Công tác dân vận phát huy hiệu quả

Thứ ba - 02/04/2019 07:06
Trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, công tác dân vận (CTDV) có vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân
Công tác dân vận phát huy hiệu quả

Trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, công tác dân vận (CTDV) có vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN), giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 

 

Đại hội XII của Đảng chỉ rõ, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là việc mới mẻ, đặt ra nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ, kịp thời của Nhà nước, không có giải pháp điều tiết hữu hiệu thì nền kinh tế có thể bị chệch hướng, một bộ phận giàu lên bất hợp pháp nhanh chóng, đẩy nhanh sự phân hóa giàu - nghèo giữa các giai tầng trong xã hội..., dẫn đến nhiều vấn đề xã hội nan giải. Tình hình đó đòi hỏi CTDV của Đảng phải góp phần thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường, song không làm mất đi tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, không dẫn tới đảo lộn về chính trị, không làm xói mòn, biến dạng phẩm giá, đạo đức, lối sống, bản sắc văn hóa dân tộc và con người Việt Nam.

 

Trọng dân, gần dân, nói đi đôi với làm

 

Cùng với cả nước, thời gian qua, CTDV luôn được các cấp ủy đảng, ban dân vận các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh. Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đinh Công Danh cho biết: Bám sát 4 mục tiêu, 5 quan điểm nêu trong Nghị quyết 25 NQ/TW ngày 3/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV trong tình hình mới” (NQ25) và Chương trình hành động số 17, ngày 26/9/2013 của Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí CTDV trong tình hình mới cho đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân.

 

Đồng thời tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, lềlối, phong cách làm việc theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; hướng mạnh vềcơ sở, bám sát thực tiễn, kịp thời phát hiện, xử lý, tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân; đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nói đi đôi với làm; thực hiện tốt phương châm “Thân thiện, nghĩa tình; tận tụy, trách nhiệm; kỷ luật, kỷ cương”. Đồng thời, CTDV hướng trọng tâm, mục tiêu đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống KT-XH, QP-AN và xây dựng hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

 

Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo”

 

Tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có hơn 4.200 mô hình, điển hình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 1 tập thể; Ban Dân vận Trung ương tặng bằng khen 1 tập thể và 2 cánhân; Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen 9 tập thể, 6 cánhân “Dân vận khéo”.

 

Cũng theo ông Đinh Công Danh, từ năm 2015 đến nay, Ban Dân vận các cấp trong tỉnh tập trung tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đạt được nhiều kết quả trên từng lĩnh vực, đều khắp ở các địa phương.

 

Trong đó, lĩnh vực KT-XH tiêu biểu là các mô hình: “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản trên biển”, “Nuôi tôm xen cua”, “Vận động nhân dân đóng góp xây dựng đường bê tông thôn xóm”, “Hỗ trợvốn thành lập các dự án, tổ kinh tế hợp tác thanh niên”, “Trồng cây dược liệu cà gai leo”, “Phụ nữ sản xuất nước mắm sạch”, “Cánh đồng trên 50 triệu đồng/ha/năm”, “Tặng bò phát triển kinh tế gia đình”, “Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng sen”, “CLB nữ doanh nhân xây dựng Quỹ Khởi nghiệp 200 triệu đồng”, “Nuôi cầy vòi hương sinh sản”, “Sản phẩm du lịch cộng đồng, sản xuất rau an toàn”, “Nông dân thi đua SXKD giỏi, giúp nhau bằng kỹ thuật và kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh”, “Nêu gương sáng, làm kinh tế giỏi”, “Tiếp bước cho em đến trường”, “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Vận động nhân dân không rải vàng mã trong đám tang”, “Nồi cháo từ thiện”, “Giao tiếp, ứng xử văn hóa, nhã nhặn với bệnh nhân”, “Giảm thiểu tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn”, “Giờ môi trường trong ngày, ngày môi trường trong tuần”, “Xây dựng bể thu gom chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Vận động nhân dân bảo vệ hành lang an toàn lưới điện”, “Thùng tiền tiết kiệm”,“Vận động nhân dân thắp điện sáng đường làng”, “Những con đường hoa”,…

 

Lĩnh vực QP-AN cũng xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả, tiêu biểu như: “Chấp hành tốt công tác đăng ký lưu trú, nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm”, “Tăng cường tiếp xúc, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cơ sở kinh doanh và hộ gia đình trong công tác bảo đảm ANTT”, “Tham gia tìm kiếm cứu nạn và hòa giải các vụ tranh chấp ngư trường, tông va, mang lưới trên biển”, “Tự phòng, tự quản, 3 giảm, 4 giữ”, “Công an lắng nghe ýkiến nhân dân”, “Chủ cơ sở kinh doanh lưu trúchấp hành việc đăng ký lưu trú” , “Tổ điểm tựa “1+2”, “1+3”…”, “Tiếng loa an ninh”…

 

Lớp học miễn phí của anh… thợ hớt tóc

 

Mô hình “Lớp học miễn phí” của anh Huỳnh Xuân Hoàng (thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) là một trong những điển hình dân vận tiêu biểu. Anh Hoàng hiện sinh sống bằng nghề hớt tóc. Trước đây, thời học THPT anh luôn đạt danh hiệu học sinh khá - giỏi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể tiếp tục con đường học vấn lên đại học nên anh Hoàng chọn học nghề. Thu nhập từ công việc hớt tóc tuy không cao nhưng cũng đủ để anh nuôi sống bản thân và phụ giúp phần nào cho gia đình. Hàng ngày, tiếp xúc với nhiều người dân ở làng biển nơi anh sinh ra và lớn lên, anh càng hiểu nỗi khó nhọc của nhiều mảnh đời trẻ thơ bất hạnh, con nhà nghèo.

 

Với tâm nguyện “không giúp được nhiều bằng vật chất thì ít ra mình cũng giúp được kiến thức cho các em”, anh làm đơn xin phép chính quyền và ngành chức năng mở lớp học dạy miễn phí cho những học sinh học yếu (từ lớp 6-12). Lúc đầu lớp học được tổ chức ngay tại nhà anh, sau đó và hiện nay là tại Nhà văn hóa thôn Tiên Châu. Hàng ngày, các học sinh được anh bồi dưỡng kiến thức các môn Ngữ văn, Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh và cả về kỹ năng sống. Lúc đầu lớp học chỉ thu hút vài học sinh, bởi điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Anh Hoàng quyết định mỗi ngày trích một phần thu nhập từ công việc hớt tóc để mua thêm sách giáo khoa, đồ dùng dạy học và mua vở khen thưởng những em học giỏi, chăm chỉ. Đồng thời đem hết những hiểu biết, lòng nhiệt tình, tận tâm truyền đạt kiến thức cho các em. Từ đó, lớp học của anh ngày càng đông, hiện lên đến gần 300 em; nhiều em có sự tiến bộ rõ nét.

 

“Mỗi ngày tôi dành 6 tiếng đồng hồ để lên lớp. Buổi sáng, tôi dạy 2 nhóm từ 7-9 giờ, rồi về quán hớt tóc. Buổi chiều tối, tôi dạy 4 nhóm, từ 17-21 giờ, mỗi nhóm 1 giờ”, Hoàng cho biết. Từ lớp học tình thương của “thầy” Hoàng, năm học 2017-2018, nhiều em như: Nguyễn Phạm Trúc Quỳnh (lớp 8E), Nguyễn Ngô Thanh Trúc (lớp 8B), Nguyễn Huỳnh Thục Đoan (lớp 8C) đã đạt thành tích học sinh giỏi toàn diện, nằm trong top 10 khối lớp 8 Trường phổ thông cấp 2-3 Võ Thị Sáu. Các em Bùi Đăng Huy (lớp 9B), Phan Bích Hợp (lớp 9D), Trần Thị Hiền (lớp 9D) đạt học sinh giỏi cấp huyện môn Hóa học. Tiếng lành đồn xa, không chỉ ở Tiên Châu, học sinh ở các thôn lân cận cũng đến làm học trò của “thầy” Hoàng.

 

XUÂN HIẾU

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp