Hạn chót cuối tuần này (15/12), các địa phương phải báo cáo tình hình lương, thưởng tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 để Bộ LĐTB&XH nắm tình hình tiền lương, tiền thưởng và quan hệ lao động trong doanh nghiệp; có giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tránh tình trạng tranh chấp lao động xảy ra trong thời gian trước, trong, sau tết Dương lịch 2025 và tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới.
Từ nhiều năm nay, câu chuyện doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thưởng tết cho người lao động luôn được xã hội quan tâm. Với quan niệm “10 đồng tiền công không bằng 1 đồng tiền thưởng”, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thường trông chờ tiền thưởng khi tết đến xuân về, không chỉ giúp họ có thêm điều kiện trang trải cuộc sống, mà còn là món quà tinh thần, động viên họ vươn lên trong cuộc sống, nhất là những người làm việc xa nhà.
Đối với người sử dụng lao động, việc có thưởng hay không, thưởng bao nhiêu tiền, hay làm việc bao lâu thì được thưởng tết sẽ tùy thuộc vào quy chế do mỗi doanh nghiệp ban hành. Dù pháp luật không bắt buộc, nhưng thưởng tết không chỉ là trách nhiệm xã hội mà đã trở thành văn hóa doanh nghiệp. Để người lao động có nhiều đóng góp và gắn bó lâu dài, nhiều chủ doanh nghiệp đã đưa thưởng tết vào thỏa ước lao động tập thể hằng năm và dành nguồn kinh phí nhất định để thưởng tết cho người lao động.
Tình hình KT-XH năm 2024 vẫn còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, nên dự báo việc thưởng tết năm 2025 sắp tới cũng sẽ gặp khó. Song, trong bối cảnh này, người lao động vẫn mong được hưởng một khoản tiền thưởng tết. Phú Yên hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, giải quyết việc làm hàng trăm ngàn lao động. Mặc dù quy mô hoạt động còn nhỏ, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao, song các doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm cách “giật gấu vá vai” để lo thưởng tết cho người lao động; xem việc làm này không chỉ là nguồn động viên những lao động cũ, mà cũng là cách để thu hút, tuyển dụng thêm lao động mới phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, đã từng xảy ra nhiều vụ tranh chấp lao động vào dịp cuối năm, do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, dẫn đến việc trả lương hằng tháng chậm trễ và không thưởng tết cho người lao động. Có doanh nghiệp thưởng tết bằng chính sản phẩm của công ty, khiến ai nghe cũng không khỏi ngậm ngùi. Vì vậy, cho dù còn nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp nên dành nguồn kinh phí nhất định để thưởng tết, động viên người lao động yên tâm làm việc; đồng thời xây dựng mối quan hệ gắn kết, hài hòa lợi ích đôi bên.
Cùng với nỗ lực của từng doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo công đoàn các cấp chủ động xây dựng kế hoạch chăm lo tết cho người lao động, với tinh thần tất cả đoàn viên, người lao động đều có tết. Tùy vào tình hình thực tế, mỗi doanh nghiệp chủ động phối hợp với công đoàn, chính quyền địa phương và các hội đoàn thể huy động các nguồn lực tổ chức những hoạt động hướng về người lao động, nhất là lao động có hoàn cảnh khó khăn, như: gian hàng 0 đồng, chuyến xe 0 đồng… qua đó giúp họ đón tết đủ đầy, đầm ấm, vui tươi hơn.
NGUYỄN QUANG