Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, một nước sẽ bước vào giai đoạn bắt đầu già khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng số dân và giai đoạn già khi người cao tuổi chiếm 20% tổng số dân.
Dân số Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức với mức sinh xuống thấp chưa từng có trong lịch sử, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và nỗi lo già hóa dân số. Ở Phú Yên, các ngành chức năng lo ngại, nhiều vùng không đạt mức sinh thay thế, thời gian đến tốc độ già hóa dân số nhanh là thách thức lớn cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Nỗi lo già hóa dân số
Theo Bộ Y tế, với quy định người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Hơn 60 năm qua, tỉ lệ tăng dân số Việt Nam giảm mạnh, từ mức rất cao là 3,9% (năm 1960) xuống còn 1,14% (năm 2019) và 0,95% (năm 2021). Tổng cục Thống kê dự báo ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỉ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0. Còn ở phương án mức sinh thấp, 35 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với thực tế tỉ lệ tăng dân số ở mức âm.
Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho rằng, nếu như năm 2009, cứ khoảng 3 trẻ em dưới 15 tuổi mới có 1 người từ 60 tuổi trở lên thì đến năm 2019, cứ khoảng 2 trẻ em dưới 15 tuổi đã có 1 người 60 tuổi trở lên. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên hơn 25%. Năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội già hóa sang xã hội già.
“Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ, mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm”, ông Lê Thanh Dũng nói.
Các chuyên gia dân số cho rằng già hóa dân số đang là một trong những vấn đề trọng tâm của các quốc gia trên thế giới. Nâng cao chất lượng đời sống và gia tăng tuổi thọ trung bình là đánh dấu thành tựu của quá trình phát triển.
Tuy nhiên, đồng thời với gia tăng tuổi thọ trong bối cảnh mức sinh thay thế không được duy trì bền vững thì xu thế già hóa dân số nhanh là một tất yếu. Với thời gian già hóa quá ngắn, nền kinh tế còn đang phát triển, Việt Nam chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già.
Phú Yên cũng không ngoài nguy cơ này, và đang ở thời kỳ già hóa dân số. Năm 2023, tỉ lệ người trên 60 tuổi là 14,2%, trên 65 tuổi là 9,8%. Sở Y tế đề nghị ngành chức năng và các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức được già hóa dân số vừa là kết quả của phát triển KT-XH trong thời gian qua, vừa là thách thức đối với sự phát triển KT-XH trong thời gian tới.
Đồng thời tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn trực tiếp dành cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, nam giới, người cao tuổi tại các địa bàn, chính quyền, để nâng cao nhận thức, hiểu biết về lợi ích của lồng ghép dân số trong phát triển, về ý nghĩa quan trọng của các yếu tố dân số đối với phát triển KT-XH.
Mức sinh thấp nhất trong lịch sử
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng tỉ suất sinh năm 2023 Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, giảm so với năm 2022 (2,01 con) và dưới kế hoạch mức sinh thay thế 2,1 con. Hai khu vực báo động là vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ). Mức sinh của TP TP Hồ Chí Minh là 1,27 con/phụ nữ, thấp nhất nước.
Theo ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô DS-KHHGĐ (Cục Dân số, Bộ Y tế), Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng thời gian tới, cơ cấu dân số sẽ thay đổi nhanh. Hiện Việt Nam vẫn đang đạt mức sinh thay thế (hiện là hơn 2 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ) nhưng mức sinh thay thế giữa các vùng chênh lệch đáng kể.
Trong đó có 9 địa phương đạt mức sinh thay thế (chiếm 19% dân số); 33 địa phương có mức sinh cao (chiếm 42% dân số) và 21 địa phương có mức sinh thấp (chiếm 39% dân số). Các tỉnh có mức sinh cao và mức sinh thay thế cao là ở miền Trung và miền núi phía Bắc (2,43 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ), đồng bằng sông Hồng (2,35 con), Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (2,32 con); Tây Nguyên (2,43 con), Đông Nam Bộ (1,56 con), đồng bằng sông Cửu Long (1,8 con).
“Đối với các tỉnh có mức sinh thấp, chúng ta cần có giải pháp để kích sinh ngay từ bây giờ. Bởi kinh nghiệm các nước có mức sinh thấp cho thấy nếu dưới 1,3 thì không có khả năng khôi phục”, ông Mai Trung Sơn nhận định.
Về hậu quả xã hội ít trẻ con, nhiều người già, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường đại học Kinh tế quốc dân), phân tích xã hội toàn người già thì lực lượng lao động giảm, đồng thời kéo theo nhiều người phải bỏ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người già. Như vậy, xã hội thiếu lao động, tăng hệ thống an sinh, “thu ít mà chi nhiều”. Hiện nay chỉ 20% người cao tuổi có lương hưu nên phần lớn đối tượng này khi mất sức lao động, đau yếu vẫn phải phụ thuộc vào con cái.
Theo Sở Y tế Phú Yên, tại các địa phương như TP Tuy Hòa, huyện Phú Hòa, Tây Hòa và Tuy An, không đạt mức sinh thay thế, cần thực hiện tuyên truyền tập trung về duy trì mức sinh thấp hợp lý, duy trì khoảng cách giữa các lần sinh, ổn định mức sinh, nâng cao chất lượng dân số.
Ông Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Sở đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đẩy mạnh các đợt truyền thông cao điểm về những vấn đề dân số ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của tỉnh, tốc độ già hóa dân số nhanh là thách thức lớn cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của tỉnh cả trong hiện tại và tương lai.
Đối với cấp xã, phường, thị trấn, thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình dân số và phát triển cho lãnh đạo địa phương; phát hiện kịp thời những vấn đề nảy sinh để có những giải pháp phù hợp về tình hình dân số của địa phương.
MẠNH LÊ TRÂM