Không còn gập ghềnh, lầy lội như trước đây, đường về các xã Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 3, Đa Lộc… giờ thẳng tắp, được tô điểm thêm bởi màu xanh ruộng lúa, rừng keo dọc hai bên đường. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, hạ tầng huyện miền núi Đồng Xuân khởi sắc.
Trải bê tông đường làng
Đi trên đoạn đường thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3) ra cánh đồng Núi Một trước xóm nhà, ông Phan Văn Truyền, một người con ở thôn Thạnh Đức đang sinh sống tại Đắk Lắk về thăm quê trầm trồ: Trước đây, mỗi lần về quê qua cánh đồng Núi Một là phải đi trên bờ ruộng lầy lội, ra giữa cánh đồng rồi chuyền bờ đơm (giống như hàng rào tre bắc qua con rạch bàu), mới lên được Núi Một nằm giữa cánh đồng. Còn nay chỗ con rạch bàu đã làm tràn bê tông, xe máy chạy thẳng qua Núi Một. Đường nội đồng trải bê tông rộng, nông dân có điều kiện thì đi thăm ruộng bằng ô tô.
Ông Truyền nhìn nhận, không chỉ đường giao thông nội đồng, mà giao thông liên xã cũng mở rộng, nâng cấp. Mùa mưa lụt những năm trước, người dân thôn Thạnh Đức phải đi vòng lên xã Xuân Phước mới có cầu bắc qua sông Trà Bương nối thôn Phú Xuân A, Phú Xuân B, xa hơn 10km. Còn từ thôn Thạnh Đức qua thôn Phước Lộc (xã Xuân Quang 3), nối qua cầu tràn sông Trà Bương, mùa mưa lụt nước ngập tràn, đường đất lầy lội, phải chờ ngày nắng ráo nước rút mới đi. Nay cầu bắc qua sông Trà Bương nối thôn Thạnh Đức qua thôn Phước Lộc hoàn thành, mùa mưa lụt người dân qua lại thông suốt.
Theo nhiều người dân ở đây, từ đường nội đồng đến đường liên xã khi mở rộng, người dân đều hiến đất làm đường.
Tại thôn Tân Long (xã Xuân Sơn Nam), cạnh bờ sông Kỳ Lộ, nếu không phải người địa phương rất khó hình dung sự vất vả của người dân khi đi trên những con đường lầy lội vào trung tâm xã. Vào mùa vụ, từ việc thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm đều khó trăm bề. Bà Trần Thị Sáu ở thôn Tân Long nhớ lại, mấy năm về trước, thôn cách trung tâm xã 5 cây số nhưng phải mất gần tiếng đồng hồ di chuyển mới tới nơi. Người dân luôn chung một mong ước có con đường trải bê tông để không còn lầy lội, nên sẵn sàng hiến đất mở rộng đường vào tận các xóm.
Ông Lê Mến Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam cho biết: Hiện nay, tuyến đường từ thôn Tân Long vào trung tâm xã đầu tư mở rộng, trải bê tông phẳng lỳ, có hệ thống thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng khang trang, sạch sẽ. Đây là một trong những con đường góp phần đưa Xuân Sơn Nam đạt xã nông thôn mới nâng cao.
Đường từ trung tâm xã Đa Lộc xuống TX Sông Cầu (nằm trên tuyến đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân). Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Khởi sắc nhờ hạ tầng theo hướng hiện đại
Xã Đa Lộc có nhiều con đường đẹp từ đầu thôn vào tận ngõ xóm là nhờ sự đồng lòng hiến đất của hộ dân nơi tuyến đường đi qua. Ông Nguyễn Văn Hảo, một người dân xã Đa Lộc chia sẻ: Nếu như ở các xã khác, việc hiến đất làm đường gặp nhiều khó khăn thì ở Đa Lộc, việc này lại rất thuận lợi. Chỉ cần cán bộ xã thông báo chung là người dân tự dọn hàng rào, cây xanh, hiến đất làm đường…
Theo Chủ tịch UBND xã Đa Lộc Nguyễn Hữu Duy, không chỉ đường liên thôn mà bây giờ có đường từ trung tâm xã Đa Lộc xuống TX Sông Cầu (nằm trên tuyến đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân), giao thương hàng hóa thuận lợi hơn rất nhiều. Mỗi ngày có hơn chục chuyến xe chở khách, chở hàng từ các xã, phường của TX Sông Cầu lên Đa Lộc rồi qua Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) và ngược lại. Các mặt hàng thủy sản không còn đắt như trước, cơ bản đều có giá ngang với mặt bằng chung so với miền biển. Các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi của bà con cũng bán dễ hơn, nhiều khi không đủ nguồn cung cấp cho lái buôn.
Tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn trên địa bàn tỉnh Phú Yên, xuất phát từ xã Xuân Phước qua các xã Xuân Quang 1 và Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m. Con đường không chỉ nối dài niềm vui mà còn góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại của các xã trên, từ đó tạo điều kiện cho việc đầu tư các dự án cũng như các ngành nghề phát triển, tăng thu nhập cho người dân, là tiền đề để các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Đứng cạnh tuyến đường đoạn qua khu dân cư làng Bà Đẩu (xã Xuân Quang 1), ông Ma Say nói: Tuyến đường này người dân hiến đất mở rộng đổ bê tông. Cũng nhờ đi lại thuận lợi, người dân trong làng có điều kiện phát triển sản xuất hơn, mở thêm cơ hội giúp nhiều gia đình có kinh tế ổn định.
Theo UBND huyện Đồng Xuân, thực hiện Chương trình xây dựng xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, đến nay có 4 xã: Xuân Quang 2, Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Xuân Long đạt 19/19 tiêu chí; xã Xuân Quang 3, Xuân Phước đạt 18 tiêu chí; xã Xuân Quang 1 đạt 17 tiêu chí; Đa Lộc đạt 14 tiêu chí; Xuân Lãnh đạt 11 tiêu chí và Phú Mỡ đạt 9 tiêu chí. Bình quân đạt 16,3 tiêu chí/xã nông thôn mới.
Ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới, hệ thống hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn thiện đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển KT-XH, cảnh quan môi trường được quan tâm đúng mức, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân.
Không chỉ đường liên thôn mà bây giờ có đường từ trung tâm xã Đa Lộc xuống TX Sông Cầu (nằm trên tuyến đường tránh trú bão Sông Cầu – Đồng Xuân), giao thương hàng hóa thuận lợi hơn rất nhiều. Các sản phẩm nông sản, chăn nuôi của bà con cũng bán dễ hơn, nhiều khi không đủ nguồn cung cấp cho lái buôn.
Ông Nguyễn Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc |
MẠNH HOÀI NAM