Trong bối cảnh cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, việc khơi dậy tinh thần, ươm tạo khởi nghiệp du lịch thông minh là rất thiết thực.
Mới đây, Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) phối hợp với các sở KH-CN, VH-TT-DL Phú Yên tổ chức hội thảo khởi nghiệp du lịch thông minh nhằm khơi nguồn nhận thức cũng như tinh thần khởi nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh, tạo nên các sản phẩm du lịch mới, độc đáo. Đây là một trong những hoạt động cụ thể hóa đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844 của Chính phủ giao Bộ KH-CN chủ trì triển khai).
Cách mạng 4.0 và du lịch thông minh
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực đời sống, trong đó có du lịch. Ngành Du lịch đang thu hút giới trẻ khởi nghiệp thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng sản phẩm phát triển du lịch thông minh, phục vụ khách du lịch một cách nhanh chóng, tiện lợi nhất.
Du lịch thông minh hiểu một cách đơn giản là sản phẩm du lịch được tích hợp và áp dụng công nghệ thông tin nhằm tạo ra và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho du khách qua các công đoạn sử dụng và cả chương trình hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Với các ứng dụng trực tuyến như đặt phòng, tìm đường, lựa chọn điểm đến, tư vấn sản phẩm..., khách chỉ cần chạm tay vào ứng dụng, bấm nút trên điện thoại là có thể kết nối và ghi nhận được tất cả những thông tin liên quan.
Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn đã phối hợp với các địa phương, đơn vị, trường cao đẳng, đại học trong cả nước để tổ chức chương trình khởi nghiệp du lịch. Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Songhan Incubator, cho biết Chương trình khởi nghiệp du lịch VTS 2018 đã ươm tạo thành công các startup nổi bật như: dự án VEO đã gọi vốn đầu tư từ Shark Thủy 5,7 tỉ đồng; dự án Liberzy gọi vốn công nghệ 2 tỉ đồng và phát triển trên 160k user gần 2 năm. Bên cạnh đó, nhiều dự án được ươm tạo thành công khởi đầu chỉ từ ý tưởng như Hue Lotus, Adei House, Làng Văn hóa Khmer Trà Vinh, UCom…
Khởi nghiệp không khó
Với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, nhiều bạn trẻ đã tự bứt phá khỏi những công việc ổn định để dấn thân khởi nghiệp và không ít người đã thành công từ những ý tưởng độc đáo.
Một trong những dự án khởi nghiệp du lịch thông minh được định hình và nổi tiếng là Công ty Du lịch Triip.me (TP Hồ Chí Minh) do Lâm Thị Thúy Hà, một người trẻ, “nhảy việc” để thỏa mãn đam mê làm du lịch. Triip.me hoạt động trên nguyên tắc kết nối du khách với các “chuyên gia địa phương” (ở tất cả các lĩnh vực) để chính họ trở thành những hướng dẫn viên. Các “chuyên gia” này đưa ra kế hoạch tour, tổ chức chuyến đi. Kế hoạch này sau đó sẽ được hiệu đính bởi Triip.me và khi chuyến đi hoàn thành, Triip.me hưởng 10% thu nhập trong mỗi giao dịch. Ra đời năm 2013, đến tháng 2/2016, dự án Triip.me đã nhận 500.000 USD trong vòng gọi vốn và khoảng 150.000 USD từ các nhà đầu tư trong quý II/2017. Năm 2018, Triip.me đã có mặt trên 98 quốc gia và 165 thành phố trên khắp thế giới. Thế nhưng, để đạt được thành tựu như hiện tại là một quá trình chông gai, nhất là giai đoạn khởi nghiệp. Chủ nhân Lâm Thị Thúy Hà chia sẻ, lúc khởi nghiệp đã phải bán nhà, ra ở thuê để làm du lịch.
Tại hội thảo khởi nghiệp du lịch thông minh 2019 tại TP Tuy Hòa, ban tổ chức đã giới thiệu 4 startup, trong đó có hai cá nhân của Phú Yên là Lê Thị Trà My với mô hình kinh doanh chuỗi homestay và Phạm Vi Na với sản phẩm Chuối Cô Na đã có những thành công bước đầu. Cả hai dự án được đưa vào hệ sinh thái khởi nghiệp và được hỗ trợ ươm tạo.
Phạm Vi Na chia sẻ, cô xuất thân từ một viên chức làm việc trong lĩnh vực y tế ở huyện miền núi Đồng Xuân. Thấy cảnh người thân quê mình trồng cả rẫy chuối mà tới mùa thu hoạch bán với giá rẻ, cô thử nghiệm trồng chuối sạch, canh mùa thu hoạch đúng vào dịp Tết để bán được giá cao. Cú sốc ban đầu là hơn 1.000 gốc chuối trổ buồng muộn, đúng vào dịp Tết chỉ có được 2 quầy bán với giá 400.000 đồng, sau Tết chuối rớt giá thê thảm. Phạm Vi Na bỏ hẳn công việc để... bán chuối và đi học tập cách làm chuối sấy khô, bán hàng online cho sản phẩm của mình...
“Để sản phẩm Chuối Cô Na đứng được trên thị trường, tôi đã nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, khóc thầm, và phải xuôi ngược bán chuối... Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng, nhất là với phụ nữ, nhưng nếu có quyết tâm thì đây là thử thách để mình vượt qua và trưởng thành”, Phạm Vi Na bộc bạch. Bà Trần Thị Khánh Hiền, phụ trách truyền thông của Songhan Incubator, cho biết sản phẩm Chuối Cô Na và ý tưởng kinh doanh của Startup Phạm Vi Na đang được hỗ trợ ươm tạo từ chương trình khởi nghiệp bởi Songhan Incubator, được đào tạo bởi các chuyên gia nước ngoài. Sắp tới, Chuối Cô Na sẽ được ghi hình vào vòng gọi vốn của chương trình Shark Tank Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, nói: “Khởi nghiệp du lịch thông minh là một chương trình quy mô toàn quốc và đã có những dự án du lịch được ươm tạo thành công. Trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng công nghệ, kết hợp những ý tưởng kinh doanh độc đáo là xu thế tất yếu. Hy vọng qua hội thảo, qua các cuộc thi về khởi nghiệp, Phú Yên ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia với nhiều ý tưởng táo bạo, được hỗ trợ ươm tạo, gọi vốn và phát triển ở nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch thông minh”.
GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM ƯƠM TẠO KHỞI NGHIỆP SÔNG HÀN LÝ ĐÌNH QUÂN: Nơi phát hiện và ươm tạo những ý tưởng thông minh
* Thưa ông, Chương trình khởi nghiệp du lịch VTS 2019 do Songhan Incubator tổ chức như thế nào?
- Chương trình khởi nghiệp du lịch VTS 2019 do Songhan Incubator tổ chức với sự cố vấn của các chuyên gia cấp cao đến từ Tổ chức Chuyên gia cấp cao PUM (Hà Lan) và sự hợp tác của các đối tác chiến lược: Chương trình khởi nghiệp Thụy Sĩ Swiss EP; Quỹ khởi nghiệp Việt Nam - Viet Nam Startup Foundation; mạng lưới các nhà cố vấn khởi nghiệp VMI; mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam - iAngel; đội ngũ giảng viên và cố vấn qua đào tạo chuẩn ToT, có năng lực sáng tạo, tư duy doanh nhân, kinh nghiệm nhiều năm trong ngành Du lịch.
Chương trình khởi nghiệp du lịch VTS 2019 là một mạng lưới hệ sinh thái ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành Du lịch, nhiều hoạt động được tổ chức và liên kết như: Triển lãm khởi nghiệp du lịch sáng tạo VTS Fair, cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo VTS Awards, hoạt động kết nối các startup du lịch VTS Connect, liên kết mạng lưới nhà đầu tư, các chương trình tăng tốc quốc tế...
* Vì sao Songhan Incubator chọn Phú Yên để tổ chức hội thảo khởi nghiệp du lịch thông minh; cách tuyển chọn các ý tưởng để ươm tạo trong năm 2019 là gì, thưa ông?
- Trước hết, chúng tôi nhận thấy Phú Yên là một vùng đất còn rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Ngoài Phú Yên, năm nay chúng tôi còn tổ chức hội thảo tại Bình Định, Quảng Ngãi, Huế và Đà Nẵng đều rất thành công với sự tham gia hào hứng của nhiều bạn trẻ, các startup trong lĩnh vực du lịch.
Chương trình khởi nghiệp du lịch VTS 2019 gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: “SHi Startup Inspiration” workshop dành cho 300 ý tưởng nguồn, đến nay đã có hơn 40 dự án tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh được tổ chức, chương trình còn được tiếp tục tổ chức đến hết năm 2020. Giai đoạn 2: “SHi Incubator Journey”, chọn lọc 100 ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng, sáng tạo và đột phá để ươm tạo. Giai đoạn 3: “SHi Accelerator Journey”, đưa dự án lên thị trường, chọn ra những dự án tiềm năng để hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư trở thành một doanh nghiệp tiềm năng.
Các dự án khởi nghiệp tham gia chương trình VTS sẽ được nhiều quyền lợi lớn như: không gian làm việc miễn phí; được đào tạo, huấn luyện bởi các chuyên gia chất lượng, uy tín về đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, có cơ hội được nhận vốn đầu tư; được giới thiệu, đề cử đến các chương trình tăng tốc quốc tế, các chương trình hỗ trợ của chính phủ và địa phương, các quỹ đầu tư, các tập đoàn du lịch. Đặc biệt là được tham gia lâu dài vào hệ sinh thái khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo, gia tăng năng lực cạnh tranh.
Để tham gia ứng tuyển ươm tạo, các ứng viên tìm hiểu thông tin và đăng ký tại http://bit.ly/VTS2019; fanpage: https://www.facebook.com/khoinghiepsonghan/.
QUỲNH MAI (thực hiện) |
TRẦN QUỚI