Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Hoạt động HĐND tỉnh khóa VI (nhiệm kỳ 2011-2016)

Thứ ba - 26/03/2019 01:06
Nhiệm kỳ 2011-2016 là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện chủ trương của Đảng về việc tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày.
Hoạt động HĐND tỉnh khóa VI (nhiệm kỳ 2011-2016)

Nhiệm kỳ 2011-2016 là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện chủ trương của Đảng về việc tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày. Theo đó, vào ngày 22/5/2011, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VI được cử tri của tỉnh bầu ra với 50 đại biểu tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương.

 

Trong nhiệm kỳ này, Phú Yên là một trong 10 tỉnh, thành phố của cả nước tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết 26/2008/QH12, ngày 15/11/2008 của Quốc hội khóa XII.

 

Theo kết quả bầu cử đại biểu HĐND tỉnh ngày 22/5/2011, tổng số đại biểu HĐND tỉnh đầu nhiệm kỳ là 50 đại biểu. Về cơ cấu, thành phần đại biểu cơ bản bảo đảm tính đại diện cho các thành phần, giai cấp, các tầng lớp trong xã hội.

 

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Tấn Việt nhiệm kỳ 2011-2016 (từ tháng 1/2016 là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh) - Ảnh: MINH KÝ

Tại kỳ họp thứ nhất (ngày 20/6/2011), HĐND tỉnh đã bầu Thường trực HĐND gồm 3 đại biểu, giữ chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh. Ông Huỳnh Tấn Việt, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy (đến tháng 12/2015, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI bầu làm Bí thư Tỉnh ủy) được bầu làm Chủ tịch HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách. Tháng 6/2015, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh đã thực hiện miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đối với ông Nguyễn Hữu Hiệp - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và bầu cử bổ sung chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đối với ông Võ Minh Thức.

 

HĐND tỉnh thành lập 3 ban, gồm: Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Hoạt động chuyên trách và các thành viên khác hoạt động kiêm nhiệm. Tháng 11/2015, tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh đã thực hiện việc miễn nhiệm Trưởng Ban Pháp chế của HĐND tỉnh đối với bà Nguyễn Thị Yên Bình (do đủ tuổi nghỉ hưu) và bầu cử bổ sung chức danh Trưởng Ban Pháp chế của HĐND tỉnh (chức danh kiêm nhiệm) đối với ông Trần Văn Hạt, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh.

 

Trong nhiệm kỳ qua, HĐND đã tổ chức thành công 15 kỳ họp với tinh thần đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm, đúng quy định của pháp chế.

 

HĐND tỉnh đã thực hiện tốt chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương theo thẩm quyền, về cơ bản đã cụ thể hóa kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với tình hình thực tiễn địa phương, thể hiện trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

 

Trong 5 năm 2011-2016, HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua 166 nghị quyết để quyết định những chủ trương, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế; giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao; khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo; thi hành pháp luật; xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính. Nội dung đưa ra xem xét, quyết định tại kỳ họp được lựa chọn sát thực tiễn địa phương, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung hướng vào những vấn đề đời sống dân sinh, bức xúc, những vấn đề trong quá trình triển khai nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời, như: xem xét, quyết định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; quản lý, sử dụng đất đai; quy hoạch phát triển một số ngành, lĩnh vực; xây dựng nông thôn mới, bê tông hóa giao thông nông thôn; thực hiện chính sách an sinh xã hội; chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo trong nước, nước ngoài; chính sách thu hút, sử dụng trí thức, y bác sĩ về công tác tại tỉnh…

 

HĐND tỉnh luôn chú trọng định hướng nội dung tập trung nghiên cứu, thảo luận để đại biểu cho ý kiến đóng góp các báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND tỉnh tại các kỳ họp giữa năm và cuối năm; qua đó kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời kiến nghị các giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc để các cơ quan thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

 

Việc giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh đã có nhiều cải tiến về nội dung, cách thức điều hành và thời gian dành cho hoạt động chất vấn. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, có 37 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn đến thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước. Nội dung chất vấn đề cập đến nhiều vấn đề cụ thể, quan trọng, được cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân và việc quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước. Hoạt động chất vấn và trả lời đã thể hiện được tính dân chủ, bảo đảm tập trung, đi sâu vào nội dung trọng tâm; tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu thực hiện chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan tư pháp. Sau mỗi kỳ họp, Thường trực, các ban và đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị thực hiện lời hứa, báo cáo kết quả với HĐND tại kỳ họp sau, bảo đảm các ý kiến chất vấn, kiến nghị của cử tri và của đại biểu HĐND tỉnh được thực hiện nghiêm túc.

 

Thực hiện Nghị quyết 35/2012/QH13, ngày 21/11/2012 của Quốc hội “Về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn”, HĐND tỉnh đã tiến hành 2 lần lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp giữa năm 2013 và kỳ họp cuối năm 2014 đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được HĐND tỉnh chuẩn bị và thực hiện chu đáo, thận trọng, nghiêm túc, đảm bảo quy trình, thủ tục và nguyên tắc tập trung dân chủ.

 

Nhìn chung, những người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND tỉnh đều đạt trên 50% số phiếu “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm”. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, thường trực, các ban của HĐND tỉnh đã tổ chức thực hiện 31 cuộc giám sát chuyên đề. Thành phần gồm thường trực, các ban của HĐND tỉnh, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo các ban đảng của Tỉnh ủy, các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh có liên quan.

 

Ngoài ra, thường trực, các ban của HĐND tỉnh còn tham gia khảo sát, giám sát cùng các đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của mỗi cơ quan.

 

Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ 2011-2016 được tăng cường và dần đi vào nề nếp, tạo sự gắn bó, tin tưởng của cử tri đối với đại biểu HĐND tỉnh. Trong nhiệm kỳ đã tổ chức 20 đợt tiếp xúc cử tri tại 1.580 điểm; bình quân mỗi đợt tiếp xúc cử tri ở 79 điểm, có hơn 4.700 cử tri tham dự, với hơn 560 cử tri tham gia phát biểu ý kiến. Ở đầu nhiệm kỳ tổ chức 57 điểm tiếp xúc, đến kỳ họp thứ 11 tăng lên 93 điểm, kỳ họp thứ 12 tăng lên 96 điểm. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức, chủ trì 1 điểm tiếp xúc trước và sau kỳ họp thứ 10, 11 và 14 tại cơ quan Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh với thành phần cử tri là các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt tỉnh.

 

HĐND tỉnh mà đại diện là Thường trực HĐND đã thực hiện tốt lịch tiếp công dân định kỳ theo quy định vào ngày 15 hàng tháng tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh và tiếp công dân thường xuyên tại cơ quan theo quy định tại Nghị quyết 759/2014/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong nhiệm kỳ đã tiếp 117 lượt công dân, tiếp nhận 726 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đã phân loại và xử lý chuyển 311 đơn, hướng dẫn công dân gửi 148 đơn đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết; lưu 267 đơn. Đã nhận 307 văn bản trả lời của UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; còn lại 4 đơn đang trong thời hạn giải quyết theo luật định. Nội dung đơn thư chủ yếu phản ánh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khiếu nại về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trùng lắp, quy chủ không chính xác, áp giá bồi thường chưa hợp lý… Đối với những đơn thư có tính phức tạp, Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp hoặc phân công ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổ chức khảo sát, làm rõ nội dung để có cơ sở trả lời cho công dân.

 

Nhiệm kỳ 2011-2016, Phú Yên là một trong 10 tỉnh, thành phố của cả nước tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XII. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND tỉnh được bổ sung theo quy định tại Nghị quyết 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

Việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương: Nhiệm vụ phê duyệt dự toán ngân sách nhà nước của cấp huyện được HĐND tỉnh thực hiện, bảo đảm đúng trình tự, thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Việc bầu, miễn nhiệm Hội thẩm TAND huyện được bảo đảm các bước theo hướng dẫn của TAND tối cao.

 

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ giám sát theo luật định, Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh đã tăng cường số cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề đối với hoạt động của UBND, TAND, VKSND cấp huyện để phù hợp với điều kiện thí điểm.

 

Hoạt động tiếp xúc cử tri đã có những đổi mới phù hợp với việc thí điểm, như tăng số điểm tiếp xúc trước và sau kỳ họp; đa dạng hóa nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri.

 

PHAN THANH BÌNH - ĐÀO NHẬT KIM

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp