Phương án quản lý, sử dụng bãi biển và mặt nước biển trên địa bàn TP Tuy Hòa vừa được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp thứ sáu với nhiều vấn đề đáng lưu ý. Là thành phố có bờ biển dài và đẹp, do đó việc lập phương án quản lý, sử dụng bãi biển và mặt nước biển trên địa bàn là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của đô thị, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách, phù hợp với định hướng phát triển của TP Tuy Hòa.
Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Cao Đình Huy đã cung cấp những thông tin đáng lưu ý về phương án này.
Theo đó, việc xây dựng phương án quản lý, sử dụng bãi biển và mặt nước biển trên địa bàn TP Tuy Hòa là để bố trí các khu chức năng phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao. Từ đó xác định các loại hình thể thao biển; quy hoạch chi tiết các khu vực tổ chức các hoạt động thể thao biển; phân công nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc quản lý hoạt động thể thao, du lịch biển; vệ sinh môi trường, an ninh trật tự khu vực ven biển. Thời gian thực hiện phương án này kể từ năm 2022.
Địa điểm các khu chức năng sẽ thuộc phường 6, 7, 9 và xã Bình Kiến với quy mô khoảng 46,6ha (bao gồm diện tích phần bãi cát và diện tích phần mặt nước); có các giới cận phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp công viên biển, phía nam giáp Cảng cá phường 6, phía bắc giáp đường số 14.
Nhiều khu vực vui chơi, thể thao
Các khu bãi cát, bãi tắm công cộng, chèo thuyền kayak và cắm trại được gọi là khu vực tĩnh. Trong đó, khu vực bãi cát được tính từ ranh giới công viên biển đến mép nước triều cao nhất, trung bình khoảng 50m. Nơi này sẽ bố trí các ki-ốt kinh doanh nước giải khát (không bán chất có cồn), phân khu không gian văn hóa, sân bóng chuyền, sân bóng đá bãi biển, cắm trại...
Trong khi đó, khu bãi tắm công cộng có phạm vi 60m, tính từ mép nước triều trở ra biển, gồm 4 phân khu chính gồm bãi tắm Quảng trường 1 Tháng 4, bãi Ba Con Sò, bãi Nghinh Phong và bãi Đường N3. Khu vực chèo thuyền kayak (thuyền nhỏ chỉ chở được 1-2 người), thuyền sup (ván đứng chèo) được bố trí từ đường Lý Tự Trọng đến khu resort Thuận Thảo (cũ) và từ đường An Dương Vương đến đường 14, phạm vi 60m, tính từ mép nước triều trở ra của bờ biển. Dọc theo công viên ven biển từ đường số 14 đến đường An Dương Vương là khu vực cắm trại.
Một khu vực riêng biệt khác nữa dành cho nhiều loại hình thể thao dưới nước phổ biến, được gọi là khu vực thể thao động, gồm: Khu vực mô tô nước (điều khiển mô tô nước tốc độ cao 70-80km/giờ); khu vực cano kéo thuyền chuối (phao trang bị 5 chỗ, cano kéo thuyền tốc độ cao từ 50-80km/giờ); cano kéo dù lượn (tàu kéo dù lượn tốc độ 50-80km/giờ) và khu vực Flyboard (loại hình thể thao một chiếc ván trượt có thể sử dụng cách mặt nước 1,5m). Phạm vi mặt nước dành cho các trò chơi cảm giác mạnh nói trên tính từ Cảng cá phường 6 đến đường số 14, chiều rộng 650m, tính từ mép nước triều trở ra biển (trừ các khu vực bãi tắm công cộng và khu vực trò chơi khác).
Chú trọng công tác đảm bảo an toàn
Theo Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, trong quá trình xây dựng phương án, cơ quan chức năng thành phố và đơn vị tư vấn chú trọng đến các yếu tố an toàn đối với các hoạt động thể thao giải trí trên mặt nước biển cũng như công tác cứu nạn, cứu hộ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Trong phương án quản lý có nêu rõ, tại mỗi khu vực bố trí phao neo, cờ định vị; phân chia ranh giới giữa các khu vực vui chơi có động cơ (cano, tàu thuyền, lướt ván có động cơ…) với khu vực vui chơi không động cơ như tắm biển, chèo thuyền, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Bến bãi neo đậu phương tiện bố trí dọc theo bờ biển, được thiết lập bằng hệ thống phao neo, trụ neo để phương tiện neo đậu vận chuyển hành khách hoặc thực hiện hoạt động khác theo quy định. Mỗi bến bãi neo đậu có khoảng cách ít nhất là 250m. Cửa ra vào bến bãi neo đậu có chiều rộng 6m.
THANH LÊ