Bước vào thế kỷ XXI, Phú Yên có sự phát triển đột phá khá rực rỡ giai đoạn 2001-2005, tạo cơ sở vững chắc cho chặng đường 2005-2010.
Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 12,3% (bình quân giai đoạn 2001-2005 là 10,3%). Trong đó: khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 3,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng 17,4%; khu vực dịch vụ 13,6%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đến cuối năm 2010 tỉ trọng các ngành trong cơ cấu GDP dự kiến như sau: công nghiệp - xây dựng chiếm 28,7%. GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 15,6 triệu đồng, đạt 156% so với tiêu chí nghị quyết đề ra.
Sản xuất công nghiệp phát triển khá. Giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng bình quân 17,4%. Sản phẩm công nghiệp phát triển ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng được cải thiện; đã phát triển ngành công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung như: mía đường, tinh bột sắn, chế biến thủy sản…; phát triển một số ngành công nghiệp có giá trị tăng cao như: thủy điện, bia, nước giải khát, phân bón, đá ốp lát, dược phẩm… và một số ngành công nghiệp giải quyết nhiều lao động như: chế biến nhân hạt điều, may mặc… Một số sản phẩm như: đường RE, thủy sản khô, hạt điều, đồ gỗ, hàng may mặc có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Đã đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến tinh bột sắn Đồng Xuân, Nhà máy lắp ráp ô tô JRD, Nhà máy phân bón tại KCP Đông Bắc Sông Cầu và một số nhà máy, phân xưởng chế biến các sản phẩm thủy sản, hàng may mặc, đồ gỗ, bia, nước giải khát, đá ốp lát… Hoàn thành việc nâng công suất các nhà máy như: Nhà máy tinh bột sắn Sông Hinh, Nhà máy đường KCP…
Công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp được chú trọng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư từng bước hoàn chỉnh. Đến tháng 6/2010 có 67 dự án đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp, trong đó có 55 dự án đi vào sản xuất. Các làng nghề truyền thống được khôi phục và tạo điều kiện để phát triển, đến nay có 7/18 làng nghề được công nhận, cùng với các HTX góp phần phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, sử dụng nhiều lao động ở nông thôn như: chế biến mây tre lá, gạch ngói, nước mắm, đan lát…
Dịch vụ phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, đạt 13,6% năm; tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân 5 năm 2006-2010 ước đạt 22,9%/năm. Các hoạt động dịch vụ tiếp tục được mở rộng và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.
Hoạt động thương mại tiếp tục phát triển, việc phổ biến thông tin về Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được chú trọng triển khai đến các doanh nghiệp. Đã hình thành được hệ thống cơ sở kinh doanh đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa, dịch vụ của nhân dân. Thực hiện tốt việc trợ cước, trợ giá, bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng chính sách phục vụ nhân dân miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng vốn hỗ trợ bình quân 5 năm 2006-2010 khoảng 2 tỉ đồng/năm.
Sản xuất dăm gỗ tại Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu - Ảnh: ANH NGỌC |
Vận tải phát triển khá, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế. Đưa vào sử dụng Cảng Vũng Rô (giai đoạn 1 - năng lực thiết kế 250.000 tấn/năm), lượng hàng hóa thông qua cảng tăng mạnh qua từng năm, năm 2010 khả năng đạt gấp 2 lần năng lực thiết kế. Đã đưa vào khai thác các tuyến xe khách chất lượng cao gắn với hình thành một số thương hiệu vận tải mạnh; hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt phát triển nhanh, cơ bản đã nối đến các thị trấn và các điểm dân cư tập trung. Về hàng không, đã nâng tầng suất tuyến bay TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh 5 chuyến/tuần.
Hoạt động du lịch có chuyển biến tích cực. Đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được chú trọng; một số dự án quy mô lớn đi vào hoạt động bước đầu có hiệu quả; hệ thống cơ sở lưu trú phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 70 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch và 10 khu, điểm vui chơi giải trí; có 1.484 phòng lưu trú với 2.380 giường, tăng gấp 2,26 lần khách du lịch tăng bình quân 35%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 50%/năm, doanh thu du lịch tăng 77%/năm.
Dịch vụ viễn thông phát triển mạnh, đến năm 2010 ước đạt 80 máy điện thoại/100 dân, tỉ lệ người dân sử dụng internet đạt xấp xỉ 30 người/100 dân. Doanh thu bưu chính - viễn thông tăng nhanh, bình quân trên 34%/năm. Chất lượng dịch vụ bưu chính được cải thiện. Hoạt động vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, thư từ, công văn nhanh chóng, chính xác. Đã triển khai hoạt động viễn thông công ích tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển, tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng hàng năm 25%, năm 2010 ước đạt 8.600 tỉ đồng, trong đó cho vay trung, dài hạn chiếm 42%. Đã thu hút được một số ngân hàng thương mại cổ phần đặt chi nhánh, phòng giao dịch tại tỉnh như: Ngân hàng Sài Gòn - Thương Tín, Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Đông Á…
Nông - lâm - thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. Giá trị gia tăng trong ngành nông - lâm - thủy sản bình quân 5 năm đạt 3,3%. Cơ cấu ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tạo tiền đề cho phát triển ngành nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện.
Trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng - vật nuôi tiếp tục chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Một số dịch vụ trong nông nghiệp như: dịch vụ làm đất, dịch vụ thu hoạch, bảo vệ thực vật, phân bón… hoạt động tương đối có hiệu quả. Sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm đạt ổn định trên 32 vạn tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu lương thực cho tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh và một phần cung ứng ra ngoài tỉnh; giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác được nâng lên, ước năm 2010 bình quân giá trị sản phẩm trồng trọt đạt 29 triệu đồng/ha canh tác, tăng 1,7 lần so với năm 2005; xuất hiện một số mô hình luân canh, xen canh đạt hiệu quả cao, doanh thu bình quân đạt 70-160 triệu đồng/ha/năm; đã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp gắn với nhà máy chế biến đường, tinh bột sắn. Đã phát triển cây cao su ở một số địa phương có điều kiện phù hợp, diện tích trồng mới tăng từ 1.461ha năm 2005 lên 3.000ha năm 2010.
Phát triển chăn nuôi theo quy mô thích hợp, chú trọng hơn trong công tác chọn con giống phù hợp với điều kiện từng vùng; kết hợp đổi mới phương thức chăn nuôi hiệu quả gắn với phòng chống dịch bệnh. Số lượng tổng đàn gia súc của tỉnh tuy giảm so với năm 2005, nhưng chất lượng được nâng lên. Bước đầu đã xuất hiện một số mô hình chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, công nghiệp gắn với công tác thú y phòng chống dịch bệnh. Đến năm 2010, đàn bò 193.000 con, giảm 4,3% so với năm 2005; đàn lợn 131.500 con, giảm 33,2%, đàn gia cầm khoảng 2,3 triệu con, tăng 2,7% so với năm 2005.
Đã hoàn thành rà soát quy hoạch 3 loại rừng, tập trung đẩy mạnh trồng rừng kinh tế theo phương thức thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng sản lượng sinh khối của rừng trồng. Đã thu hút được các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng sản xuất, bước đầu phát triển lâm nghiệp gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Tỉ lệ độ che phủ rừng từng bước cải thiện (theo tiêu chí mới) ước đạt 34,9%.
Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển, năng lực khai thác được tăng cường. Tổng số tàu thuyền trong tỉnh 7.187 chiếc, với tổng công suất 204.663CV, tăng 3.090 chiếc so với năm 2005, tổng công suất tăng thêm 72.083CV. Sản lượng thủy sản năm 2010 đạt 45.000 tấn, tăng 16,6% so với năm 2005, trong đó sản lượng nuôi trồng là 9.000 tấn, tăng gấp 2,8 lần so năm 2005. Đã có sự chuyển dịch trong các đối tượng nuôi, mở rộng một số đối tượng nuôi mới, có hiệu quả như tôm thẻ chân trắng, tu hài, cá bớp, cá mú, rong sụn… Hoàn thành và đưa vào sử dụng cảng cá Tiên Châu, Khu neo đậu tàu thuyền và tránh trú bão cho tàu thuyền vịnh Xuân Đài; đang triển khai đầu tư cảng cá Phú Lạc.
PHAN THANH BÌNH - ĐÀO NHẬT KIM