Phát huy dân chủ ở cơ sở, khơi dậy tiềm lực trong dân

Thứ ba - 09/04/2019 01:08
Tiếp tục quán triệt và thực hiện Kết luận 120 ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở”, Đảng ủy phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện gắn với từng nhiệm vụ của từng chi bộ và các ban ngành, đoàn thể đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Phát huy dân chủ ở cơ sở, khơi dậy tiềm lực trong dân

Tiếp tục quán triệt và thực hiện Kết luận 120 ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở”, Đảng ủy phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện gắn với từng nhiệm vụ của từng chi bộ và các ban ngành, đoàn thể đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2018, Đảng ủy phường Xuân Đài được Ban Thường vụ Thị ủy Sông Cầu biểu dương và tặng giấy khen về công tác này.

 

Bí thư Đảng ủy phường Xuân Đài Nguyễn Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của phường Xuân Đài cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, sản lượng khai thác tôm hùm giống đạt thấp; dịch bệnh ở các đối tượng nuôi trồng thủy sản vẫn còn xảy ra; tình hình tội phạm, nhất là trộm cắp, đánh bạc, hoạt động tín dụng đen… vẫn còn xảy ra. Song dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy và Ban Thường vụ Đảng ủy phường; UBND phường phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các ban ngành, đoàn thể phát huy dân chủ ở cơ sở, qua đó từng bước khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố.

 

Trước tiên là Xuân Đài thực hiện tốt việc công khai cho dân biết các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tiếp đó là những nội dung, lĩnh vực liên quan đến quyền và lợi ích của người dân. “Các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vay vốn giải quyết việc làm, xóa nhà ở tạm, quyết toán các công trình có vốn nhân dân đóng góp, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”; hay các chế độ chính sách về an sinh xã hội, công tác xét duyệt chính trị, chính sách thanh niên, công tác tuyển quân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… đều được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường; trao đổi trong các cuộc tiếp xúc cử tri và thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của phường. Công tác từ thiện nhân đạo, hiến máu tình nguyện; công tác xóa nhà ở tạm, chăm lo cho người nghèo… cũng được Đảng ủy, UBND, MTTQ phường quan tâm”, người đứng đầu cấp ủy phường Xuân Đài cho biết.

 

Theo ông Lương Trọng Trang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Xuân Đài, nhờ thực hiện tốt QCDC, năm 2018, phường Xuân Đài đã vận động nhân dân tham gia hiến 43/39 đơn vị máu; vận động quyên góp 180kg gạo, trị giá 2,7 triệu đồng trợ giúp 14 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Phường cũng đã trợ giúp 20 địa chỉ (do 11 tổ chức và 3 cá nhân hỗ trợ) mỗi địa chỉ từ 150.000-500.000 đồng/tháng với số tiền 40,5 triệu đồng; hỗ trợ xây nhà Mái ấm tình thương cho một hộ nghèo và hoàn chỉnh hồ sơ trình phê duyệt hỗ trợ kinh phí xây nhà Đại đoàn kết cho 6 hộ nghèo khác; vận động xây dựng, bổ sung vào Quỹ Vì người nghèo hơn 80 triệu đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hơn 23 triệu đồng. Đồng thời tranh thủ nguồn kinh phí của Ngân hàng Chính sách xã hội, phường đã giải quyết vốn trên 5,2 tỉ đồng cho 264 hộ vay phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động đều khắp ở 8/8 khu phố gắn với mô hình “Tự phòng tự bảo vệ” và “2 giảm, 3 không”.

 

Đề án Đô thị văn minh là một trong những nội dung được phường Xuân Đài triển khai thực hiện tốt nhờ phát huy dân chủ ở cơ sở. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Xuân Đài Nguyễn Thành cho biết, UBND phường kịp thời củng cố ban chỉ đạo, các tổ công tác thực hiện đề án Đô thị văn minh, tổ chức họp phân công nhiệm vụ, rà soát các tiêu chí tiếp tục triển khai trong năm 2018. Theo đó, Ban chỉ đạo cùng Ban nhân dân khu phố Triều Sơn Đông vận động kinh phí từ nhân dân thực hiện tuyến đường bê tông dài 200m, rộng 2m, kinh phí 32 triệu đồng. Tương tự, khu phố Tân Thạnh xây dựng 2 tuyến đường dài 550m, kinh phí gần 49 triệu đồng; khu phố Phước Hậu xây dựng tuyến bê tông dài 35m, rộng 3,5m, kinh phí 23,5 triệu đồng. Đồng thời, Mặt trận và các tổ chức hội, đoàn thể cũng đã vận động 29 hộ xây dựng mới nhà tiêu hợp vệ sinh; vận động nhân dân các khu phố Khoan Hậu, Phước Hậu, Phú Vĩnh, Phương Lưu Đông, Triều Sơn Đông, Tân Thạnh, An Thạnh, Bình Thạnh duy trì thắp sáng 240 bóng đèn đã lắp đặt trong năm 2017; nhân dân các khu phố Phú Vĩnh, Phương Lưu Đông tiếp tục lắp mới 30 bóng đèn thắp sáng với tổng chiều dài 7,7km…

 

Ông Đặng Về ở khu phố Phú Vĩnh tâm đắc: Tôi không hiểu lắm về QCDC nhưng việc lớn việc nhỏ gì có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của dân, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận phường, khu phố đều đưa ra dân bàn và quyết định. Cụ thể như việc xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng khu phố, khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, bình xét gia đình văn hóa, hỗ trợ hộ nghèo…

 

Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, trật tự

 

Tháng 6/1997, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ra Nghị quyết về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Tiếp sau đó, ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở (Chỉ thị 30) cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chỉ thị 30 chỉ rõ: Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân phải đặt trong tổng thể cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ"; vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, HĐND và UBND các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng thiết thực, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao dân trí, tạo điều kiện mở rộng dân chủ có chất lượng và hiệu quả. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, trật tự; quyền hạn gắn liền với trách nhiệm; lợi ích đi đôi với nghĩa vụ; chống quan liêu, mệnh lệnh, đồng thời chống tình trạng vô chính phủ, lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật.

 

Chỉ thị 30 cũng chỉ rõ những nội dung rất cụ thể, như: quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật; có quy chế và các hình thức để nhân dân, cán bộ, công chức ở cơ sở được bàn bạc và tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác chuyên môn, công tác cán bộ... của chính quyền, cơ quan, đơn vị; quy định về việc để nhân dân bàn và quyết định đối với những loại việc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân trên địa bàn; hoàn thiện cơ chế để nhân dân thông qua MTTQ, các đoàn thể giám sát hoạt động của chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; mở rộng hình thức tổ chức tự quản; tổ chức tốt việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và trả lời các kiến nghị, thắc mắc của dân. Đặc biệt, Chỉ thị 30 còn yêu cầu xác định trách nhiệm của tổ chức chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị ở cơ sở định kỳ (ba tháng, sáu tháng, một năm) báo cáo công việc trước dân; tự phê bình và tổ chức để nhân dân, công nhân, cán bộ, công chức ở cơ sở phê bình, góp ý kiến đánh giá; nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp đó...

 

LẠC VIỆT

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp