Ngày 18/6, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS), Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông đồng tổ chức Đối thoại biển lần thứ 5 với chủ đề “Hợp tác ASEAN trong vấn đề biển Đông".
Gần 100 đại biểu từ gần 30 cơ quan đại diện nước ngoài và tổ chức quốc tế, các bộ, ngành liên quan của Chính phủ, chuyên gia, học giả và phóng viên đã dự đối thoại.
Đây là lần thứ 5 trong chuỗi Đối thoại biển về các chủ đề đa dạng liên quan đến biển Đông. Bốn lần đối thoại trước tập trung vào các nội dung: quản trị biển, hợp tác nghề cá, luật biển quốc tế và xử lý rác thải nhựa.
Tại đối thoại biển lần này, bốn diễn giả chính đến từ các cơ quan nghiên cứu của Malaysia, Philippnes, Singapore và Mỹ và các chuyên gia đã tập trung đánh giá vai trò của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp và thúc đẩy hợp tác trong khu vực; xem xét thực trạng hợp tác biển trong khuôn khổ các cơ chế do ASEAN dẫn dắt thời gian qua, đồng thời nghiên cứu các đề xuất để nâng cao tính hiệu quả trong tham gia của ASEAN ở biển Đông trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc đối thoại, ông Peter Girke, Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Hà Nội, đánh giá về mặt địa lý, biển Đông nằm ở trung tâm Đông Nam Á.
Tuy nhiên, các quốc gia có cách tiếp cận khác nhau về tranh chấp tại biển Đông. Vai trò của ASEAN còn tương đối hạn chế khi có những vụ việc xảy ra trên biển Đông. Chuỗi Đối thoại biển là diễn đàn nhằm bàn luận về chiến lược tiến hành từng bước đi nhỏ trong hợp tác khu vực, ưu tiên tìm điểm chung và xây dựng lòng tin thông qua việc giải quyết các vấn đề ít nhạy cảm, ví dụ như ô nhiễm môi trường và suy giảm nguồn cá.
Ông Peter Girke tin tưởng nếu cách tiếp cận này đạt được tiến bộ, các nước trong khu vực sẽ dễ dàng hơn trong giải quyết các thách thức và xung đột dài hạn.
Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam, bà Rebbeca Bryant, đánh giá cao việc Học viện Ngoại giao, Quỹ KAS và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông phối hợp cùng Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức Đối thoại về các vấn đề khu vực quan trọng.
Úc cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương; đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ASEAN trong duy trì an ninh và ổn định trong 50 năm qua.
Trước thềm phiên đối thoại, tiến sĩ Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết trong bối cảnh Việt Nam vừa được bầu là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020, Đối thoại biển với chủ đề “Hợp tác ASEAN trong vấn đề biển Đông” có giá trị thiết thực, góp phần tìm kiếm và đề xuất các ý tưởng mới cho các cơ quan hoạch định chính sách; đồng thời tăng cường nhận thức chung của cộng đồng về các hoạt động đối ngoại thời gian tới.
Theo TTXVN/Vietnam+