Trước đây, ngư dân có tâm lý giấu ngư trường, mạnh ai nấy làm, khai thác thiếu bền vững thì nay nhờ có luật, nghị định mới nên chỉnh quy củ lại. Giờ đây, tàu “mù” - những con tàu không lắp định vị, không còn nữa. Đã ra khơi là phải tin yêu nhau, phải chấp hành nghiêm những quy định của Nhà nước.
Luật nghiêm từng centimet
Làng biển An Ninh Đông và An Ninh Tây (huyện Tuy An) là hai trong số những làng biển có nghề câu cá ngừ đại dương lâu đời, nổi tiếng với ý chí đè sóng dữ, làm chủ những vùng nước xanh trên đại dương ở duyên hải miền Trung. Lão ngư Nguyễn Cu dạn dày nhiều năm đi biển giờ cũng giãn nghiệp dần. Phần vì tuổi già sắp tới, phần vì ông tự thấy biển ngày càng cạn kiệt nguồn lợi; chi phí đầu tư ra khơi lớn, mà lợi nhuận mỗi chuyến biển ngày một ít đi.
Quan trọng hơn cả là “cuộc chơi” của đại dương ngày càng khắt khe hơn, đòi hỏi chuyên nghiệp hơn, dù kỹ thuật câu, nghề truyền thống vẫn cơ bản như cũ và tư duy của cộng đồng ngư dân duyên hải bao đời nay kiên định không đổi. Hai xã An Ninh Đông và An Ninh Tây trước đây có 91 phương tiện đánh bắt xa bờ. Hiện nay, theo Luật Thủy sản (sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2019 thì chỉ còn 54 tàu được phép hoạt động vùng khơi. Lão ngư Nguyễn Cu cho hay: Tôi và các ngư dân loay hoay nhiều tháng nay để làm quen với luật và nghị định mới quy định về khai thác hải sản. Mỗi chuyến đi biển không chỉ lo lỗ phí tổn mà còn lo phạm luật nữa.
Điều mà lão ngư Nguyễn Cu nhắc đến chính là tình trạng bị “thẻ vàng” của mặt hàng hải sản xuất khẩu. Và nếu không điều chỉnh, tìm cách gỡ, có thể bị tuýt còi cấm nhập những hải sản được đánh bắt sai luật. Trước đây, ngư dân chỉ cần lắp máy đúng công suất, thân tàu không dài 15m vẫn có thể ra khơi. Còn nay, nếu thân tàu không đủ 15m thì phải nằm bờ.
Theo Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Ninh Đông, nghị định hướng dẫn thi hành luật mới quy định tàu phải dài 15m trở lên mới được đánh bắt hải sản vùng khơi, tức là hoạt động tại vùng biển đại dương thuộc ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế trên biển Việt Nam. Tàu nào đã đóng rồi mà lỡ hụt không đủ 15m coi như ở lại bờ.
Quyết tâm bảo vệ nghề
Thiếu tá Trần Đặng Quốc Cường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng An Hải, chia sẻ: “Ngư dân được tuyên truyền kỹ càng luật biển, được giải đáp pháp luật nên không ai muốn làm sai. Về nguyên tắc, cán bộ biên phòng căn cứ theo luật mà làm lệnh ra khơi. Xét cho cùng đó là bảo vệ họ. Ngay cả kiên quyết kiểm tra xử phạt việc không lắp đặt thiết bị định vị cũng là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ ngư dân”.
Theo thiếu tá Cường, các ngư dân ở đây đều đã được cán bộ biên phòng tập hợp tuyên truyền pháp luật và tặng cờ Tổ quốc. Địa bàn Đồn Biên phòng An Hải quản lý gồm 6 xã An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Hải, An Hòa, An Mỹ, An Chấn với trên 300 phương tiện hoạt động ở vùng khơi, bắt buộc tàu phải treo cờ mới được xuất bến. Đối với trường hợp đánh bắt sai tuyến, sai ngư trường thì kịp thời nhắc nhở ngay.
Thêm một hàng rào bảo vệ và hỗ trợ ngư dân nữa là việc Đồn Biên phòng An Hải tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý và phạt đối tượng đánh bắt hải sản bằng chất nổ, giã cào. Từ đầu năm 2019, việc tuyên truyền đi đôi với xử phạt răn đe giúp tàu cá chấp hành nghiêm túc vùng và phương tiện khai thác.
Lão ngư Nguyễn Cu cho biết thêm: Trước đây, ngư dân có tâm lý giấu ngư trường, mạnh ai nấy làm, khai thác thiếu bền vững thì nay nhờ có luật, nghị định mới nên chỉnh quy củ lại. Giờ đây, tàu “mù” - những con tàu không lắp định vị, không còn nữa. Đã ra khơi là phải tin yêu nhau. Ra khơi gặp mấy tàu nước ngoài to, công suất lớn, giàn đèn gấp chục lần tàu mình, lượn qua lượn lại trêu ngươi, lấy đèn rọi soi thấu lòng tàu, cướp thì ít nhưng dọa dẫm thì nhiều. Anh em nghiệp đoàn không dựa vào nhau, vững tin, vững khí mà dìu nhau thì dựa vào ai. Giữa biển phải đoàn kết bảo vệ nhau thôi.
TRƯƠNG THÚY HẰNG