Phú Yên - Thành quả 30 năm tái lập

Thứ sáu - 28/06/2019 23:12
Con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung Việt Nam đề cập đến Phú Yên là một vùng đất sơn thủy hữu tình - nơi có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, ngày càng tỏa sáng qua bề dày thời gian và chiều sâu cội nguồn.
Phú Yên - Thành quả 30 năm tái lập

Con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung Việt Nam đề cập đến Phú Yên là một vùng đất sơn thủy hữu tình - nơi có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, ngày càng tỏa sáng qua bề dày thời gian và chiều sâu cội nguồn. Một Phú Yên mở đầu sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn Hoàng với sự ra đời phủ Phú Yên năm 1611 và lịch sử phát triển 408 năm, đã để lại một di sản văn hóa đa dân tộc phong phú phả hồn vào những sự kiện nhiều chiều tạo nên nét đặc trưng văn hóa độc đáo của một vùng đất.

 

Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt thăm, tặng quà đối tượng chính sách huyện Đông Hòa - Ảnh: KIM CHI

 

Thành quả 30 năm xây dựng phát triển tỉnh Phú Yên để lại nhiều dấu son đáng tự hào, tạo tiền đề cho những bước phát triển đột phá để Phú Yên ngày càng giàu có và yên bình như nguyện ước của cha ông ta khi đặt tên cho mảnh đất này.

 

Theo dòng lịch sử, vùng đất Phú Yên thuộc vương quốc Chămpa xưa, được hợp thành bởi nhiều tiểu quốc mà vùng đất Phú Yên là tiểu quốc Mundu (Môn Độc quốc), hay có tên gọi khác là Ayru. Trên bước đường mở nước vào phương Nam, năm 1471, vua Lê Thánh Tôn đặt tên thuần Việt cho vùng đất Phú Yên là tiểu quốc Hoa Anh và chọn ngọn núi thiêng Đá Bia (Thạch Bi Sơn) làm mốc ranh giới hai nước Việt - Chăm.

 

Năm 1578, chúa Tiên Nguyễn Hoàng cử Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh đưa lưu dân Thanh Nghệ vào khai mở vùng đất Phú Yên. Sau 33 năm khẩn hoang, lập ấp, hình thành làng mạc, phủ Phú Yên chính thức có tên trên bản đồ Tổ quốc năm 1611 (thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam) - là vùng đất biên viễn của trời Nam Tổ quốc, mở đầu sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn.

 

Phú Yên là căn cứ Tây Sơn trung đạo thời Tây Sơn khởi nghiệp gắn với chiến công đầu tiên của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ năm 1775 tại vịnh Xuân Đài. Phú Yên là nơi hưởng ứng mạnh mẽ phong trào Cần Vương năm 1885 và tiếp nối các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX.

 

"Rất đáng mừng, trong những năm qua, nhiều nhiệm kỳ, Phú Yên đã làm được nhiều việc rất quan trọng, như là về hạ tầng giao thông, đặc biệt là hầm đường bộ Đèo Cả, đèo Cù Mông, nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, mở rộng sân bay, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa bỏ được những e ngại về môi trường đầu tư kinh doanh, tạo nên môi trường mới, sức hấp dẫn mới thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư; các lãnh đạo ở Phú Yên đã có nhiều cố gắng, chủ động sáng tạo, chuẩn bị những điều kiện mới thông qua xúc tiến đầu tư.

 

Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư, vận dụng sáng tạo hơn các hình thức đầu tư, có cơ chế chính sách cụ thể, tập trung thu hút những nhà đầu tư, doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực tài chính mạnh tiếp tục đóng vai trò là con sếu đầu đàn để đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho sự phát triển. Tiếp tục xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, tăng cường liên doanh, liên kết với các địa phương trong và ngoài nước, việc đầu tư các dịch vụ bất động sản, ngân hàng phải gắn với phát triển du lịch, thu hút công nghiệp sạch, công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc"

 

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, chỉ trong một thời gian ngắn, lá cờ Đảng đã tung bay trên bầu trời Phú Yên với sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên tại La Hai, Đồng Xuân. Từ những hạt giống đỏ đầu tiên, tổ chức Đảng ở Phú Yên nhanh chóng phát triển, trưởng thành, lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám, xây dựng vùng tự do Phú Yên - tỉnh địa đầu vùng tự do Khu 5 trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, lãnh đạo nhân dân đánh bại chiến dịch Át-lăng của thực dân Pháp chia lửa cùng chiến trường chính Điện Biên Phủ.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, Phú Yên là nơi có phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh, cuộc đồng khởi sớm nhất ở đồng bằng Khu 5; ba lần giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; mở bến Vũng Rô tiếp nhận những con tàu Không số, đứng vững trong hai chiến dịch mùa khô 1966-1967 của quân đội Mỹ; 3 lần tiến công vào TX Tuy Hòa mùa xuân 1968.

 

Ngày 30/4/1975 đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam thống nhất một nhà. Trước đó tròn 1 tháng, cờ giải phóng đã tung bay trên đỉnh Tháp Nhạn tỉnh Phú Yên sau khi quân giải phóng làm thất bại hoàn toàn cuộc tháo chạy của quân đội Sài Gòn từ Tây Nguyên xuống co cụm ở đồng bằng.

 

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới.

 

Sau ngày giải phóng, Phú Yên sáp nhập với tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh. 14 năm nhập tỉnh, Phú Yên là địa bàn trọng yếu cung cấp nhân lực, lương thực, thực phẩm cho tỉnh chung Phú Khánh trong giai đoạn khó khăn nhất sau chiến tranh. Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên tái lập, mở đầu cho một trang sử mới đầy ấn tượng trong tiến trình lịch sử.

 

Thế hệ trẻ thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Tàu Không số (huyện Đông Hòa) - Ảnh: PV

 

Tỉnh mới Phú Yên đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách. Lúc bấy giờ, TX Tuy Hòa chỉ có một nhà máy nhiệt điện công suất rất nhỏ, chủ yếu phục vụ điện sinh hoạt ở mức hạn chế nhất. Cơ bản, tỉnh lỵ Phú Yên là một thị xã đèn dầu, nước giếng, đường sá xuống cấp lại phải tiếp nhận toàn bộ các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang từ Nha Trang chuyển về.

 

Thời điểm tháng 7/1989, Phú Yên cơ bản là một tỉnh thuần nông mà cây lúa chủ lực dù có tầm quan trọng đến đâu cũng không thể đi lên làm giàu bằng cây lúa độc canh.

 

Công cuộc đổi mới toàn diện đã được đề cập và phân tích sâu sắc qua 6 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh và 6 nhiệm kỳ HĐND tỉnh.

 

Thập niên 10 năm đầu tái lập tỉnh, Phú Yên tập trung ổn định về mọi mặt, nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề vững chắc cho các bước phát triển tiếp theo.

 

Những dấu ấn trong 10 năm đầu sau tái lập tỉnh bao gồm xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi; đầu tư điện, đường, trường, trạm, mở đầu cho sự nghiệp điện khí hóa nông thôn. Triển khai dự án Đường dây 110kV Nha Trang - Tuy Hòa và Tuy Hòa - Quy Nhơn, đưa lưới điện quốc gia về Phú Yên. Sau khi có lưới điện quốc gia, Phú Yên nhanh chóng xây dựng và đưa vào hoạt động hàng loạt cơ sở công nghiệp như Nhà máy đường Tuy Hòa, Nhà máy Bia Sài Gòn - Phú Yên và nhiều cơ sở khác… Chính thức quản lý và xây dựng cảng Vũng Rô thành cảng biển tổng hợp địa phương và chuyên dụng loại 2, là thành viên Hiệp hội Cảng biển Việt Nam. Khánh thành Nhà máy thủy điện Sông Hinh và khởi công Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ. Hồi sinh và đưa vào hoạt động sân bay Đông Tác. Khởi công và khánh thành quốc lộ 1 nối Sông Cầu với TP Quy Nhơn. Hình thành và phát triển Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh - nối tiếp truyền thống ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Pháp… Hình thành Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên. Xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà văn hóa hóa Diên Hồng, sân vận động và Nhà thi đấu Lê Trung Kiên…

 

Giai đoạn 2001-2010, Phú Yên bước vào thế kỷ XXI với quyết tâm đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa, từng bước hiện đại hóa theo hướng phát triển bền vững. Trong thập niên này, TX Tuy Hòa được nâng cấp lên thành phố loại 3, loại 2; thành lập TX Sông Cầu và các huyện mới Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa cùng các thị trấn, thị tứ.

 

Về đầu tư cơ sở hạ tầng, muốn tạo tiền đề để Phú Yên phát triển, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện mạng lưới giao thông, phá thế ốc đảo. Tỉnh Phú Yên đã nỗ lực hình thành quốc lộ 29 nối Phú Yên với Đắk Lắk, nâng cấp quốc lộ 25 nối Phú Yên với Gia Lai. Xây dựng tuyến giao thông cơ động ven biển nối TP Tuy Hòa với gành Đá Đĩa và tuyến động lực ven biển phía Nam nối trung tâm tỉnh lỵ đến cảng Vũng Rô - đèo Cả. Xây dựng trục giao thông miền Tây kết nối 3 huyện miền núi và thông thương với các tỉnh: Bình Định, Đắk Lắk. Xây dựng đại lộ Hùng Vương - trục xương sống bắc - nam của TP Tuy Hòa; nâng cấp mở rộng cảng Vũng Rô và sân bay Đông Tác.

 

Trong phát triển kinh tế, hình thành 3 khu công nghiệp: Hòa Hiệp, An Phú và Đông Bắc Sông Cầu. Triển khai hạ tầng dự án Nam TP Tuy Hòa - Vũng Rô và xây dựng cầu Hùng Vương, mở rộng TP Tuy Hòa sang bờ nam sông Đà Rằng. Hình thành các cụm công nghiệp ở nông thôn, miền núi, gắn kết nông - công nghiệp, nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm sau nông nghiệp, giải quyết công ăn việc làm tại chỗ “ly nông bất ly hương”. Việc Phú Yên hỗ trợ di dời Nhà máy đường KCP Ấn Độ từ tỉnh Thừa thiên - Huế về Sơn Hòa cũng đã tạo ra một hình mẫu liên kết phát triển nông - công nghiệp bền vững. Khôi phục và mở rộng nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, các xưởng gia công, chế biến, đưa việc làm về nông thôn.

 

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Phú Yên có chính sách phát triển du lịch bền vững, tạo ra bước khởi đầu phát triển du lịch chất lượng cao với việc hình thành khách sạn 5 sao đầu tiên Cendeluxe và khu resort 5 sao Sao Việt. Các lĩnh vực y tế, giáo dục cũng được quan tâm đầu tư phát triển.

 

Sau 30 năm tái lập, phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương và Chính phủ, tỉnh Phú Yên đã đạt được những bước tiến quan trọng, vươn lên phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm liền đều đạt trên 10%. Nhiều chỉ số quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đã tăng gấp nhiều lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh. Thu ngân sách tăng gấp 112 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gần 12 lần. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ một tỉnh có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với tỉ trọng 56,3%, thì đến nay, nông nghiệp chỉ còn chiếm 23,56% trong cơ cấu GDP.

 

Sản xuất nông nghiệp được phát huy theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Đồng bằng Tuy Hòa - vựa lúa lớn nhất miền Trung ngày càng trù phú, năng suất chất lượng cây lúa không ngừng được nâng lên. Năng suất lúa 2 vụ bình quân cả năm đạt 69 tạ/ha, cá biệt có những vụ năng suất đạt 75,5 tạ/ha. Không những đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân trong tỉnh mà còn cung ứng cho một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Bên cạnh cây lúa, Phú Yên còn hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp quy mô lớn. Hiện Phú Yên có vùng mía nguyên liệu lớn với diện tích 25.500ha, tập trung ở các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân gắn với Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, Nhà máy đường Tuy Hòa, giải quyết công ăn việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động và hàng ngàn hộ nông dân. Ngoài cây mía, sắn, cao su, cà phê cũng mang lại thu nhập đáng kể, góp phần thay đổi diện mạo, đời sống người dân ở các huyện miền núi của tỉnh.

 

Trong định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Phú Yên, thủy sản được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt trên 45.000 tấn. So với trước ngày tái lập tỉnh 1989, số tàu thuyền của Phú Yên tăng gấp 3 lần, công suất tăng 5 lần, sản lượng tăng hơn 150%. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.100 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên chuyên đánh bắt xa bờ, trong đó có khoảng 580 tàu chuyên khai thác cá ngừ. Nhiều tàu thuyền công suất lớn được ngư dân đầu tư để đánh bắt hải sản xa bờ, nổi bật là nghề câu cá ngừ đại dương với sản lượng hàng năm hơn 6.000 tấn. Cá ngừ đại dương Phú Yên đã có mặt tại nhiều thị trường quốc tế như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... và trở thành món ngon nức tiếng với du khách gần xa.

 

Sau cá ngừ, tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực thứ hai của Phú Yên với hơn 2.000ha diện tích thả nuôi. Đặc biệt, Phú Yên được xem là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước với hơn 33.000 lồng nuôi. Loại hải sản này cũng đã làm “đổi đời” nhiều ngư dân với nguồn thu hàng tỉ đồng mỗi năm.

 

Từ việc thực hiện hiệu quả chính sách tam nông gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Phú Yên đã thay đổi đáng kể, cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện.

 

Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, Phú Yên đã có những bước tiến đáng kể về phát triển công nghiệp, hình thành những điểm nhấn trong quy hoạch phát triển.

 

Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư, gắn với Khu kinh tế Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa theo hướng đa ngành, đa chức năng với quy mô gần 21.000ha, trải dài từ nam cầu Hùng Vương đến cảng Vũng Rô. Tỉnh Phú Yên cũng đã quy hoạch và phát triển 5 khu công nghiệp tập trung với kết cấu hạ tầng được xây dựng khá hoàn chỉnh, gồm Khu công nghiệp Hòa Hiệp 1, 2, Khu công nghiệp An Phú và Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu 1, 2. Hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa. Tại Phú Yên, có những doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước, điển hình là Công ty CP PYMEPHARCO vinh dự nằm trong Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững nhất Việt Nam và Top 10 thương hiệu Việt uy tín.

 

Nhờ đẩy mạnh những công trình đầu tư trọng điểm, những năm trở lại đây, hạ tầng Phú Yên có bước phát triển vượt bậc, phá thế “ốc đảo”, mở toang cánh cửa giao thương các hướng, tạo sự liên kết vùng sâu và rộng hơn.

 

Về hướng nam, hầm đường bộ Đèo Cả hoàn thành đưa vào khai thác đã rút ngắn khoảng cách giữa Phú Yên đến Khánh Hòa, giúp kết nối hai khu kinh tế trọng điểm là Khu kinh tế Nam Phú Yên và Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

 

Về hướng bắc, dự án Hầm đường bộ Cù Mông vừa hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng cuối năm 2018 đã giúp toàn tuyến quốc lộ 1 được thông suốt từ Bắc đến Nam. Đặc biệt, từ đây, 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sẽ tạo được thế liên kết vững chắc, kết nối giao thương, mở rộng hợp tác, thúc đẩy kinh tế phát triển.

 

Về hướng đông, Phú Yên có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao thương bằng đường biển. Cảng biển nước sâu Vũng Rô hiện có thể tiếp nhận tàu trọng tải 5.000 DWT. Ngoài ra, còn có cảng Bãi Gốc đã được quy hoạch có thể tiếp nhận tàu 250.000 DWT. Đây còn là điểm gần hải phận quốc tế nhất của cả nước.

 

Về hướng tây, 2 tuyến quốc lộ 25, 29 nối các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk được chú trọng nâng cấp mở rộng, tạo thuận lợi cho việc liên kết các tỉnh Tây Nguyên.

 

Với sự đầu tư đúng hướng, Phú Yên hiện có hạ tầng giao thông khá hoàn chỉnh gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Đặc biệt, sân bay Tuy Hòa khai thác liên tục các tuyến đi về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư và du khách khi đến với Phú Yên. Sân bay Tuy Hòa cũng đang được định hướng đầu tư để phát triển thành sân bay quốc tế trong tương lai. Cùng với đó là các tuyến đường ven biển Phú Yên được chú trọng đầu tư khá hoàn thiện giúp thuận lợi cho việc thông thương, đồng thời tạo kết nối giữa các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội có bước chuyển mình mạnh mẽ.

 

Tổng duyệt Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh - Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Thành lập cách đây đúng 30 năm, sau 3 tháng tái lập tỉnh, đến nay, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh luôn là ngọn cờ đầu trong ngành GD-ĐT Phú Yên, thuộc Top 50 trong các trường THPT hàng đầu cả nước về thành tích học tập và rèn luyện. Nhiều thế hệ học trò được đào tạo và rèn luyện trong môi trường này đã trở thành những công dân xuất sắc, đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

 

Trường đại học Phú Yên, tiền thân là Trường trung học Sư phạm Phú Yên và Cơ sở cao đẳng Sư phạm Phú Yên trong những ngày đầu tái lập tỉnh, giờ đây đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong khu vực cũng như cả nước. Là một trường đào tạo đa ngành, đa cấp, Trường đại học Phú Yên cũng đã liên kết đào tạo thạc sĩ với các trường đại học, học viện uy tín trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên, góp phần phát triển nguồn nhân lực của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngoài Trường đại học Phú Yên, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 trường đại học công lập, 1 phân viện - Học viện Ngân hàng, 3 trường cao đẳng, hàng năm đào tạo trên 2.500 lao động kỹ thuật cho tỉnh và khu vực. Hệ thống giáo dục phổ thông cũng không ngừng được mở rộng về quy mô và nâng cao về chất lượng.

 

Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố và phát triển, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã thành lập các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên. Đội ngũ y, bác sĩ không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Hiện Bệnh viện Quốc tế cũng đang được xây dựng trên địa bàn TP Tuy Hòa do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, góp phần đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

 

Công tác giảm nghèo được chú trọng, việc nâng cao đời sống cho người dân được đặc biệt quan tâm. Mỗi năm, tỉnh Phú Yên giảm được 2-2,5% hộ nghèo. Đến cuối năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 5,65%. Thu nhập bình quân đầu người hơn 37 triệu đồng người/năm. Hàng vạn gia đình được hỗ trợ xây nhà, xóa nhà ở tạm; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng - an ninh được tăng cường, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, tạo dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh cho công cuộc phát triển.

 

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Phú Yên phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 12,5-13%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng, du lịch - dịch vụ, giảm tỉ trọng nông - lâm - ngư nghiệp.

 

Trong tiến trình phát triển của mình, Phú Yên luôn coi doanh nghiệp, nhà đầu tư là bạn, là người đồng hành không thể thiếu và là đối tượng phục vụ. Đã có nhiều cơ chế chính sách được Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các thủ tục hành chính đã được rút ngắn từ 35-50% so với quy định. Từ năm 2019, Phú Yên đã đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công, trực tiếp giải quyết hơn 1.500 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các sở, ngành của tỉnh. Hướng đến mục tiêu đem đến sự minh bạch, kịp thời trong giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao sự hài lòng của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp.

 

Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên có gần 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Giai đoạn 2011-2017, tỉnh tiếp nhận 19 dự án sử dụng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án trên 4,7 tỉ USD.

 

Với chủ đề “Phú Yên - Hợp tác đầu tư và phát triển”, đầu năm 2018, Hội nghị Xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Phú Yên đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tại hội nghị, UBND tỉnh đã trao 13 thông báo cho phép tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu đầu tư với tổng vốn hơn 60.000 tỉ đồng; trao 17 quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh cho các nhà đầu tư với tổng vốn trên 12.000 tỉ đồng.

 

Sau hội nghị, đã có những dự án được khẩn trương triển khai đầu tư và đi vào hoạt động như Spot Light Resort; khu nghỉ dưỡng cao cấp và sinh thái Việt Beach; trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao; công viên ven biển TP Tuy Hòa; dự án Đầu tư xây dựng cầu Đà Rằng… Tầm quan trọng và quy mô đầu tư của những dự án này kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên trong thời gian tới.

 

Vẫn giữ được vẻ đẹp thơ mộng vốn có của một đô thị bên dòng sông Ba, TP Tuy Hòa đã bứt phá vươn lên phát triển mạnh mẽ, hình thành nên điểm nhấn quan trọng trong hành trình 30 năm tái lập tỉnh.

 

Xếp hạng đô thị loại 2, Tuy Hòa mang dáng dấp của một thành phố trẻ năng động đang trên đà phát triển. Khu vực ven biển Tuy Hòa được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư với định hướng trở thành khu vực giải trí, dịch vụ biển cao cấp, thu hút du lịch và kích thích các dự án du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản cao cấp, để từng bước hình thành đô thị biển.

 

Về hạ tầng, Tuy Hòa được chú trọng đầu tư với trọng điểm là công trình cầu Hùng Vương và cầu Đà Rằng nối liền 2 bờ nam - bắc của thành phố. Khu đô thị Nam Tuy Hòa với quy mô dân số 30.000-40.000 người cũng dần được hình thành, tạo kết nối phát triển với Khu kinh tế Nam Phú Yên và hình thành nên khu đô thị mở Tuy Hòa.

 

Nằm trên dải đất duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên là vùng đất được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi với lợi thế biển đảo cùng hệ thống đầm, vịnh rất đa dạng. Trong đó có nhiều danh thắng quốc gia được đánh giá là đẹp vào hạng nhất Việt Nam như gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, quần thể Hòn Yến, vịnh Xuân Đài, Bãi Môn - Mũi Điện, Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn...

 

Cùng với đó, lịch sử hơn 400 năm hình thành và phát triển đã làm nên một bề dày giá trị văn hóa, lịch sử với hơn 40 di tích được xếp hạng và nhiều lễ hội truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể được công nhận như Lễ hội Cầu Ngư, Bài chòi, Nghệ thuật trình diễn Trống đôi cồng ba chinh năm… Nét đặc sắc văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa của nhiều nền văn hóa, nhiều vùng văn hóa từ văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, đến văn hóa các dân tộc thiểu số ở phía tây của tỉnh. Tất cả đã tạo nên nét độc đáo riêng có của quê hương xứ Nẫu, mà những năm gần đây du khách gần xa vẫn biết đến là vùng đất “hoa vàng cỏ xanh”, “điểm đến hấp dẫn và thân thiện”. Bên cạnh đó, Phú Yên còn níu chân du khách gần xa với những món ngon nức tiếng được xếp vào hàng đặc sản như cá ngừ đại dương, tôm hùm, sò huyết Ô Loan… Năm 2018, lượng khách đến Phú Yên đã đạt con số 1,6 triệu lượt người với tổng doanh thu hơn 1.556 tỉ đồng.

 

Chặng đường 30 năm tái lập và phát triển đã chứng kiến một Phú Yên chuyển mình vươn lên phát triển mạnh mẽ. Đó là kết quả của tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên.

 

Một chặng đường mới với những thời cơ, vận hội và cả những thách thức mới của một vùng đất còn nhiều tiềm năng cần được đánh thức, khai phá. Đặc biệt, khi cánh cửa giao thương từ 4 phía: tây - bắc - đông - nam đã mở, sẽ tạo ra nhiều cơ hội để Phú Yên bứt phá vươn lên phát triển, nhất là việc mở rộng liên kết vùng với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Từng bước xây dựng Phú Yên trở thành một trung tâm dịch vụ lớn của miền Trung và cửa ngõ ra biển Đông của Tây Nguyên. Để một ngày không xa, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Tổ quốc sẽ đón ánh bình minh của sự phát triển và thịnh vượng.

 

HUỲNH TẤN VIỆT

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,

Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp