Lớp học “4 trong 1” ở Song Tử Tây

Thứ năm - 07/03/2019 16:10
Nhiều người đã gọi như thế vì lớp học này chỉ có 11 học sinh nhưng có đến 4 khối lớp khác nhau. Cả lớp được dạy bảo tận tình bởi hai thầy giáo trẻ Lê Văn Mạnh và Lê Xuân Quyết, Trường tiểu học Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Lớp học “4 trong 1” ở Song Tử Tây

Nhiều người đã gọi như thế vì lớp học này chỉ có 11 học sinh nhưng có đến 4 khối lớp khác nhau. Cả lớp được dạy bảo tận tình bởi hai thầy giáo trẻ Lê Văn Mạnh và Lê Xuân Quyết, Trường tiểu học Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

 

Trong những ngày đầu năm mới 2018, cánh nhà báo chúng tôi cùng đoàn công tác do đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) kiêm Chủ tịch UBND huyện Trường Sa ra thăm quân và dân trên các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) trong thời gian gần 3 tuần. Trong đó, Song Tử Tây là đảo đoàn lưu lại lâu nhất.

 

Nếu như ở các đảo chìm, đón đoàn chỉ có bộ đội, thì ở Song Tử Tây còn có lực lượng dân quân, phụ nữ trong trang phục áo dài truyền thống và cả các cháu học sinh. Ở nơi cách đất liền (TP Nha Trang) hơn 300 hải lý này, các đơn vị bộ đội và nhân dân đã và đang chung tay xây dựng xã đảo trở thành một pháo đài phòng thủ vững chắc giữa trùng khơi và một làng quê trù phú.

 

Điều ấn tượng đặc biệt với chúng tôi đó là lớp học “4 trong 1”. Sở dĩ chúng tôi gọi lớp học đặc biệt hay là lớp học “4 trong 1” vì chỉ một lớp, nhưng thường xuyên phải ghép tất cả học sinh của các khối lớp lại với nhau, trong đó lớp 3: 1 học sinh, lớp 2: 1 học sinh, lớp 1: 5 học sinh và có cả 4 cháu mẫu giáo. Đứng lớp là hai thầy giáo trẻ Lê Văn Mạnh và Lê Xuân Quyết.

 

Ở nơi đảo xa giữa trùng khơi sóng to gió cả của biển Đông, dẫu cuộc sống còn vô vàn gian khó, thiếu thốn nhưng thầy và trò Trường tiểu học Song Tử Tây vẫn hàng ngày, hàng giờ miệt mài với những con chữ.

 

Vượt lên khó khăn, thử thách, các thầy giáo luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”, gieo từng con chữ cho những học trò nhỏ thân thương. Đáp lại, các học trò nhỏ hàng ngày hai buổi đến lớp, kể cả thứ bảy, chủ nhật, các em cũng í ới rủ nhau sang nhà thầy để được thầy chỉ dạy thêm.

 

Thầy giáo như… mẹ hiền

 

Thầy Lê Văn Mạnh, quê ở Vạn Ninh - Khánh Hòa ra đảo làm công việc “trồng người” từ tháng 6/2013 với một đồng nghiệp, đồng hương cùng huyện Vạn Ninh là thầy Lê Xuân Quyết.

 

Thầy Mạnh tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn, còn thầy Quyết tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Cả hai đã tình nguyện viết đơn ra đảo với những dự định tốt đẹp và nhiệt huyết tuổi trẻ là được góp một phần nhỏ bé vào việc giữ gìn và phát triển biển đảo thân yêu. Thời điểm chúng tôi có mặt ở đảo Song Tử Tây, thầy Quyết nghỉ phép để về giải quyết công việc gia đình, chỉ có thầy Mạnh ngày ngày hai buổi đứng lớp.

 

“Khi biết tôi viết đơn tình nguyện ra Trường Sa công tác, mọi người trong gia đình và bạn bè có phần lo lắng, ái ngại nhưng tôi đã quyết tâm thì phải thực hiện bằng được. Theo tôi, được làm việc, công tác ở Trường Sa là điều rất thiêng liêng. Ra Trường Sa dạy học lại càng thiêng liêng và không phải ai cũng có thể thực hiện được ước muốn này, nhất là với giáo viên trẻ. Và chúng tôi đã có được may mắn này”, thầy Mạnh tâm sự.

 

Giờ ra chơi của thầy và trò Trường tiểu học Song Tử Tây

 

Khác với thời gian đầu khi hai thầy giáo trẻ Lê Văn Mạnh và Lê Xuân Quyết ra đảo, họ được phân cho một căn phòng trên tầng 1 trụ sở xã làm nơi sinh sống, lớp học còn tạm bợ. Còn hiện tại, Trường tiểu học Song Tử Tây đã được xây dựng kiên cố, gồm 2 tầng với 8 phòng học và có cả nhà công vụ cho giáo viên. Vì số lượng học sinh ít nên các thầy phải ghép tất cả học sinh lại thành một lớp.

 

Theo thầy giáo 28 tuổi Lê Văn Mạnh, công việc dạy học ở đây rất khó khăn bởi hoàn toàn khác với đất liền. Khó khăn lớn nhất là đồ dùng học tập, tranh ảnh, sách, tài liệu phục vụ giảng dạy. Để giờ học không khô khan, thầy giáo phải tự mày mò, sáng tạo, tự làm đồ dùng giảng dạy để giúp các em dễ nhớ, dễ hiểu. Theo thầy Mạnh, dạy lớp ghép có cái khó nhưng cũng thú vị.

 

“Quan trọng là phải biết dung hòa các cháu mầm non đang trong độ tuổi chỉ biết vui chơi, ăn ngủ với những học sinh tiểu học cần sự trật tự để học tập. Tuy phải học ghép, nhận thức tiếp thu bài vở không giống nhau, nhưng chúng tôi không đến nỗi quá vất vả vì các em rất ngoan và chăm học”, thầy Mạnh bộc bạch.

 

Theo chị Dương Thị Ngọc Hiền, phụ huynh của em Trần Như Thế Phong (học mẫu giáo), không chỉ làm công việc dạy học, truyền dạy từng con chữ cho các học sinh, các thầy giáo ở Song Tử Tây còn làm công việc của một “bảo mẫu” vì lớp học có đến 4 trẻ mẫu giáo.

 

“Khi mới ra đảo, tôi không nghĩ mình sẽ làm công việc này và cũng không lường hết những khó khăn. Thời gian đầu làm “cô nuôi dạy trẻ”, cũng thấy lóng ngóng, bất ngờ nhưng lâu dần cũng quen. Thú thật để hiểu biết, nắm bắt tâm lý con trẻ, cánh thầy giáo chúng tôi làm sao có thể sánh bằng các cô giáo được đào tạo bài bản ở các trường nuôi dạy trẻ. Học sinh ở đảo phải chịu nhiều thiệt thòi so với trẻ đất liền, nên chúng tôi phải dành tất cả thời gian vừa dạy, vừa tự tìm hiểu phương pháp sao cho hiệu quả nhất với tấm lòng và trách nhiệm của người thầy: Tất cả vì học sinh thân yêu!”, thầy Lê Văn Mạnh tâm sự.

 

Ngoài dạy cho học sinh theo chương trình chung như trong đất liền, hàng tháng, các thầy còn dạy theo chủ điểm để các em dễ nhớ, dễ học như: Tháng 1-2 là chủ đề “Tết quê em”, tháng 3 là “Tiến lên đoàn viên”, tháng 4-5 là “Yêu quý cha mẹ”… Không chỉ vậy, ngoài thời gian dạy học chính khóa, hai thầy giáo trẻ cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa vui chơi cho học sinh, như đọc truyện, chơi những trò chơi dân gian, tìm hiểu lịch sử quê hương đất nước, thăm các đơn vị bộ đội sinh hoạt văn hóa văn nghệ…. Với tình yêu con trẻ, thầy Mạnh và thầy Quyết đã dần dần biến lớp học nhỏ bé của mình thành ngôi nhà ấm áp đầy tình yêu thương giữa thầy và trò.

 

Hôm chúng tôi đến thăm và “dự giờ” lớp học đặc biệt này, không có cán bộ của ngành Giáo dục mà chỉ có lãnh đạo huyện đảo, xã đảo và… rất đông nhà báo đến từ đất liền. Đúng 7 giờ 30, chẳng cần có tiếng trống trường báo hiệu giờ vào lớp như ở đất liền, cả 11 cô cậu học trò nhỏ đều tự giác vào lớp ngồi ngay ngắn đúng vị trí của mình theo thứ tự lớn trước, nhỏ sau (học sinh lớp lớn ngồi bàn đầu, sau cùng là các cháu mẫu giáo).

 

Bước vào lớp, thầy giáo Lê Văn Mạnh nở nụ cười hiền chào học trò; học trò đứng dậy lễ phép chào thầy giáo. Khi thấy có đông “khách lạ” đến, lớp học cứ nhao nhao cả lên, nhưng chỉ cần nghe một tiếng gõ thước của thầy Mạnh, lập tức cả lớp im phăng phắc, ngoan ngoãn, chăm chú nghe thầy giảng bài.

 

Sau khi giảng bài mới cho học trò lớp 3, quay sang kiểm tra bài cũ cho học trò lớp 2, phóng chữ tập viết cho học trò lớp 1, cuối cùng thầy Mạnh đến hướng dẫn bài tô màu cho các cháu mẫu giáo. Nguyễn Trương Quỳnh Như, học sinh lớp 3 cũng là Lớp trưởng thổ lộ trong giờ ra chơi: “Thầy Mạnh rất thương các con, dạy cho các con rất nhiều điều. Nhờ có thầy mà các con biết đọc, biết viết. Con đã học thuộc và luôn làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”.

 

Còn cậu nhóc học lớp 1 Đặng Nguyên Khôi bộc bạch: “Con rất thương yêu thầy Mạnh. Thầy không chỉ dạy con biết làm toán, viết chữ mà còn đưa chúng con đi chơi quanh đảo, vui chơi với các chú bộ đội, kể chuyện cổ tích rất hay. Không bao giờ thầy la mắng chúng con”.

 

Ngày 20/11 cũng… đặc biệt

 

Với các thầy giáo Lê Văn Mạnh, Lê Xuân Quyết, tình cảm lớn nhất mà họ nhận được đó là sự tin yêu, động viên, chia sẻ giúp đỡ tận tình của quân và dân trên đảo. Vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, thầy trò và chính quyền xã đảo tổ chức nhiều hoạt động.

 

20/11 vừa qua, từ Song Tử Tây, qua điện thoại, thầy Lê Văn Mạnh cho biết: Năm học vừa qua tất cả học sinh của Trường tiểu học Song Tử Tây đều được lên lớp. Cũng như mọi năm, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua được UBND xã Song Tử Tây long trọng tổ chức dưới chân cột mốc chủ quyền.

 

Diễn văn về ngày truyền thống đặc biệt nhấn mạnh đến lời dạy của Bác trong bức thư cuối cùng gửi thầy cô giáo và học sinh trên toàn quốc: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Tiếp đó là chương trình văn nghệ với những tiết mục “cây nhà, lá vườn” vui tươi, đặc sắc với sự cổ vũ nồng nhiệt của phụ huynh học sinh và bộ đội trên đảo. Chiều đến là trận đấu giao hữu bóng đá giữa đội bóng của phụ huynh học sinh, thầy giáo, cán bộ xã Song Tử Tây với đội bóng của bộ đội.

 

“Tôi thấy rất tự hào, vui sướng khi được đón nhận tình cảm của các học sinh và phụ huynh ở nơi vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quà tặng thầy giáo chỉ là hoa bàng vuông, bức tranh do học sinh tự vẽ, đồ chơi do các em tự làm hay con ốc biển, mớ rau, con cá tươi phụ huynh chia sẻ, nhưng chứa đựng biết bao tình cảm quý báu. Đó cũng chính là động lực để chúng tôi thi đua dạy tốt, gắn bó với sự nghiệp trồng người ở nơi đầu sóng ngọn gió, phên dậu của Tổ quốc này”.

 

XUÂN HIẾU

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp