Song Tử Tây anh hùng

Thứ hai - 25/11/2019 12:34
Trong chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa gần đây, đảo chúng tôi ghé thăm và ở lại lâu nhất là Song Tử Tây. Gần 40 năm kể từ ngày được giải phóng (14/4/1975-14/4/2019), Song Tử Tây giờ đây là một trong những đảo nổi có hạ tầng cơ sở bề thế và cảnh quan tươi đẹp
Song Tử Tây anh hùng

Trong chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa gần đây, đảo chúng tôi ghé thăm và ở lại lâu nhất là Song Tử Tây. Gần 40 năm kể từ ngày được giải phóng (14/4/1975-14/4/2019), Song Tử Tây giờ đây là một trong những đảo nổi có hạ tầng cơ sở bề thế và cảnh quan tươi đẹp, đời sống của bộ đội và cán bộ, nhân dân trên đảo ngày càng được cải thiện và nâng cao.

 

Song Tử Tây là một trong những đảo lớn nhất và có vị trí chiến lược quan trọng trong quần đảo Trường Sa. Đặc điểm khí hậu ở đảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông; số ngày nắng chiếm hơn 300 ngày trong năm và chia làm hai mùa mưa và khô. Trong đó mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 12. Hôm chúng tôi đến thăm đảo đã bước sang tháng Giêng nhưng do thời tiết bất thường nên biển vẫn còn động, mưa lác đác và sóng lớn nên việc vào đảo gặp khó khăn. Phải mất nhiều giờ tăng bo bằng xuồng, hơn 100 người trong đoàn công tác mới có mặt trên đảo.

 

Đắp xây truyền thống

 

Trải qua gần 45 năm xây dựng, Song Tử Tây từng bước được củng cố, trở thành một pháo đài phòng thủ vững chắc ở phía bắc quần đảo Trường Sa; quân và dân đảo Song Tử Tây đã xây dựng nên truyền thống: “Đoàn kết, chủ động/Khắc phục khó khăn/Kiên trì, cảnh giác/ Giữ vững chủ quyền”. Trong đó, giữ vững chủ quyền là nhiệm vụ số 1 xuyên suốt của đảo. Tháng 9/1999, đảo Song Tử Tây vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Điều đầu tiên mà nhiều thành viên trong đoàn công tác đặc biệt quan tâm là truyền thống của đảo. Thượng tá Nguyễn Đăng Hồng, Chính trị viên Đảo bộ Song Tử Tây cho biết, trong Chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân 1975, Song Tử Tây là đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa được giải phóng. Đội 1 thuộc Trung đoàn 126 Hải quân có tăng cường một bộ phận của Tiểu đoàn 471 Đặc công Quân khu 5 được Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa. Đúng 4 giờ 30 ngày 14/4/1975, sau phát súng ĐKZ đầu tiên báo hiệu lệnh hiệp đồng, toàn đơn vị bắt đầu tiến công. Bị đánh bất ngờ, địch vội vàng triển khai đội hình chống trả, chúng dùng súng 12,7mm, cối 82mm, ĐKZ bắn vào đội hình của ta. Các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phân đội 1 lập tức đánh chia cắt đội hình địch. Sau 30 phút chiến đấu, địch không thể chống cự, phải tháo chạy tán loạn. Thừa thắng, quân ta vừa truy lùng vừa kêu gọi địch ra hàng. 5 giờ 5 cùng ngày, quân ta hoàn toàn làm chủ đảo, chiến sĩ Lê Xuân Phát đã kéo lá cờ đỏ sao vàng báo hiệu đảo Song Tử Tây được giải phóng.

 

Ngay sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, một bộ phận CBCS của Trung đoàn 126 được giao nhiệm vụ ở lại chốt giữ và phòng thủ đảo cho đến khi quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng vào ngày 29/4/1975. Sau đó, đảo được giao lại cho Tiểu đoàn bộ binh thuộc Quân khu 5 chốt giữ. Biên chế lúc đầu của đảo (tháng 4/1975) chỉ tương đương cấp đại đội. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đầu năm 1976, biên chế, tổ chức của đảo được bổ sung, có đủ thành phần, lực lượng tương đương cấp tiểu đoàn.

 

Những năm tiếp theo, biên chế tổ chức của đảo cơ bản ổn định, hàng năm thực hiện thay quân và bổ sung trang bị. Đến năm 1995, biên chế tổ chức đảo Song Tử Tây được nâng cấp thành đảo cấp 1 (tương đương cấp trung đoàn). Song song với công tác xây dựng, phát triển lực lượng, công tác sẵn sàng chiến đấu luôn được đảo bộ đặc biệt coi trọng. Đơn vị đã đề cao trách nhiệm, tích cực, chủ động vượt qua mọi khó khăn gian khổ, tổ chức nghiên cứu, xây dựng phương án, kế hoạch chiến đấu bảo vệ đảo; làm mới và sửa chữa các trận địa pháo, hầm trú ẩn…; các loại vũ khí, thiết bị hiện đại được trang bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo đảm thắng lợi trong mọi tình huống.

 

Cùng với chú trọng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nội dung công tác Đảng, công tác chính trị, bảo đảm toàn đơn vị cùng thống nhất hành động; công tác bảo đảm hậu cần, nâng cao đời sống cho bộ đội luôn được đảo bộ quan tâm, chú trọng. Ở giữa muôn trùng sóng vỗ nhưng bởi thời tiết nóng ẩm cộng với thổ nhưỡng có độ màu mỡ, thảm thực vật trên đảo dễ sinh trưởng, phát triển, nhất là các loại cây cỏ thân mềm và cây bóng mát. Tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên này, ngoài trồng rau, nuôi heo và các loại gia cầm, CBCS đảo Song Tử Tây còn tổ chức nuôi bò, duy trì số lượng 10-15 con. Đây là đảo duy nhất trong quần đảo Trường Sa nuôi được bò.

 

Là đơn vị đảo được trang bị nhiều loại vũ khí, trang thiết bị, công tác bảo dưỡng, bảo quản gặp không ít khó khăn do tác động của môi trường biển. Quán triệt sâu sắc Cuộc vận động 50 và “2 đột phá” của ngành Kỹ thuật là “Xây dựng nền nếp chính quy và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật”, cấp ủy, chỉ huy đảo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên giáo dục bộ đội nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, giữ gìn vũ khí, trang bị. “Đơn vị thường xuyên duy trì thực hiện giờ kỹ thuật, ngày kỹ thuật, chăm sóc kỹ từng bộ phận, chi tiết. Vì vậy đã hạn chế sự xuống cấp của các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, hệ số kỹ thuật hàng năm đạt 0,98 trở lên”, thượng tá Nguyễn Đăng Hồng cho biết.

 

Ngày càng thay da đổi thịt

 

Sau gần 45 năm xây dựng, sự thay da đổi thịt của Song Tử Tây hiện rõ ở khắp mọi nơi trên đảo. Từ Sở chỉ huy đảo, trụ sở UBND xã, trạm xá, trường học, trạm hải đăng, nhà ăn, nhà ở của bộ đội và của dân… đều được xây dựng kiên cố, khang trang. Trên đảo còn có công viên, sân vận động để quân dân vui chơi, rèn luyện sức khỏe; có tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, chùa Song Tử Tây đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân; có nhà lồng để bộ đội tăng gia sản xuất, trồng rau sạch; có hệ thống năng lượng điện gió, điện mặt trời cung cấp đủ điện cho toàn đảo sử dụng. Thư viện của đảo với hơn 4.000 đầu sách và hơn 30 đầu báo, tạp chí các loại; 100% hộ dân và các đầu mối đơn vị bộ đội được trang bị ti vi đáp ứng nhu cầu giải trí. Âu tàu của đảo có sức chứa 80-100 tàu cá công suất lớn, là bến đậu, địa chỉ an toàn cho ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… trong mùa mưa bão. Khu làng chài và các công trình phụ trợ đảm bảo việc lưu trú, sinh hoạt cho trên dưới 300 người, bà con ngư dân có thể vào nghỉ ngơi, tạm trú miễn phí hoặc tránh bão. Đây cũng là nơi cung cấp nước ngọt và xăng dầu cho bà con ngư dân bằng giá trong đất liền.

 

“Vào các dịp lễ, nhất là Ngày giải phóng đảo 14/4, Tết độc lập và Tết cổ truyền của dân tộc, quân và dân trên đảo tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như: thi đấu bóng đá, bóng chuyền, kéo co, chèo thuyền thúng bắt vịt, múa lân, hái hoa dân chủ… Qua đó động viên, cổ vũ tinh thần CBCS yên tâm với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”, trung tá Nguyễn Đức Độ, Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết. Còn chị Nguyễn Thị Thanh Thoại, từ bán đảo Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa) cùng chồng ra lập nghiệp trên đảo với nhiều gia đình trẻ khác, thổ lộ: “Chồng tôi tham gia lực lượng dân quân vừa làm nghề chài lưới. Tôi thì ở nhà trồng rau, lo việc nội trợ. Con chúng tôi học ngày 2 buổi ở trường nằm sát cạnh nhà. Ở đây xa đất liền nhưng bù lại không khí trong lành, đặc biệt là bộ đội với dân rất đoàn kết, gắn bó thâm tình như người một nhà. Chúng tôi rất hài lòng với cuộc sống nơi này”.

 

LẠC VIỆT

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp