Đây là đòi hỏi chính đáng, vì một thế hệ tương lai tươi sáng mà các cấp, ngành trong tỉnh đã và đang thực hiện với nhiều hoạt động, giải pháp. Trong đó, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em quan tâm là nội dung quan trọng.
Luật Trẻ em cũng quy định rõ 25 nhóm quyền của trẻ em, giúp trẻ em sống an toàn.
Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả
Thông qua sinh hoạt CLB quyền tham gia của trẻ em ở 9 huyện, thị xã, thành phố, nhất là qua tọa đàm, đối thoại với lãnh đạo các cấp, trẻ em ngày càng thể hiện được tiếng nói của mình đối với những vấn đề liên quan. Từ vấn đề bạo lực học đường, xây dựng phòng tư vấn học đường tại các trường học, các biện pháp khuyến khích học sinh chia sẻ về bạo lực học đường với thầy cô giáo để kịp thời tháo gỡ, đến nâng cao kỹ năng sử dụng và khai thác dữ liệu trên mạng internet để phục vụ học tập cho học sinh, ngăn ngừa và chấm dứt tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng…, các em đều tham gia.
Em Ngô Minh Hoàng (huyện Sơn Hòa) bày tỏ: Điều em quan tâm nhất hiện nay là tình trạng bạo lực học đường ngày càng có xu hướng gia tăng. Em thấy nhiều trường hợp chỉ vì chút hiểu lầm mà các bạn dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau.
Còn em Lê Như Quỳnh (TP Tuy Hòa) cho rằng: Trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị bạo lực xâm hại hay làm tổn hại đến sự phát triển của mình. Thế nhưng trong thực tế, vấn đề về bạo lực xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, chúng em cảm thấy căng thẳng, ảnh hưởng đến việc học tập.
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) cho hay: Ngoài mô hình CLB Quyền tham gia của trẻ em, một số mô hình khác có liên quan đến bảo vệ trẻ em cũng đang được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh như: “Thăm dò ý kiến trẻ em”, “Hội đồng trẻ em”... Các mô hình này đi vào hoạt động nề nếp và ngày càng có chất lượng, hiệu quả. Thông qua các mô hình, diễn đàn, những vấn đề về trẻ em tại nhà trường và trong cộng đồng đã được triển khai.
Huy động mọi nguồn lực
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bạo hành do người quen biết hoặc người thân trong gia đình gây ra. Đây là vấn nạn đau lòng. Trước thực trạng đó, Sở LĐTB&XH cùng các ngành chức năng tham gia nắm bắt tình hình về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm xa hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội; phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội tăng cường phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.
Cũng theo bà Phạm Thị Minh Hiền, mặc dù Phú Yên còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh luôn xác định công tác trẻ em là nhiệm vụ chính trị quan trọng, các cấp lãnh đạo luôn quan tâm và dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường phổ biến, tuyên truyền Luật Trẻ em; thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến trẻ em. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, giáo dục kiến thức, phương pháp, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cha mẹ, thầy cô giáo, người chăm sóc trẻ, đặc biệt là trang bị kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện sớm trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Từ đó nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng tiếp tục truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh (02573.890000), bảo đảm cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em và nạn nhân của mua bán người liên tục 24/24 giờ hằng ngày. UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng tránh tình trạng trẻ em bỏ học, bảo vệ trẻ em không bị xâm hại và tai nạn thương tích; rà soát, nắm chắc số liệu về trẻ em có hoản cảnh đặc biệt, trẻ em nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí.
Các đơn vị, địa phương cũng tập trung các nguồn lực để đảm bảo 100% trẻ em được hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội; tổ chức diễn đàn trẻ em các cấp để trẻ em thảo luận, đề xuất kiến nghị, sáng kiến bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em. Nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tổ chức thăm, tặng quà, trao học bổng và hỗ trợ khám chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi...
KIM CHI