Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh vừa phối hợp với Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn (NCSP), thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tổ chức hoạt động truyền thông, tuyên truyền bảo đảm an ninh, an toàn đường ống dẫn khí dưới biển cho ngư dân TP Tuy Hòa.
TP Tuy Hòa là nơi có số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản hoạt động xa bờ lớn nhất tỉnh. Đang mùa mưa bão, nhiều tàu cá vào bờ tránh trú và duy tu, bảo dưỡng. Đây chính là thời điểm thích hợp để tổ chức gặp mặt những người thường xuyên vươn khơi bám biển này.
Nắm vững để tránh vi phạm
Cũng như nhiều lần trước, Đồn Biên phòng Tuy Hòa chính là nơi được chọn để ngư dân hội ngộ sau một thời gian dài hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. Hội trường chỉ có sức chứa khoảng 80 người, nhưng hôm đó có hơn 100 ngư dân của phường 6 và phường Phú Đông đến dự nên cán bộ chiến sĩ của đơn vị này phải kê thêm ghế để bà con có đủ chỗ ngồi.
Theo đó, ngư dân được đại diện của NCSP phổ biến về hệ thống dẫn khí quốc gia trên biển; nội dung Nghị định 03/NĐ-CP ngày 7/1/2002 của Chính phủ về bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí; Nghị định 99/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; những hành vi có thể gây nguy hiểm đến hệ thống ống dẫn khí dưới biển mà ngư dân cần nắm vững để tránh vi phạm. Trước khi được đại diện của NCSP giới thiệu về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của dầu khí và đường ống dẫn khí dưới biển, bà con được theo dõi qua màn ảnh một số hình ảnh, tư liệu về những hành vi vi phạm của tàu cá như thả lưới, câu cá, neo đậu... trong hành lang an toàn dầu khí, cần phải khắc phục. Ngư dân cũng được cung cấp tờ rơi về sơ đồ hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển và được hướng dẫn cài đặt tọa độ hệ thống tuyến ống khí biển do PV GAS quản lý vào máy định vị tàu cá (GPS) để nắm bắt, chủ động phòng tránh; không neo đậu, đánh bắt, nuôi trồng hải sản, khai thác phế liệu… trong khu vực hành lang an toàn các công trình dẫn khí trên biển, đặc biệt là hệ thống ống khí Nam Côn Sơn 1, Nam Côn Sơn 2, Bạch Hổ và PM3 - Cà Mau.
Có mặt từ rất sớm và chăm chú nghe, theo dõi từ đầu đến cuối, thuyền trưởng tàu cá PY-90531 Trần Văn Tầu (53 tuổi) đến từ phường 6, tâm đắc: Phường 6 và phường Phú Đông đa số ngư dân có tàu công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ. Buổi truyền thông này rất thiết thực, đã cung cấp về các tọa độ có đường ống dẫn khí để ngư dân biết, không điều khiển phương tiện vào hành lang an toàn cũng như có thêm kiến thức về xử lý sự cố liên quan đến đường ống dẫn khí…
Còn thuyền trưởng tàu cá PY-91071 Nguyễn Văn Tiến (50 tuổi, phường Phú Đông) cho biết: Những thông tin của buổi truyền thông này giúp ngư dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật khi hành nghề khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Chúng tôi sẽ đặc biệt chú ý đến các tọa độ của đường ống dẫn khí khi đi biển, không neo đậu, đánh bắt hải sản trong khu vực hành lang an toàn các công trình dầu khí…
Đại diện NCSP truyền thông về an toàn, an ninh đường ống dẫn khí dưới biển cho ngư dân TP Tuy Hòa. Ảnh: LẠC VIỆT |
Gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển
Phú Yên có chiều dài bờ biển gần 190km. Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 phương tiện khai thác đánh bắt xa bờ. Trong đó, tập trung ở phường 6 và phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) với hơn 500 chiếc; TX Đông Hòa 155 chiếc; huyện Tuy An hơn 100 chiếc… Toàn tỉnh có 119 tổ đội sản xuất an toàn trên biển với hơn 7.900 lao động thường xuyên hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động khai thác hải sản.
Theo thượng tá Nguyễn Hữu Thao, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh, trừ năm 2021 do đại dịch COVID-19 bùng phát, các năm trước đó, BĐBP tỉnh đều phối hợp với NCSP tổ chức truyền thông về an ninh, an toàn đường ống dẫn khí dưới biển cho các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh. Cùng với hoạt động tuyên truyền, BĐBP tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và nhắc nhở, hướng dẫn ngư dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn đường ống dẫn khí trên biển và không xâm phạm vùng biển nước ngoài; kịp thời phát hiện, tố giác những hành vi xâm phạm; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường với tham gia đấu tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo của Tổ quốc.
Còn theo đại diện NCSP, hiện nay trên cả nước có khoảng 1.000km đường ống dẫn khí và dầu; trong đó có khoảng 700km đường ống nằm dưới biển, chủ yếu ở vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Hệ thống đường ống khí Nam Côn Sơn là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò then chốt trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và sự nghiệp phát triển công nghiệp dầu khí Việt Nam. Từ khi đi vào hoạt động (2002) đến nay, NCSP đã tiếp nhận, xử lý, vận chuyển và cung cấp ổn định, an toàn hơn 100 tỉ m3 khí và 23 triệu thùng condensate. Có thời điểm lượng khí do NCSP cung cấp đã giúp sản xuất khoảng 40% tổng sản lượng điện cả nước. NCSP đã góp phần quan trọng trong sự phát triển của PV GAS, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như tạo động lực phát triển cho nền kinh tế Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho ngành Công nghiệp khí Việt Nam, hàng năm, NCSP dành gần 1 tỉ đồng cho các chương trình an sinh xã hội.
Giám đốc NCSP Hoàng Minh cho biết, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống đường ống dẫn khí trên biển là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Hàng năm, đơn vị phát hiện nhiều trường hợp tàu cá thả neo, tàu giã cào tác động vào đường ống dẫn khí, gây ảnh hưởng đến lớp bảo vệ an toàn. Vì vậy rất cần sự chung tay của ngư dân khi khai thác hải sản trên biển, nhằm giảm tối đa số vụ vi phạm, ngăn ngừa rủi ro cho người, tài sản và môi trường biển.
Với phương châm lấy phòng ngừa là chính, trong thời gian qua, PVN đã ký kết chương trình phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP về công tác bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển. Theo đó, công tác tuyên truyền bảo vệ đường ống dẫn khí được các đơn vị thành viên của PV GAS phối hợp với lực lượng chức năng ở các địa phương ven biển triển khai tích cực, thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức của người dân với việc đảm bảo an ninh, an toàn cho đường ống dẫn khí dưới biển, trên bờ cũng như các công trình dầu khí.
“Ngoài Phú Yên, hoạt động truyền thông này cũng đã được triển khai cho hàng ngàn lượt ngư dân của các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa và một số tỉnh lân cận, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của ngư dân; chung tay cùng cơ quan chức năng bảo vệ, không để xảy ra thảm họa cháy nổ, ô nhiễm môi trường”, đại diện NCSP cho biết thêm.
Cùng với hoạt động tuyên truyền, BĐBP tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và nhắc nhở, hướng dẫn ngư dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn đường ống dẫn khí trên biển, kịp thời phát hiện, tố giác những hành vi xâm phạm; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường với tham gia đấu tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Thượng tá Nguyễn Hữu Thao, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh |
LẠC HỒNG