Ka Siu Thắng nhớ lại, những năm 1991-1995, đồng bào ở thôn 2A tái định cư tới nơi ở mới và thực hiện chủ trương trồng cây lúa nước thay lúa rẫy để tăng năng suất, ổn định lương thực tại chỗ. Đồng bào không quen, ông đã đi tìm nơi đất bằng gần các con sông, suối, trấp để khai hoang làm ruộng.
Ka Siu Thắng tại Đại hội dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh - Ảnh: MINH DUYÊN |
“Nhờ đó, năng suất lúa đạt cao, năm đó nhà tôi không còn thiếu ăn mà dư lúa dự trữ. Hiệu quả, tôi chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người trong thôn làm theo, bà con hưởng ứng nên đến nay đa số đã trồng cây lúa nước, không còn hộ nào bị đói”, Ka Siu Thắng kể.
Mí Then ở xã Sông Hinh nói: Học theo già Ka Siu Thắng, tôi cũng trồng lúa nước, cày bừa làm đất, mua lúa giống về sạ. Nhờ đó năng suất tăng từ 50 tạ/ha lên 65 tạ/ha và hơn 10 năm nay nhà tôi không còn đói nghèo nữa.
Bên cạnh đó, Ka Siu Thắng còn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Ông chia sẻ: Với hơn 3ha đất rẫy, trước kia tôi chỉ trồng sắn, mía, thu nhập tuy có nhưng không ổn định. Để tăng thu nhập, tôi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, đó là cao su (2ha), bơ (1ha). Hiện tôi có thu nhập bình quân từ 100-300 triệu đồng/năm.
Người đàn ông ở tuổi 56 này cũng là người đi đầu trong công tác xã hội. “Tôi biết tới đâu thì chỉ cho bà con tới đó. Tôi vận động bà con không thả rông trâu bò mà phải chăn dắt, làm chuồng trại để bảo đảm vệ sinh môi trường, tránh dịch bệnh lây sang người. Tôi cũng chỉ cho bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và hỗ trợ các loại giống cây trồng vật nuôi, xóa nhà tạm…”, Ka Siu Thắng bộc bạch. Từ đây, bà con mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, đăng ký hỗ trợ sản xuất để giảm chi phí sản xuất. Người dân nơi đây không còn thiếu ăn thiếu mặc, không phải sống du canh du cư.
Ka Siu Thắng cũng tham gia vào đội trống, đội chiêng của xã và khuyến khích đồng bào Ba Na mặc trang phục dân tộc mình, chơi nhạc cụ truyền thống mà ông cha để lại, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần tạo thêm sự đa dạng cho bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
“Tôi thuyết phục bà con bỏ dần các hủ tục lạc hậu như mê tín dị đoan, có bệnh đi khám bác sĩ thay vì mời thầy cúng như trước. Để tăng cường mối quan hệ đoàn kết, tương thân tương ái tôi cùng với nhiều hộ trong buôn hễ gia đình nào khó khăn, chúng tôi quyên góp quần áo, gạo, tiền… giúp đỡ. Ai làm nhà mới hay sửa nhà, hễ người nào rảnh là qua phụ giúp, cũng đỡ được chi phí công thợ…”, Ka Siu Thắng nói.
Ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, nhận xét: Tích cực tham gia công tác xã hội, sản xuất, nhiều năm liền, ông Ka Siu Thắng được nhận giấy khen, bằng khen các cấp từ xã tới tỉnh. Ông Thắng góp phần giúp đồng bào thôn 2A vươn lên thoát đói nghèo, chuyển từ cuộc sống du canh du cư sang an cư lạc nghiệp. Ka Siu Thắng là tấm gương điển hình trong đồng bào dân tộc thiểu số cần được nhân rộng ở địa phương.
Ka Siu Thắng (dân tộc Ba Na, ở thôn 2A, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh) là người sống gương mẫu, tích cực công tác xã hội và chăm lo sản xuất. Ông là đảng viên được bà con yêu mến bầu là người uy tín. |
BẠCH VÂN