Không để xảy ra tình trạng tiêu cực trong xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thứ hai - 30/12/2024 10:29
Đó là chỉ đạo của đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025.
Không để xảy ra tình trạng tiêu cực trong xóa nhà tạm, nhà dột nát

Đó là chỉ đạo của đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025.

 

Đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025. Ảnh: THÚY HẰNG

 

Tập trung nguồn lực, xóa hơn 1.700 nhà tạm, nhà dột nát

 

Theo báo cáo, từ năm 2021 đến nay, từ sự huy động của Ủy ban MTTQ tỉnh và hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ trên 2.000 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách với số tiền trên 82 tỉ đồng. Qua điều tra, rà soát, đánh giá, đến năm 2025, toàn tỉnh còn gần 1.900 hộ thuộc đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công cách mạng, thân nhân liệt sĩ có nhu cầu xây dựng nhà ở, trong đó, hộ nghèo, cận nghèo là 1.724 nhà.

 

Theo Sở LĐTB&XH, tổng số tiền cần để hỗ trợ xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát nói trên là hơn 94,89 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn lực hiện có của tỉnh từ tiếp nhận ủng hộ tại lễ phát động của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi và nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 là 59,5 tỉ đồng. Dự kiến tỉnh vận động thêm nguồn lực để có đủ kinh phí thực hiện kế hoạch là 35,353 tỉ đồng, trong đó dự kiến vận động Quỹ Vì người nghèo các cấp là 9,8 tỉ đồng và vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… hơn 25,5 tỉ đồng.

 

“Toàn tỉnh quyết tâm đến ngày 2/9/2025 phải hoàn thành việc xóa ít nhất hơn 1.700 nhà tạm, nhà dột nát. Để hoàn thành mục tiêu này là không hề dễ dàng, nhưng chúng ta phải quyết tâm làm và phải làm cho bằng được”, đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp Ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh (BCĐ) vừa được UBND tỉnh tổ chức mới đây.

 

Chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, đồng chí Phó Trưởng ban thường trực BCĐ đề nghị các địa phương báo cáo cụ thể những khó khăn, vướng mắc như: xác định đối tượng, đất ở, huy động, sử dụng nguồn lực, cách thức triển khai thực hiện ở cơ sở…) và biện pháp khác nếu thấy cần thiết. Các địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả.

 

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, chia sẻ: Mức hỗ trợ được xác định đối với hỗ trợ xây dựng nhà mới là 60 triệu đồng/hộ gia đình, hỗ trợ sửa chữa là 30 triệu đồng/hộ. Do đó, tinh thần là chúng ta hỗ trợ, còn để hoàn chỉnh một ngôi nhà đáp ứng tiêu chí ba cứng (nền cứng, tường cứng, mái cứng), người nghèo vẫn phải cố gắng, nỗ lực, cộng đồng phải giúp đỡ cùng chung tay hỗ trợ thêm tiền, vật liệu, ngày công... để giúp các hộ nghèo làm nhà ở.

 

Cùng quan điểm này, đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ nói: Chỉ trong 1 năm mà phải xóa ít nhất hơn 1.700 nhà tạm, nhà dột nát, vì vậy, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. Nếu cần thiết các địa phương thành lập các tổ công tác vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát ở các cấp, nhất là ở cấp cơ sở nhằm huy động đa dạng hóa tất cả các nguồn lực để thực hiện công việc này nhằm đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.

 

Một hộ nghèo trên địa bàn xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) được Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng xây dựng nhà Đại đoàn kết. Ảnh: THÚY HẰNG

 

Phát huy tinh thần trách nhiệm

 

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là việc làm mang tính nhân văn cao cả, nhưng trách nhiệm nặng nề. Cấp tỉnh không thể đi lo cụ thể từng căn nhà được cho người dân và càng không thể làm thay địa phương. Vì vậy, các huyện, thị xã, thành phố phải bám dân, bám cơ sở để tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát.

 

Huyện Sơn Hòa là địa phương có đến hơn 500 hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ nhà ở. Ông Lê Văn Quy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Đây là công việc chung của cả hệ thống chính trị. Huyện sẽ tập trung gắn trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể; đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm, kêu gọi sự hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các lực lượng... để bảo đảm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn năm 2025.

 

Những năm qua, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Từ nguồn Quỹ Vì người nghèo và các nguồn hỗ trợ khác, phong trào xây dựng nhà Đại đoàn kết đã giúp giấc mơ an cư của nhiều hộ nghèo trở thành hiện thực. Đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực, sự quan tâm, góp sức của cộng đồng xã hội thông qua MTTQ để xây dựng thêm nhiều ngôi nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, từ đó giúp nhiều gia đình có niềm tin vào tương lai, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

 

Với tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên quan rà soát, thống kê cụ thể, chính xác những nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ trên địa bàn, đảm bảo đúng, đủ, không bỏ sót trường hợp nào. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đời sống nhân dân, nhất là hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì vậy, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát, tiêu cực. Các sở, ngành hoàn tất các thủ tục phân bổ nguồn kinh phí để đầu năm 2025 các địa phương sớm triển khai thực hiện. 

 

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đời sống nhân dân, vì vậy, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát, tiêu cực. Các sở, ngành hoàn tất các thủ tục phân bổ nguồn kinh phí để đầu năm 2025 các địa phương sớm triển khai thực hiện.

 

THÚY HẰNG

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp