Tỉnh Phú Yên lúc mới được tái lập gặp nhiều khó khăn, hạ tầng kỹ thuật hầu như không có gì, giao thông xuống cấp nghiêm trọng, chưa có điện lưới quốc gia và nước máy, hầu như không có cơ sở công nghiệp trừ cơ sở đông lạnh và vài nhà máy nước đá nhỏ, không có khách sạn, ngay cả TX Tuy Hòa cũng chỉ có vài nhà khách, nhà nghỉ... Thu ngân sách chỉ dựa vào thuế nông nghiệp và thủy lợi phí. Năm đầu tiên sau khi tái lập tỉnh chỉ thu được gần 30 tỉ đồng, vốn đầu tư do Trung ương hỗ trợ chỉ 7 tỉ đồng... Từ xuất phát điểm đó mới thấy những thành quả mà quân dân tỉnh ta làm được trong 30 năm qua là rất đáng trân trọng, tự hào.
Thành quả sau 30 năm tái lập tỉnh
Hạ tầng kinh tế được tập trung đầu tư và có sự cải thiện rõ nét, tạo nền tảng tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Các tuyến quốc lộ và hầu hết tỉnh lộ đều được đầu tư làm mới và nâng cấp, trong đó hình thành thêm 3 quốc lộ mới: 29, 19C và 1D. Nhiều cầu lớn qua sông Ba, sông Bàn Thạch, sông Kỳ Lộ được xây dựng; hầm đường bộ qua đèo Cả, đèo Cù Mông được hoàn thành. Sân bay Tuy Hòa khôi phục, nâng cấp và xây dựng nhà ga mới từ năm 2013. Cảng Vũng Rô được xây dựng đưa vào hoạt động từ sau tháng 10/2004. Đường giao thông nông thôn cấp huyện, xã, thôn được đầu tư bê tông hóa gần 3.600km. Đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh cũng có sự cải thiện hơn trước.
Điện lưới quốc gia được đưa về tỉnh từ năm 1993, đến năm 2008 đã phủ kín đến 100% xã và năm 2011 phủ kín đến các thôn trong toàn tỉnh với hơn 99,9% số hộ sử dụng điện. Sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người tăng 40 lần kể từ năm 1989 đến nay. Hình thành nhiều nhà máy thủy điện, nhiệt điện từ nguyên liệu bã mía và đang triển khai điện mặt trời, đưa Phú Yên thành một địa phương sản xuất năng lượng tái tạo cung ứng cho đất nước.
Thông tin - Viễn thông: từ chỗ chỉ khoảng 3.000 máy điện thoại cố định, đến nay đã có gần 1,2 triệu thuê bao di động và internet, tỉ lệ người dùng internet ước tính đạt hơn 65%. Về cấp nước: từ chỗ không có nhà máy nước đến nay không kể các cơ sở nước sạch nông thôn thì đã có 9 nhà máy nước đang hoạt động với công suất cấp nước hơn 47.000m3/24 giờ cho các đô thị và khu công nghiệp.
Về hạ tầng đô thị: đầu tư đồng bộ đưa TX Tuy Hòa từ đô thị loại IV lên thành thành phố đô thị loại II, đưa huyện Sông Cầu lên TX Sông Cầu là đô thị loại III và đang chuẩn bị đưa huyện Đông Hòa lên thị xã. Các thị trấn cũng được chú trọng đầu tư hạ tầng đô thị đạt chuẩn đô thị loại V. Khu kinh tế Nam Phú Yên, Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, An Phú, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang được đầu tư hạ tầng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và khá ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, sớm cơ cấu lại thành phần kinh tế theo hướng phát triển nhanh kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu quả nền kinh tế.
Sau 30 năm, GRDP đầu người tăng khoảng 11 lần từ dưới 170 USD/người lên hơn 1.800 USD/người, nếu loại trừ yếu tố tăng trưởng dân số thì GRDP hàng năm tăng khoảng 9%/năm trong suốt 30 năm qua. Đây là một con số rất có ý nghĩa đối với một tỉnh có xuất phát điểm thấp và có nhiều khó khăn như tỉnh Phú Yên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ chỗ khu vực nông nghiệp chiếm gần 57% GRDP, sau 30 năm chỉ còn chiếm gần 24%, công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 73% GRDP, đưa Phú Yên từ một tỉnh gần như thuần nông trở thành một tỉnh có cơ cấu công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ yếu.
Đi đôi với phát triển kinh tế, tỉnh Phú Yên luôn chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa. Trong ảnh: Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn (TP Tuy Hòa) được bảo tồn và ngày càng thu hút nhiều du khách tham quan - Ảnh: MINH NGUYỆT |
Đã hình thành Khu kinh tế Nam Phú Yên và một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nhiều cơ sở công nghiệp về sản xuất năng lượng, chế biến nông - lâm - thủy sản, vật liệu xây dựng, phân bón, bia và nước giải khát, may mặc… và hàng trăm cơ sở tiểu thủ công nghiệp được thành lập, thu hút hơn 100.000 lao động. Về du lịch: từ chỗ chỉ có vài nhà nghỉ ở Tuy Hòa, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 110 khách sạn với gần 4.000 phòng và hàng trăm cơ sở dịch vụ, điểm đến du lịch, mỗi năm thu hút lên đến khoảng 1,5 triệu lượt khách và đang tiếp tục tăng trưởng 15-20%/năm. Doanh nghiệp tư nhân và FDI từ chỗ không có, đến nay đã có hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực, tạo ra sức sản xuất lớn và năng động cho nền kinh tế.
Sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ, nông nghiệp từng bước đổi mới, đời sống nông dân được cải thiện. Từ chỗ chỉ tập trung sản xuất lương thực, nhất là sản xuất lúa gạo, còn lại các cây trồng, vật nuôi khác đều sản xuất phân tán, năng suất và hiệu quả thấp đến nay đã hình thành một số vùng nông nghiệp có tính chuyên canh cao, gắn với ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, sử dụng giống tốt và nâng cao mức độ cơ giới hóa trong làm đất, vận chuyển, thu hoạch, chế biến… đã làm tăng sản lượng và nâng giá trị sản phẩm đáng kể.
Ngoài vùng lúa năng suất cao, đã hình thành vùng mía chuyên canh đạt đến 1,7 triệu tấn nguyên liệu, vùng sắn đạt 0,4 triệu tấn củ phục vụ cho các nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu gỗ của một số doanh nghiệp, vùng trồng khóm ở Đồng Din (huyện Phú Hòa), trồng rau hoa ở vùng phụ cận TP Tuy Hòa, nuôi tôm hùm ở Sông Cầu, các cơ sở nuôi heo, bò tập trung… Việc khai thác thủy sản từ chỗ khai thác ven bờ đã chuyển sang chủ yếu dùng tàu công suất lớn khai thác xa bờ, hình thành được nghề mới câu cá ngừ đại dương.
Từ năm 2011 đến nay, đã tập trung thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới, tạo ra được diện mạo mới cho các vùng nông thôn trong tỉnh: làm đường bê tông nông thôn, cải tạo điện hạ thế, hoàn chỉnh trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa… Đến hết năm 2019, khả năng 60% số xã và 1/3 số huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt thông qua việc nâng cấp nhà ở, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất và cuộc sống hàng ngày.
Văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội được chú trọng phát triển khá, đồng bộ với việc tăng trưởng kinh tế với một số kết quả nổi bật. Hệ thống giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đã phát triển sâu rộng đến tận cơ sở, riêng cấp phổ thông trung học đã đạt được mức bình quân 3 xã có 1 trường cấp 3 hoặc cấp 2-3. Việc đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học từ chỗ không có vào lúc tái lập tỉnh, đến nay trên địa bàn có 2 trường đại học, 1 phân viện, 3 trường cao đẳng tạo thuận lợi cho việc học tập của con em trong tỉnh.
Về y tế, từ chỗ chỉ có 2 bệnh viện cấp tỉnh với cơ sở xuống cấp, thiết bị thiếu thốn, đến nay đã có 5 bệnh viện và nhiều trung tâm chuyên khoa cấp tỉnh hầu hết được xây dựng và trang bị mới, tuy chất lượng phục vụ cần phải tiếp tục nâng cao thêm nhưng đã tốt hơn nhiều lần so với trước. Y tế dự phòng hoạt động hiệu quả, kịp thời ngăn chặn các dịch bệnh lớn. Những năm gần đây, chính sách thu hút bác sĩ của tỉnh có tác dụng tốt, được Bộ Y tế đánh giá cao.
Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, thông tin báo chí: đã hình thành được nhà hát, bảo tàng, nhà thi đấu, sân thể thao, đài phát thanh truyền hình, nhà in, đài truyền hình cáp… Nhiều nghệ sĩ đạt thành tích cao, được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Vận động viên thể thao của tỉnh cũng từng đạt huy chương bạc Olympic, huy chương vàng tại Seagames… Nhiều di sản văn hóa lịch sử, danh thắng được công nhận di sản cấp quốc gia, cấp tỉnh. Báo Phú Yên từ 2 số/tuần đã chuyển thành nhật báo từ năm 2009 và sớm khai trương trang điện tử Phú Yên Online.
Về lĩnh vực xã hội, các chương trình xóa đói giảm nghèo, chăm lo đồng bào dân tộc và vùng miền núi, đào tạo nghề và tạo việc làm, chăm lo người có công, giúp đỡ các đối tượng yếu thế trong xã hội… đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần có ý nghĩa trong việc phát triển xã hội.
Từ một “vùng trắng” về du lịch, hiện Phú Yên là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan, du ngoạn biển Phú Yên - Ảnh: PV |
An ninh quốc phòng được tăng cường, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc bảo đảm sự ổn định cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Từ chỗ không có bộ đội chủ lực trên địa bàn, đến nay tỉnh đã tiếp nhận và tạo điều kiện cho việc đóng quân và triển khai nhiệm vụ của các đơn vị không quân, hải quân đến địa bàn tỉnh ta. Công tác tuyển thanh niên nhập ngũ, huy động lực lượng dự bị động viên, xây dựng dân quân đều đạt nhiệm vụ cấp trên giao. Nhiều công trình phòng thủ, doanh trại bộ đội, đồn biên phòng được xây dựng. Hoạt động huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ, phối hợp bảo vệ biên giới biển ngày càng đi vào nề nếp. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội đạt nhiều thành quả tốt, kịp thời trấn áp các loại tội phạm.
Hệ thống chính trị không ngừng được chăm lo xây dựng, đội ngũ cán bộ được đào tạo tốt hơn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công cuộc đổi mới ở địa phương. Số lượng đảng viên tăng lên nhiều lần so với thời điểm tái lập tỉnh, hình thành được chi bộ đảng đến thôn, buôn, khu phố và đang được phát triển ở khu vực kinh tế tư nhân tạo điều kiện lãnh đạo sát hơn đến cơ sở. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng 3 mặt, xử lý nghiêm đảng viên và tổ chức Đảng vi phạm. Các cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng do Trung ương phát động đều được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc.
Bộ máy làm công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể không ngừng được kiện toàn theo các chủ trương của Trung ương và quy định của luật pháp. Đội ngũ cán bộ được trẻ hóa, đào tạo đạt chuẩn, được trang bị điều kiện làm việc tốt hơn. Công nghệ thông tin được áp dụng thí điểm trong quản lý từ đầu những năm 2000 và đến nay được áp dụng rộng rãi từ tỉnh đến cơ sở, chuẩn bị tích cực theo hướng xây dựng Chính phủ điện tử.
Một số suy nghĩ hướng về 30 năm tới
Cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng hiện nay, một tỉnh ven biển có nhiều lợi thế như Phú Yên phải hướng đến trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương vào khoảng năm 2045. Để đạt được mục tiêu đó, cần lưu ý:
Sớm chuẩn bị và xây dựng quy hoạch kinh tế xã hội Phú Yên đến năm 2050, với định hướng đưa Phú Yên trở thành thành phố trong 25-30 năm tới - một thành phố đáng sống “văn minh, yên bình, trong lành”.
Đặc biệt chú trọng quy hoạch hệ thống giao thông trục bảo đảm kết nối chặt chẽ với hệ thống giao thông quốc gia và tạo sự liên kết chung cho cả thành phố sau này (một số tỉnh hiện nay có đa số đơn vị cấp huyện là thành phố thuộc tỉnh và thị xã, nhưng chưa thể trở thành thành phố thuộc Trung ương vì chậm chuẩn bị vấn đề này). Trong quy hoạch, chú trọng gắn kết với đặc khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), nhất là về giao thông và cấp nước sạch từ nguồn nước dồi dào ở khu vực Phú Yên.
Nhiều trung tâm thương mại được xây dựng, ngày càng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Phú Yên - Ảnh: PV |
Chú trọng việc bảo đảm sân bay Tuy Hòa đạt chuẩn sân bay quốc tế có khả năng tiếp nhận 7-8 triệu lượt khách/năm. Làm rõ việc kết nối đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt đi Tây Nguyên, các quốc lộ 25, 29, 19C với hệ thống giao thông nội tỉnh. Nghiên cứu hình thành tuyến ĐT644 nối lên Gia Lai, tuyến ĐT645B từ Sơn Thành theo ven núi xuống Phú Khê và Phước Tân. Nâng cấp tuyến đường ven biển (kể cả xây dựng cầu Bình Thạnh) thành một tuyến đường phục vụ du lịch, hoàn thiện tuyến liên huyện qua cầu Dinh Ông và tuyến liên huyện qua ĐT648-650 thành các tuyến liên kết Bắc - Nam trong nội thành sau này.
Tìm các nhà đầu tư PPP hoặc BO đối với cảng Bãi Gốc và cảng Vũng Rô, Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần tại các cảng này.
Trên cơ sở quy hoạch chung đó, sớm quy hoạch chi tiết và đầu tư đưa Tuy Hòa thành đô thị loại I trước 2030, đưa Sông Cầu sớm thành thành phố đô thị loại III và Đông Hòa lên thị xã, để đến trước 2040 đều là thành phố đô thị loại II, Tuy An thành thị xã trước 2030 và thành phố đô thị loại III trước 2040. Thành lập huyện Vân Hòa trên cơ sở các xã phía bắc Sơn Hòa và tây Tuy An khoảng 2030, để có điều kiện xây dựng Tuy An thành thành phố loại III và đưa Sơn Hòa lên thành thị xã. Các thị trấn Củng Sơn, Sông Hinh, Phú Hòa, Phú Thứ, Sơn Định thành đô thị loại IV trước 2040.
Phát triển công nghiệp một cách hợp lý và phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Rà soát lại toàn bộ quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng không để phân tán, an toàn về môi trường, có giá trị gia tăng cao, khai thác được lợi thế địa phương trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Xác định diện tích dùng để phát triển công nghiệp ở Khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu để chọn lọc thu hút đầu tư phù hợp. Việc thu hút đầu tư chế biến nông lâm thủy sản phải gắn vùng nguyên liệu và bảo đảm an toàn môi trường cho việc lên thành phố trong tương lai.
Quy hoạch việc phát triển du lịch theo hướng xây dựng một không gian du lịch đa dạng: biển đảo, nông thôn, vùng núi cả nghỉ dưỡng, khám phá, sinh thái, tâm linh, giải trí, mạo hiểm… Chú ý các khu vực nam Đông Hòa (Vũng Rô - Mũi Điện - Đá Bia - Đập Hàn), ven biển TP Tuy Hòa, đông Tuy An, khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, bắc Sông Cầu, hồ Sông Hinh, hồ Mỹ Lâm, các điểm núi cao 1.000m ở La Hiên, Lạc Đạo. Quy hoạch và sớm dời đô thị hành chính tỉnh về phía tây TP Tuy Hòa, chuyển cả vùng ven biển Tuy Hòa cho các cơ sở phục vụ du lịch. Hình thành các khu sinh thái - tâm linh - nghỉ dưỡng: Núi Chóp Chài, gành đá Hòa Thắng, sân golf và khu nghỉ dưỡng Vân Hòa, các suối nước nóng, nhà thờ Mằng Lăng, các ngôi chùa cổ, thiền viện Trúc Lâm… Khai thác các di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh phục vụ phát triển du lịch. Qua đó, hình thành hệ thống điểm đến và các cơ sở lưu trú, dịch vụ phục vụ lượng khách 7-8 lần hiện nay, trong đó có 20% là khách quốc tế.
Do Phú Yên nằm trong vùng khô hạn và có vùng đồng bằng và đô thị ven biển khá thấp dễ bị tác động do biến đổi khí hậu, nên cần có sự chuẩn bị ứng phó đầy đủ và xây dựng một nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục xây dựng hệ thống đê, kè ven các sông gắn với đường giao thông trên đê, nơi có điều kiện thì hình thành các khu dân cư ven sông và phát triển tuyến đường sông. Nghiên cứu ưu tiên phát triển đô thị hai bên sông Đà Rằng từ cầu Dinh Ông xuống đến TP Tuy Hòa. Xây dựng các công trình chỉnh trị các cửa Đà Diễn, Đà Nông, Tiên Châu… bảo đảm thoát lũ và thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân vào bến. Đầu tư các công trình chống xâm thực do tác động của nước dâng và triều cường vùng ven biển, trồng các loại cây chịu mặn ở một số đầm vịnh, vùng cửa sông vừa chống chịu xói lở, vừa tạo nơi sinh sôi cho thủy sản.
Tăng cường bảo vệ rừng và trồng rừng, tạo nhiều hồ, đập nhỏ để giữ nước ở phía tây vừa tăng độ che phủ đất vừa tăng dòng chảy chống xâm nhập mặn trên các dòng sông. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp và hộ dân trồng rừng kinh tế, trồng vườn cây ăn quả trên diện tích đất rừng thưa và đất nông nghiệp đang trồng mía, hoa màu năng suất thấp… tạo ra quỹ rừng trồng 17-20 vạn hecta toàn tỉnh, có khả năng cung cấp ổn định 1,5 triệu tấn nguyên liệu gỗ rừng trồng hàng năm trong 10-15 năm tới. Xây dựng bản đồ vùng ngập lũ chi tiết cho các vùng để có khuyến cáo về cao độ vượt lũ phù hợp cho từng tiểu vùng dân cư khi xây dựng công trình sản xuất và nhà ở, định hướng cho đến năm 2050.
Quy hoạch định hướng nền nông nghiệp vừa theo hướng hiện đại, vừa phải thích nghi biến đổi khí hậu: thu hẹp hợp lý vùng lúa nước và cây trồng cần nhiều nước, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, rau hoa để tưới tiết kiệm nước và phù hợp với việc phục vụ phát triển du lịch và xuất khẩu. Xây dựng vùng trồng cỏ nuôi bò thâm canh có thể nuôi được 3 vạn bò sữa và khoảng 10 vạn bò thịt. Hình thành các vùng cây ăn quả: khóm, bơ, mít, chuối, sầu riêng… đạt chuẩn VietGAP với sản lượng trên 5-6 vạn tấn/năm phục vụ khách du lịch và chế biến xuất khẩu. Đối với diện tích mía chuyên canh nếu năng suất dưới 100 tấn/ha và cây sắn chuyên canh dưới 40 tấn/ha thì nghiên cứu chuyển cây trồng khác như trồng cỏ nuôi bò. Cây lương thực có hạt (lúa, bắp) diện tích thu hẹp hơn nhưng sẽ chuyển sang hướng chất lượng cao và năng suất cao, tăng thu nhập cho nông dân. Phát huy mạnh mẽ vai trò khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong việc đưa công nghệ vào sản xuất trong tỉnh.
Trong chăn nuôi, từng bước chuyển sang hình thức trang trại chăn nuôi tập trung bò, heo, gia cầm hiệu quả cao hơn và thuận lợi cho việc phòng chống dịch. Trang trại nhỏ, hộ gia đình chuyển sang hướng chăn nuôi đặc sản. Trong nuôi trồng thủy sản, những người nuôi có điều kiện nên học tập và triển khai mô hình nuôi công nghệ cao như Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc đang làm. Vùng nuôi đại trà sẽ thu hẹp hơn, với mật độ thưa hơn, tránh ô nhiễm môi trường, gắn kết với du lịch biển.
Việc khai thác thủy sản chuyển hẳn sang khai thác xa bờ với tàu công suất lớn từ 400CV trở lên, được trang bị phương tiện khai thác tốt hơn và bảo đảm kiểm soát hành trình để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Hướng đến mục tiêu đạt ổn định 10 vạn tấn/năm cả khai thác và nuôi trồng...
Khai thác hải sản đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân Phú Yên. Trong ảnh: Ngư dân TP Tuy Hòa chuyển cá lên xe đưa ra ngoài tỉnh tiêu thụ - Ảnh: PV |
Một số vấn đề khác:
Giáo dục mầm non và phổ thông được tổ chức theo 2 hướng: vùng nghèo, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được miễn phí, còn lại theo hướng xã hội hóa cao. Mô hình trường tư chất lượng cao, phục vụ tốt với học phí cao như mô hình trường Duy Tân hiện nay sẽ được phát triển rộng rãi theo nhu cầu xã hội.
dục, được trang bị để có thể tiếp nhận chương trình giảng dạy chung toàn quốc hàng ngày qua internet, phát huy được tính tự chủ của học sinh trong học tập và người thầy chỉ là người hướng dẫn. Hình thành hệ thống trường nghề đến các huyện, các khu vực đông dân, đủ để nhận phân luồng học sinh chuyển học nghề sau tốt nghiệp lớp 9.
Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng các trường đại học, cao đẳng hiện nay, phối hợp đưa Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung lên đại học. Các trường có khả năng tiếp nhận khoảng 3-4 vạn sinh viên trong khu vực, chất lượng đào tạo phải đạt chuẩn do Bộ GD-ĐT quy định và đồng thời là các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ của địa phương và cả nước. Mọi sinh viên phải sử dụng được một ngoại ngữ trong giao tiếp thông thường và tham khảo các tài liệu khoa học chuyên ngành mình.
Về chăm sóc sức khỏe: ngoài việc tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện hiện nay, cần nghiên cứu xây dựng thêm một số bệnh viện chuyên khoa phù hợp như: tách sản và nhi, lập các bệnh viện ung bướu, da liễu, các bệnh nhiệt đới… thành lập cơ sở chăm sóc người bệnh tâm thần. Tạo điều kiện thu hút một số bệnh viện tư chất lượng cao phục vụ khách du lịch và người có thu nhập cao. Vận động người dân tham gia BHYT 100%. Xây dựng hệ thống y tế cơ sở đạt chuẩn, hình thành cơ chế bác sĩ gia đình. Tổ chức tốt công tác y tế dự phòng. Phát huy hiệu quả y học cổ truyền, thực hiện Đông - Tây y kết hợp.
Xây dựng Cung văn hóa tỉnh tại Quảng trường 1 Tháng 4, có kiến trúc độc đáo, trở thành một biểu tượng của địa phương, một điểm đến du lịch, phục vụ cho nhân dân và du khách. Lập hồ sơ đưa đàn đá - kèn đá Tuy An sớm trở thành bảo vật quốc gia và tiến đến được UNESCO công nhận là di sản nhân loại. Xây dựng khu liên hợp thể thao tỉnh mới, chuyển sân vận động và nhà thi đấu hiện nay cho TP Tuy Hòa. Ở cấp huyện, đầu tư nâng cấp các trung tâm văn hóa - thể dục thể thao, trong đó có sân vận động đạt yêu cầu thi đấu thể thao.
Định lại chuẩn nghèo theo tiêu chí chung của thế giới, tạo phong trào toàn xã hội giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật, người già và trẻ em mồ côi không nơi nương tựa ổn định và không ngừng nâng cao cuộc sống, phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới dưới 2% tổng số hộ.
Thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là đưa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các mặt đời sống xã hội, trước hết là xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện các giao dịch thương mại, trong quản lý doanh nghiệp và trong giáo dục - đào tạo… tạo được bước chuyển biến quan trọng trong lĩnh vực này.
Thực hiện được mục tiêu “cứ 60 người dân, có 1 doanh nghiệp” toàn tỉnh vào thời điểm đó ước khoảng 1,2-1,3 triệu người (kể cả tăng cơ học), như vậy sẽ phải có hơn 2 vạn doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở vững chắc để tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và tạo nguồn thu cho ngân sách. Muốn vậy phải có nhiều giải pháp tốt, chính sách thu hút phù hợp và bộ máy chính quyền trong sạch và hữu hiệu, phục vụ tốt và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.
ĐÀO TẤN LỘC
Nguyên Ủy viên BCH Trung ương khóa X, XI;
nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên khóa XIV, XV