Gìn giữ mái ấm gia đình

Thứ tư - 27/11/2024 02:19
Hiện nay, không ít gia đình phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức từ cuộc sống hiện đại. Nhìn vào nhiều gia đình trẻ hiện nay có thể thấy ngay rằng, các giá trị truyền thống đang dần bị thay thế bởi các giá trị hiện đại, nhất là ở khu vực thành thị.
Gìn giữ mái ấm gia đình

Hiện nay, không ít gia đình phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức từ cuộc sống hiện đại. Nhìn vào nhiều gia đình trẻ hiện nay có thể thấy ngay rằng, các giá trị truyền thống đang dần bị thay thế bởi các giá trị hiện đại, nhất là ở khu vực thành thị.

 

Khó níu giữ từ một phía

 

Chị S (huyện Tuy An) - vợ anh T nói không biết từ bao giờ, chị lại tự thỏa hiệp trước thói lười biếng và ham mê cờ bạc của chồng. Chị S kể, chị và chồng quen nhau từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp đại học ở TP Hồ Chí Minh, chị đồng ý làm vợ anh và trở về quê làm ăn sinh sống. Cưới nhau được 3 năm, đôi vợ chồng trẻ đón thêm 2 cậu con trai. Từ đó, chị S ở nhà làm nội trợ và chăm sóc con cái.

 

Từ khi có con, cơm - áo - gạo - tiền ngày một đè nặng nhưng anh T chỉ biết lang thang ở những chiếu bạc online. Chị S biết được và hết lời khuyên ngăn chồng tránh xa nhưng anh vẫn không bận tâm. Gia đình ngày càng ngập trong nợ nần khiến chị mặc cảm với mọi người.

 

Cha mẹ chồng bán tài sản để trả nợ cho anh hết lần này đến lần khác nhưng anh vẫn lao vào như con thiêu thân. Cho đến khi bị bắt vì tội cướp tài sản, anh mới hối hận, thú thật với gia đình, vì máu đỏ đen nhưng chẳng có nghề ngỗng, tiền bạc, túng quẫn quá nên mới làm liều như thế. “Nhiều lúc tôi thấy hận anh lắm vì anh ích kỷ, chỉ quan tâm đến thú vui của mình mà bỏ mặc người thân, gia đình, không màng đến tương lai của các con”, chị S trải lòng.

 

Cũng từng có một gia đình đáng ngưỡng mộ nhưng vì thói vũ phu mà vợ chồng ly tán. Thậm chí là trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Đơn cử, bà C (huyện Đồng Xuân) luôn cam chịu, nhẫn nhịn người chồng thường xuyên thượng cẳng chân, hạ cẳng tay để mong níu giữ cho các con một gia đình đủ đầy cha mẹ.

 

Một ngày, sau khi nghe bà C cằn nhằn vì mải mê ăn nhậu không lo việc nhà, ông B - chồng bà C đã xô ngã, bóp cổ bà, rồi dùng dao chém nhiều nhát vào cổ, đầu, mặt vợ, sau đó tiếp tục đi ăn nhậu. Hành động của ông B đã bị pháp luật trừng trị, nhưng hệ lụy vẫn còn đó, khi các con của bà C và ông B phải sống trong những tháng ngày bị ám ảnh bởi bi kịch gia đình.

 

Thực tế xảy ra không ít câu chuyện về bi kịch hôn nhân, bạo lực gia đình, cha mẹ không quan tâm con cái, con cái không nghe lời cha mẹ, thậm chí dùng bạo lực đối với cha mẹ; lối sống buông thả trong một bộ phận thanh, thiếu niên dẫn đến những cái kết không mấy vui vẻ. Hay sự thiếu quan tâm, bất hạnh của gia đình khiến trẻ rơi vào trầm cảm; sự thiếu thủy chung trong gia đình khiến tỉ lệ ly thân, ly hôn tăng cao...

 

Định hướng xây dựng gia đình hạnh phúc

 

Trong bối cảnh tình hình mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra nhiều mục tiêu trong xây dựng gia đình, nêu rõ tầm quan trọng của xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Cũng nhằm xóa bỏ dần những nguy cơ phá vỡ hạnh phúc, đưa ra định hướng cho sự phát triển bền vững của gia đình, ngày 28/6/2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

 

Chỉ thị coi việc xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc là một mục tiêu quan trọng. Chỉ thị này cũng yêu cầu đề cao vai trò và trách nhiệm của gia đình, giúp đỡ và tạo điều kiện cần thiết để các gia đình thực hiện trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em.

 

Theo đó, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày 28/6 hằng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các cấp, ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Ngày 28/1/2022, Bộ trưởng VHTT&DL ký quyết định ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm 5 nội dung chính: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ (tiêu chí ứng xử chung); chung thủy, nghĩa tình (tiêu chí ứng xử của vợ, chồng); gương mẫu, yêu thương (tiêu chí xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu); hiếu thảo, lễ phép (tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với bà); hòa thuận, chia sẻ (tiêu chí xử của anh, chị, em).

 

Để xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời kỳ mới, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTT&DL, các cấp, ngành, tổ chức cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao năng lực quản lý về công tác xây dựng gia đình; tập trung xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

 

Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc…

 

“Gia đình được xem là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống và là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người. Gia đình còn là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại, phát triển đều phải biết chăm sóc, bảo vệ từng mái ấm gia đình. Nguồn năng lượng tích cực từ mỗi gia đình hạnh phúc sẽ giúp mỗi người cống hiến nhiều hơn cho xã hội, cho đất nước”, bà Thái nhấn mạnh.

 

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại, phát triển đều phải biết chăm sóc, bảo vệ từng mái ấm gia đình. Nguồn năng lượng tích cực từ mỗi gia đình hạnh phúc sẽ giúp mỗi người cống hiến nhiều hơn cho xã hội, cho đất nước.

 

Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Thị Hồng Thái

 

THIÊN LÝ

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp