Phát huy truyền thống, phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, cựu chiến binh (CCB) Trương Phúc (sinh năm 1956, thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa) cần cù lao động, vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế trở thành một điển hình lao động sản xuất giỏi của xã.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở địa phương, ông tích cực tham gia phòng chống, xung phong ra tuyến đầu
Hơn 35 năm giữ nghề truyền thống
CCB Trương Phúc sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng. Thân sinh của ông là cụ Trương Châu quê tỉnh Nghệ An, tham gia hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Sau này ông vào Nam ở lại Phú Yên tiếp tục hoạt động rồi lập gia đình và định cư tại làng biển Long Thủy.
Năm 1976, sau khi đất nước vừa giành được độc lập, ông Trương Phúc hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc khi vừa tròn 20 tuổi. CCB Trương Phúc nhớ lại: Sau ba tháng dầm mưa dãi nắng trên thao trường, tôi được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo binh 572, Quân khu 5 đóng tại Quảng Nam. Sau khi hoàn thành khóa học hạ sĩ quan ở quân khu về lại đơn vị, tôi được phân công làm a trưởng (tiểu đội trưởng) rồi cùng đơn vị chuyển lên Tây Nguyên, đóng quân tại huyện Đức Cơ (Gia Lai). Trong thời gian này, Khmer Đỏ tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam và đốt phá làng mạc, giết hại người dân, tôi cùng đồng đội thường xuyên, liên tục tuần tra, kiểm soát nắm tình hình dọc biên giới Campuchia.
Sau hơn 3 năm thi thành nghĩa vụ quân sự, ông Trương Phúc xuất ngũ trở về địa phương và được bầu làm Phó thôn Long Thủy. Thời gian ấy, hoàn cảnh kinh tế gia đình ông, cũng như bà con ở địa phương còn rất nhiều khó khăn. Nhưng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, dám nghĩ dám làm, không chịu đói nghèo, ông đã tích cóp vay mượn được một số tiền hùn vốn mua ghe để đi đánh bắt hải sản. “Sau mỗi chuyến biển, lúc có dư nhưng cũng có lúc chỉ đủ chi phí, trang trải cuộc sống gia đình, đắp đổi qua ngày. Nhờ có sự hỗ trợ của vợ bằng nghề muối mắm của gia đình truyền lại nên gia đình vẫn trụ được trong những lúc khó khăn”, ông Phúc tâm sự.
Một thời gian dài theo nghề đánh bắt thủy sản, chỉ đánh bắt gần bờ, hiệu quả kinh tế thấp, sức khỏe giảm dần nên ông quyết định bán ghe ở nhà cùng phụ vợ muối mắm truyền thống. Ông Phúc chia sẻ: “Lúc trước, làm mắm cực hơn bây giờ vì thiếu nguyên liệu, mua dụng cụ rất khó khăn. Kể cả việc bán mắm cũng khó khăn, chủ yếu bán trong xã hoặc gánh lên các xã lân cận như Hòa Quang, Hòa Thắng để đổi mắm lấy lúa”.
Do nghề muối mắm truyền thống cực nhọc như vậy nên ít người muốn học, nhưng vợ chồng ông vẫn quyết giữ lấy nghề. Sau khi mẹ ông già yếu qua đời, hai vợ chồng tiếp quản nghề làm mắm của bà rồi phát triển dần dần. Nhờ nước mắm ngon và hợp khẩu vị người ăn nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, được nhiều người biết đến. Vợ chồng ông dần mở rộng lượng tiêu thụ trong tỉnh và “xuất” đi cả nước, như ra Hải Dương, Hà Nội… Trung bình mỗi năm, vợ chồng ông Phúc muối từ 2-5 tấn cá để bán ra thị trường, thu lãi trên dưới 200 triệu đồng, tùy thời điểm giá cá cao hay thấp. Với ông Phúc, nghề làm mắm thật lắm công phu. Để con mắm ngon, thì phải ướp nguyên liệu đủ liều lượng thì mắm mới có màu đẹp, thơm ngon và để được lâu. Kỳ công nhất lúc chao mắm trước khi bán ra thị trường. Ông Phúc cho biết: “Tui luôn làm đúng công thức của mẹ truyền lại để giữ nghề gia truyền”.
Sau mấy chục năm theo nghề làm mắm, ông Phúc có cơ ngơi vững chắc, con cái đều có việc làm, ổn định cuộc sống. Ban đầu cơ sở làm mắm của vợ chồng ông chỉ ba bốn ang, nay đã có 60 ang muối mắm. Ở tuổi 65 nhưng ông Phúc vẫn miệt mài lao động, xông xáo cống hiến với vai trò Chi hội trưởng CCB thôn Long Thủy. “Làm việc quen rồi nên nghỉ một ngày tôi buồn lắm. Giờ tôi làm để phát triển cơ sở, xây dựng thương hiệu nước mắm nhà làm. Theo tôi, người lính trở về đời thường phải làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ bằng sự cần lao, nêu gương cho con cháu và giúp ích cộng đồng trong khả năng”, ông Phúc trải lòng.
Tích cực tham gia phòng chống đại dịch
Được tín nhiệm bầu làm Phó thôn Long Thủy, với bản tính xởi lởi, hòa đồng, trách nhiệm, CCB Trương Phúc tận tình đi vận động, khuyến khích bà con tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình sẵn có ở địa phương. Ông Phúc cho biết trước đây, kinh tế địa phương còn khó khăn, tình hình an ninh xã hội phức tạp. Cả thôn có trên 800 hộ dân chủ yếu sống bằng nghề nông và đánh bắt hải sản. Cuộc sống bấp bênh, nên một số người cấu kết, tổ chức vượt biên trái phép. “Làm công tác giữ gìn an ninh trật tự vào thời điểm đó rất gian nguy, vất vả. Nhưng chuyện đó qua lâu rồi. Khi Đảng, Nhà nước có đường lối đổi mới, kinh tế phát triển, đời sống khá dần lên, ai cũng chí thú làm ăn xây dựng gia đình, quê hương, đất nước”, ông Phúc thổ lộ.
Với sự tận tâm, tận tụy trong công tác chính quyền, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ông Phúc được bà con ở địa phương tin tưởng, quý mến, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2011, ông Phúc được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng CCB thôn Long Thủy. Hiện tại chi hội có 30 hội viên. Các CCB hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc không có việc làm, cuộc sống bấp bênh, ông Phúc tới tận nhà gặp gỡ trao đổi, động viên rồi vận động hội viên ủng hộ giúp đỡ. Có hội viên được mượn quỹ của hội để làm vốn chăn nuôi gà, mua bán nhỏ… phát triển kinh tế gia đình. Có những hội viên được ông hướng dẫn, giới thiệu việc làm và có hội viên không có việc làm được ông truyền lại nghề làm mắm, nếu họ không có cơ sở hoặc chưa đủ vốn đầu tư thì ông tạo điều kiện việc làm tại cơ sở của mình để nhận lương hàng tháng. 10 năm qua trong công tác Chi hội trưởng CCB, ông luôn là người đồng hành cùng với các hội viên để vượt qua những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Hơn hai tháng qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với vai trò Chi hội trưởng CCB thôn Long Thủy, ông Phúc tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K và hạn chế ra ngoài khi không thật sự cần thiết; tham gia hướng dẫn tại các điểm lấy mẫu, thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 trong thôn. Ông vận động các hội viên đóng góp quỹ bằng tấm lòng của từng người để mua nhu yếu phẩm tặng các chốt phong tỏa trong thôn. Riêng ông đã tặng lực lượng làm nhiệm vụ ở các chốt phong tỏa của thôn và xã An Phú hơn 60 lít mắm nhà làm. Ông bộc bạch: “Tôi sẵn lòng và rất vui khi được chia sẻ một phần quà ít ỏi của mình để cùng mọi người vượt qua khó khăn trong đợt dịch này”.
Ông Nguyễn Minh Hân, Trưởng thôn Long Thủy nhìn nhận: “CCB Trương Phúc luôn gương mẫu, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tham gia đầy đủ các cuộc họp của thôn và mạnh dạn góp ý kiến xây dựng. Là một gương điển hình lao động sản xuất giỏi ở địa phương, các con của ông đều có điều kiện học đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định. Bên cạnh đó, CCB Phúc còn tham gia tích cực các phong trào ở địa phương như vận động người dân thực hiện các mô hình “Khu dân cư thân thiện với môi trường biển”, “Rác không tiếp đất”; vận động con em trúng tuyển lên đường nhập ngũ, đạt 100% theo chỉ tiêu hàng năm. Là một thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 của thôn Long Thủy, CCB Trương Phúc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ phân công, sẵn sàng xung phong ra tuyến đầu”.
Là một thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 của thôn Long Thủy, CCB Trương Phúc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ phân công, sẵn sàng xung phong ra tuyến đầu.
Ông Nguyễn Minh Hân, Trưởng thôn Long Thủy |
KHÔI NGUYÊN