Tôi may mắn có nhiều cơ hội tiếp xúc với anh em ngư dân ở TP Tuy Hòa, từng cứu vớt, đưa những ngư dân, thủy thủ nước ngoài bị nạn vào bờ. Với họ, đó chỉ là những điều thường tình và đã nhòa đi đằng sau nỗi lo cơm áo nhọc nhằn giữa cuộc mưu sinh đầy gian nguy, bất trắc. Song, hình ảnh họ vẫn lưu mãi trong tôi với những câu chuyện đẹp về tình người giữa sóng gió đại dương.
Lẽ sống
Lần đầu vào tháng Giêng năm 2006, tàu cá ngừ đại dương PY 91049TS do Lương Công Đông trú khu phố Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) làm thuyền trưởng đã cứu vớt, đưa về bờ 3 ngư dân Philippines bị nạn gần khu vực đảo Trường Sa.
1 năm sau đó, tháng 2/2007, tàu cá PY 90973TS của Phan Thành Đắt (ở phường 4, TP Tuy Hòa) cứu được 4 ngư dân Philippines tại tọa độ 13 độ 30 phút độ vĩ bắc, 110 độ kinh đông.
Cuối tháng 1/2011, tập đoàn của các anh Lê Nhân, Trần Văn Toàn và Trần Văn Thân (ở phường Phú Đông) đã cập bờ cùng 5 ngư dân Philippines được cứu vớt ở khu vực gần đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa.
Rồi đến năm 2014, tàu câu cá ngừ đại dương PY 92647TS của Trần Văn Lực cứu vớt 7 thủy thủ trên tàu kéo Wantas 6, thuộc Công ty Wantas shipping Langkawl, Malaysia. Số thủy thủ này bị cướp biển tấn công lấy tàu, đẩy họ xuống bè thả trôi trên biển, và trải qua 9 ngày đói khát.
Từ đó đến nay, nhiều tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Phú Yên tiếp tục cứu vớt hàng chục ngư dân, thủy thủ nước ngoài bị nạn. Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của BĐBP Phú Yên, nhiều thuyền trưởng đã liên lạc và bàn giao trực tiếp người bị nạn cho cơ quan chức năng hay tàu cá nước bạn ngay trên biển.
Dõi theo những chuyến tàu cứu người nước ngoài bị nạn, tôi mới hiểu, giữa biển mênh mông, việc cứu vớt, cưu mang những người hoàn toàn xa lạ không hề đơn giản. Chưa nói đến những hiểm nguy khác, trước hết khi cứu người nước ngoài, phương tiện phải quay vào bờ ngay. Vậy nên, trước hết ngư dân sẽ chấp nhận mất phí tổn chuyến biển, ít thì vài chục triệu, nhiều thì cả trăm triệu. Trong khi cuộc sống của hàng chục gia đình, vợ con của anh em lao động đều trông chờ vào thu nhập từ chuyến biển trở về.
Một ngày sau khi được cứu vào bờ, ông M. Khorshed Alam (quốc tịch Bangladesh) thuyền trưởng bị nạn đã rơm rớm nước mắt khi bộc bạch suy nghĩ: “Giữa biển mênh mông, không dễ có người dám đến cứu mình. Vậy mà cuối cùng chúng tôi đã được ngư dân Việt Nam cứu vớt, chăm sóc tận tình. Toàn bộ đồ ăn, thức uống tốt nhất có trên tàu, anh em đều cho chúng tôi dùng. Sự thật là vậy, nhưng chúng tôi ngỡ mình như trong thế giới cổ tích. Không có lời nào bày tỏ được lòng biết ơn của chúng tôi đối với ngư dân Việt Nam”.
Nhớ lần đầu tiên đón chuyến tàu của ngư dân TP Tuy Hòa đưa người nước ngoài bị nạn về bờ, chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe ngư dân Lương Công Đông khẳng khái: “Hễ ra giữa biển thấy người gặp nạn, dù đó là người mình đã thân quen hay chưa từng biết mặt đều phải cứu giúp. Ngư dân ai cũng vậy, đó là lẽ sống”.
Lời tâm sự trên tôi cũng nhiều lần được nghe từ anh em ngư dân. Song, không phải không có những nỗi lo đan xen. Thuyền trưởng Lê Nhân kể, sau khi cứu vớt ngư dân Philippines lên tàu của mình, mặc dù ra sức cứu chữa, chăm sóc họ rất chu đáo, song nhiều ngày sau đó, từ thuyền trưởng đến lao động luôn thấp thỏm không dám ngủ. “Nhóm người bị nạn đến 5 người, nếu họ là cướp biển vờ bị nạn, mình sẽ không kịp trở tay”, thuyền trưởng Nhân nhớ lại.
Còn thuyền trưởng tàu PY 92647TS Trần Văn Lực trong chuyến tàu cứu 7 thủy thủ tàu hàng Wantas 6, bị cướp biển tấn công cũng chân tình cho biết, chuyến biển anh đầu tư hơn trăm triệu lấy tổn nhưng khi vớt được người bị nạn phải cho tàu quay về bờ. Trong tình cảnh đó không dễ chạy ra hàng trăm triệu đồng để lấy tổn đi biển trở lại. Song, “miếng cơm manh áo của mình không thể đánh đổi mạng sống của con người. Thấy người bị nạn về bờ an toàn là chúng tôi đã mãn nguyện”, anh Lực nói.
Suy nghĩ của Trần Văn Lực cũng là điều tâm niệm nhân ái mà tôi được nghe các thuyền trưởng Phan Thành Đắt, Lương Công Đông thổ lộ.
3 năm sau, trong một chuyến biển, khi đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuyền trưởng Đông bị một số tàu cá Trung Quốc giành ngư trường, uy hiếp, rượt đuổi cướp cá, lấy đi một số ngư cụ. Anh đã phải gọi các tàu cùng tập đoàn hợp lực đòi lại ngư cụ bị cướp. Vào bờ kể chuyện, Đông vẫn chưa hết tức giận. Vậy mà nghe tôi hỏi, nếu giờ gặp lại những tàu đánh cá từng uy hiếp mình đang trong cảnh bị chìm, họ xin cứu nạn, Đông sẽ phản ứng ra sao? Đông cười xòa: “Chắc là phải cứu họ rồi mới tính mọi chuyện sau. Gặp người bị nạn trên biển mà không cứu, mình sẽ day dứt cả đời”.
Ân tình
4 lần được tiếp cận tàu cá của ngư dân TP Tuy Hòa cứu người nước ngoài bị nạn cũng là chừng ấy lần tôi chứng kiến những cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ nhưng vô cùng ấm áp và cảm động. Cuộc gặp “giao lưu” giữa những ngư dân, thủy thủ từ các lãnh thổ khác nhau mà ngôn ngữ thông tin chỉ được thực hiện qua cử chỉ “khua chân”, “múa tay”, hay bằng những vật dụng biểu thị. Song chính ánh mắt, nụ cười, những cử chỉ chăm sóc, biểu lộ tình cảm, điều muốn bày tỏ, họ đã truyền cho chúng tôi những cảm xúc thiêng liêng, quý báu về tình bạn, tình người vượt đại dương.
Tôi nhớ, hôm tàu cá PY 92647TS của Trần Văn Lực về đến cửa biển Đà Diễn, khi chiếc ca nô của BĐBP cập mạn con tàu để tiếp nhận, đưa những thủy thủ nước ngoài bị nạn vào bờ, phút chốc, cả 17 người, từ ngư dân Việt đến các thủy thủ nước ngoài, đã quàng vai, ôm chặt nhau, bùi ngùi, quyến luyến. Nhìn những ngấn nước mắt lưng tròng, tràn qua bờ mi, chảy xuống má của anh em thủy thủ nước ngoài, đoàn công tác ra tiếp nhận không thể cầm lòng.
Dù đã 5 năm trôi qua, hình ảnh anh Danny Bulgguno, 43 tuổi, một trong bốn ngư dân Philippines bị nạn vào bờ trên tàu cá của Phan Thành Đắt luôn in đậm trong tôi. Hôm ấy, vào phòng làm thủ tục của BĐBP, đôi mắt Danny Bulgguno cứ đỏ hoe, anh lần mở chiếc túi đựng hành lý đi biển của mình, nâng niu 4 chiếc đèn chớp và gói salonpas đã được dùng một nửa, khoe với chúng tôi “đây là kỷ vật mà trước khi lên bờ, Phan Thành Đắt và anh em trên tàu đã tặng để mình làm kỷ niệm”.
Đã hơn chục năm, từ chuyến tàu cứu 3 ngư dân Philippines bị nạn đến nay, dịp Tết nào, gia đình của Lương Công Đông cũng nhận những cuộc điện thoại cầu chúc an lành, hạnh phúc của mấy anh bạn Philipines qua lời người phiên dịch. Không biết bởi lời chúc phúc, lời cầu nguyện hay sự trùng hợp mà từ đó đến nay, những chuyến biển trở về của Đông và anh em bạn thuyền thường xuyên no cá. Đông giờ đã là tỉ phú có tiếng của làng nghề cá ngừ đại dương Đông Tác.
Cũng như Lương Công Đông, bây giờ cả tàu cá của Phan Thành Đắt, Trần Văn Toàn, Lê Nhân, Trần Văn Thân và Trần Văn Lực đều đã có thu nhập cao sau mỗi chuyến biển. Tôi thầm nghĩ, có lẽ tạo hóa có phần thưởng xứng đáng cho những ngư dân một đời lam lũ nhưng đã sống với một trái tim nhân ái không bến bờ.
Hễ ra giữa biển thấy người gặp nạn, dù đó là người mình đã thân quen hay chưa từng biết mặt đều phải cứu giúp. Ngư dân ai cũng vậy, đó là lẽ sống.
Thuyền trưởng tàu cá PY 91049TS Lương Công Đông |
PHƯƠNG OANH