng ghi nhận và tôn trọng. Qua đó tạo dựng môi trường, tâm lý tự tin để trẻ phát triển toàn diện, phát huy được tố chất và tiềm năng.
Để trẻ em tự tin, phát triển toàn diện

Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em quy định: Trẻ em có quyền tự do bày tỏ ý kiến; các quốc gia thành viên phải bảo đảm cho trẻ em có đủ khả năng hình thành quan điểm riêng của mình… Vậy nên, tiếng nói trẻ em cần được cha mẹ, người nuôi dưỡng, cộng đồng ghi nhận và tôn trọng. Qua đó tạo dựng môi trường, tâm lý tự tin để trẻ phát triển toàn diện, phát huy được tố chất và tiềm năng.

 

Theo khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (tổ chức phi chính phủ), sự tham gia của trẻ em ở gia đình có những lát cắt tích cực thể hiện qua tỉ lệ trẻ em thường xuyên và rất thường xuyên được lắng nghe, tôn trọng ý kiến từ cha mẹ (56,7%).

 

Lắng nghe ý kiến của trẻ

 

Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH)), những năm qua, các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.

 

Việc thực hiện những quyền cơ bản của trẻ em, các mục tiêu vì trẻ em đã đạt được kết quả nhất định. Trẻ em ngày càng được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn, được ưu tiên và khẳng định trong đường lối, chính sách và trong kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.

 

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số trẻ em chưa từng nghe và biết đến quyền trẻ em, nhất là trẻ em vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa…

 

Qua khảo sát, trường học là nơi trẻ em tiếp cận thông tin và hoạt động xã hội nhưng chưa có nhiều cơ hội để các em được tự tin bày tỏ ý kiến. Cụ thể, 63% học sinh chưa bao giờ trao đổi với lãnh đạo nhà trường, cảm thấy các vấn đề về tình bạn khác giới vẫn là chủ đề nhạy cảm, khó chia sẻ. Tại cộng đồng, mức độ tham gia của trẻ em còn khá thấp so với gia đình và trường học...

 

Em Đặng Ngọc Phước, 15 tuổi, ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) nói: Gia đình em thuộc diện hộ cận nghèo, ba mẹ làm nông vất vả nên em phải phụ việc nhà. Em không có thời gian tham gia các hoạt động, sinh hoạt cùng các bạn nên ít có cơ hội giao lưu với bạn bè đồng trang lứa.

 

Ông Lê Văn Tính, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Hòa cho rằng việc trao đổi với lãnh đạo nhà trường luôn là điều mà học sinh rất ngại. Do đó, thầy cô nên thường xuyên dành thời gian trong các tiết học, trò chuyện để hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của các em, đồng thời nhắc nhở, động viên các em...

 

Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện

 

Theo Sở LĐTB&XH, các địa phương trong tỉnh đang duy trì hoạt động 9 CLB Quyền tham gia của trẻ em với hơn 270 học sinh các trường THCS và 1 CLB Phóng viên nhỏ.

 

“Tùy chủ đề hằng tháng, các CLB này tập trung tuyên truyền, sinh hoạt các nội dung liên quan như: Tìm hiểu kiến thức pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ em; phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời trang bị kỹ năng sống cần thiết; giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ kiến thức xã hội, kinh nghiệm học tập, rèn luyện kỹ năng giao tiếp…”, bà Thy cho biết.

 

Em Trương Hoàng Quốc Anh, thành viên CLB Quyền tham gia của trẻ em huyện Sơn Hòa chia sẻ: Em tham gia CLB được 2 năm. CLB có 15 thành viên. Hằng tháng, quý, chúng em chọn chủ đề phù hợp với thực tế để trao đổi, thảo luận, kiến nghị với trường, với lãnh đạo địa phương để xem xét, cho ý kiến. Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường đang tái diễn, nên có thể kỳ sinh hoạt tới, chúng em sẽ chọn chủ đề này để thảo luận và gởi kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để tìm hướng giải quyết.

 

Toàn tỉnh có 164.268 trẻ em, trong đó trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm 0,57%, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt 11.964 em. Để từng bước xây dựng môi trường sống nói chung và môi trường học đường an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, đưa ra giải pháp để giúp các em có môi trường sống an toàn.

 

Đặc biệt, để thực hiện các quyền trẻ em, tỉnh còn lập đường dây nóng hỗ trợ trẻ em và kết nối với Tổng đài quốc gia 111 để hướng dẫn, hỗ trợ, can thiệp và kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em cho các trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục hoặc trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, trẻ em gặp các vấn đề về tâm lý ở các địa phương.

 

Mặt khác, Sở LĐTB&XH cũng đã tổ chức các lớp truyền thông, vận động xã hội về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại các trường học, cộng đồng… Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ của cộng đồng, gia đình, nhà trường về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; đảm bảo cho mọi trẻ em được bảo vệ, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, giảm nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, tai nạn thương tích...

 

“Thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền trong xây dựng và thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em ở địa phương; tổ chức các hình thức tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, trường học về quyền tham gia của trẻ em…”, bà Thy đề xuất.

 

HOÀNG LÊ

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp