Kế nghiệp cha ông giữ biển

Thứ năm - 07/03/2019 16:10
Tôi đã gặp những ngư dân trẻ của các làng biển Đông Tác, TP Tuy Hòa, sinh ra trong gia đình nhiều đời làm biển. Với họ, biển là một phần của sự sống và định hình trong họ ý thức bảo vệ biển đảo song hành cùng khát vọng vươn lên làm giàu từ biển.
Kế nghiệp cha ông giữ biển

Tôi đã gặp những ngư dân trẻ của các làng biển Đông Tác, TP Tuy Hòa, sinh ra trong gia đình nhiều đời làm biển. Với họ, biển là một phần của sự sống và định hình trong họ ý thức bảo vệ biển đảo song hành cùng khát vọng vươn lên làm giàu từ biển.

 

Lớn lên từ làng biển

 

Ở tuổi 35, hai anh em sinh đôi Lương Công Đồng, Lương Công Đông ở làng biển Đông Tác, TP Tuy Hòa được nhiều người biết đến không chỉ là những chủ tàu, thuyền trưởng trẻ, giỏi nghề, can trường với sóng gió mà còn là những tỉ phú vững vàng của nghề đánh bắt xa bờ. 20 năm bám biển, hiện mỗi người đều sở hữu một chiếc tàu công suất 400 mã lực, trị giá hơn 2 tỉ đồng cùng ngôi nhà cao tầng khang trang, đầy đủ những tiện nghi sang trọng.

 

Bây giờ, không ai có thể hình dung được cảnh đói ăn, thiếu mặc của họ từ 20 năm trước. Ký ức một tuổi thơ nhọc nhằn bên bờ biển vẫn in đậm trong tâm trí người anh cả Lương Công Đồng. “Hồi đó, ba tôi làm nghề mành trủ. Gia sản cả đời ông chỉ là căn nhà tôn, vách ván chắp nối và một chiếc sõng, ít tấm lưới.

 

Để nuôi 5 đứa con đang tuổi lớn, mỗi ngày 2 lượt, ông bơi sõng ra biển, thả lưới kiếm vài rổ cá đem bán để mua gạo. 5-6 tuổi, tôi đã có nhiệm vụ ra biển, đón ba đi sõng về, phụ gỡ lưới, đưa cá vào chợ. Tôi vào lớp 7 thì ba tôi mất tích sau một cơn lốc bất ngờ nhấn chìm ông cùng chiếc sõng khi đang đánh cá ngoài biển. 12 tuổi, tôi cùng em Đông thành lao động chính, mỗi ngày lại ra bờ biển, thả câu, kéo lưới để nuôi gia đình”, anh Đồng nhớ lại.

 

Sau ba mùa biển, nghề câu cá ngừ đại dương du nhập về làng, cũng như nhiều người trẻ trong làng, anh em Đồng xin đi bạn cho các tàu xa bờ. Nhắc chuyện cũ, anh Đồng ví von: “Chắc nghiệp biển có sẵn nên bước chân vào nghề, chúng tôi thích ứng rất nhanh. Cuộc sống thiếu đói trước đó làm anh em tôi đứa nào cũng nhỏ choắt nhưng ra với biển, đứa nào cũng như cá mắc cạn được xuống nước, càng làm càng khỏe”.

 

Năm 2003, tích góp tiền làm thuê, anh em Đồng vay mượn các cô, bác trong gia đình, đóng con tàu 90 mã lực đầu tiên trị giá 400 triệu đồng. Đây cũng là thời kỳ khắp các làng biển Nam Trung Bộ rộ lên phong trào thanh niên đua nhau đóng tàu to, máy lớn để vươn khơi, thỏa ước vọng chinh phục biển gắn với giữ gìn biển đảo quê hương của người trẻ.

 

Theo trưởng khu phố Đông Tác Nguyễn Văn Lễ, 10 năm qua, làng Đông Tác đã đóng mới hơn 250 con tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 90 mã lực. Những con tàu này là cả một đời tích góp của những gia đình làm biển. Song, nó lại là dấu mốc sự chuyển giao nghiệp biển, mở đầu công cuộc “vươn ra biển lớn” của ngư dân trẻ. Hơn 200 ngư dân trẻ của làng biển Đông Tác đã trở thành thuyền trưởng, cầm lái những con tàu công suất lớn, vươn khơi, bám biển dài ngày làm ăn.

 

“Cứ đầu mùa mở biển, họ cho tàu dong thẳng lên 16, 17 độ trên ngư trường Hoàng Sa, cuối mùa lại lui xuống 11 độ, 9 độ ở Trường Sa. Chuyện con cá ngừ thích ăn con mồi nào, cắn câu ở độ sâu bao nhiêu hay nhìn luồng cá chạy, cách nhìn trời, nhìn mặt biển để dự đoán gió, mưa… bây giờ họ đều thành thạo như lòng bàn tay của mình”, ông Lễ kể với niềm tự hào.

 

Bản lĩnh người trẻ

 

Hai ngư dân trẻ Lương Công Đồng, Lương Công Đông làm biển thuộc hàng “đẳng cấp” nhờ thừa hưởng kinh nghiệm sóng nước từ cha, ông, các cụ cao niên làng biển Đông Tác. Các anh đã thể hiện những năng lực, bản lĩnh và quyết tâm làm chủ biển khơi ở một thế hệ thanh niên lớn lên từ làng biển.

 

Điều khiến không ít người thú vị khi đối diện hai thuyền trưởng trẻ này là bên cạnh kinh nghiệm học từ thế hệ trước, các anh còn tích lũy vốn kiến thức khoa học để bổ trợ cho nghề. Anh Lương Công Đồng khẳng định: “Chính con mắt nhìn luồng lạch, nhìn con nước hay cách nhìn trời, nhìn mặt biển mà đoán thời tiết của ông cha ngày trước dạy mình không chủ quan, nhờ vậy mà tránh được nhiều sự cố trên biển”.

 

Và anh cũng chia sẻ một cách tự tin kiến thức về ngư trường, về luồng cá chạy theo dòng hải lưu. Anh Đồng nói: “Trữ lượng cá ngừ trên ngư trường rất lớn. Ngư dân mình nếu có thiết bị, phương tiện hiện đại và trình độ đánh bắt tốt hơn hiện nay, chắc chắn không khó để làm giàu”.

 

Còn anh Lương Công Đông thì cho biết, mỗi chuyến biển kéo dài hàng tháng. Có khi, tàu cập bờ với khoang thuyền khẳm cá, cũng có chuyến, ngư trường gặp bão lo chạy tránh gió, rồi bị tàu cá Trung Quốc lấn ngư trường, ép đuổi khiến anh và các bạn thuyền của mình khó chuyên tâm đánh bắt. Chi phí một chuyến biển bây giờ đã hơn 200 triệu đồng.

 

Tôi hạch toán với các anh, con tàu trị giá 2 tỉ đồng, thêm trị giá tổng tài sản ngư cụ gồm: Giàn lưới câu cá ngừ đại dương, giàn lưới cản, máy thông tin liên lạc, máy dò cá, định vị… gom lại ước chừng trên 4 tỉ đồng. Nếu mang 4 tỉ đồng gửi ngân hàng thì chỉ riêng tiền lãi, gia đình anh đã đủ sống.

 

Các anh không phải cực nhọc chạy ngược, chạy xuôi kiếm bạn đi biển, chạy tiền sắm chuyến biển; không buồn phiền khi biển “đói”, hay gặp chuyến biển về lúc giá cá thấp, bị tư thương ép giá, tiền bán cá không đủ bù tổn... Chưa nói, nỗi lo sợ giữa biển khơi đầy rủi ro do thiên tai, nhân tai.

 

Nhưng, với vẻ mặt không giấu niềm kiêu hãnh, anh Đồng và anh Đông còn cho biết: Chúng tôi vốn sinh ra từ làng biển. Cha ông chúng tôi đã bám biển sinh tồn, tạo dựng nghề nghiệp. Biển cũng đã cho gia đình tôi và hàng vạn bà con ngư dân khác có được cuộc sống hôm nay.

 

Vì thế, chúng tôi ra biển không chỉ để làm ăn, làm giàu cho mình mà còn là trách nhiệm, là chuyện kế nghiệp cha ông. Phải giữ biển cho đời con, đời cháu mình nữa và phải có trách nhiệm giữ gìn biển đảo của Tổ quốc thân yêu…

 

PHƯƠNG OANH

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp